70 bộ trang phục mà NTK Minh Hạnh mang tới Mátxcơva lần này được sáng tạo từ chất liệu thổ cẩm và lanh của người H’Mong, Dao Đỏ, Tà Ôi, K’Ho... cùng lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) với hai chủ đề khác nhau: Họa tiết dân gian của các dân tộc ít người và các motif Sa Hoàng. Các họa tiết đều được thêu tay tinh xảo.
35 bộ áo dài bằng lụa Việt Nam thuộc hai bộ sưu tập mà Minh Hạnh đã thiết kế dành riêng cho các cựu nữ sinh Khoa Nga, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nhân Ngày hòa giải Nga 7/11/2015 và World Cup bóng đá diễn ra tại Nga năm 2018.
Hai bộ này in hình các ngọn tháp của điện Kremlin và các công trình kiến trúc nổi tiếng của nước Nga.
"Sắc màu Việt Nam" tại Mátxcơva
|
Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật các dân tộc phương Đông được Nhà nước Xô Viết thành lập năm 1918, một năm sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và là một trong số không nhiều bảo tàng lớn trên thế giới chuyên trưng bày và giới thiệu nghệ thuật của các dân tộc thuộc khu vực Trung Đông, Viễn Đông, Trung Á, Kavkaz, Ngoại Kazkaz và các vùng lãnh thổ thuộc châu Á của Nga như Buryatia và Chukhotka.
Người mẫu trong trang phụ thổ cẩm
|
Năm ngoái, Bảo tàng phương Đông đã kỷ niệm 100 năm thành lập bằng triển lãm “Phương Đông. Vẻ đẹp khác”. Chiếc áo dài lụa mà Minh Hạnh thiết kế tặng bà Elena Zubtsova, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã có may mắn được Bảo tàng chọn trưng bày trong triển lãm này.
Cũng từ đây bắt đầu mối lương duyên đưa các sáng tạo của Minh Hạnh tới với công chúng Nga chuyên nghiên cứu và thưởng ngoạn văn hóa phương Đông. Bảo tàng mời Minh Hạnh đem các bộ sưu tập của mình tới Mátxcơva trình diễn. Và Minh Hạnh đã chọn thời điểm Quốc khánh Nga 12/6, đúng dịp thủ đô Mátxcơva tổ chức Festival dân gian “Thời đại và kỷ nguyên” để ra mắt các bộ sưu tập mới nhất.
Bà Albina Legostaeva - Trưởng Phòng triển lãm và trưng bày thường xuyên của Bảo tàng - cho biết: Đây là lần đầu tiên một sự kiện văn hóa có quy mô của Việt Nam diễn ra tại Bảo tàng, đồng thời cũng là một hoạt động quan trọng của Bảo tàng trong năm 2019.
“Chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu với công chúng Nga những sáng tạo độc đáo của Minh Hạnh” - bà Legostaeva nói.
Trang phục áo dài với họa tiết thổ cẩm
|
Hơn 20 cơ quan báo chí, truyền hình của Nga và Việt Nam đã có mặt đưa tin về sự kiện. Trả lời báo chí về việc dựa chọn các chất liệu dân gian để xây dựng bộ sưu tập, Minh Hạnh cho hay bà muốn kể với công chúng Nga câu chuyện của Việt Nam, đất nước có hơn 50 dân tộc anh em và mỗi dân tộc đều có chất liệu riêng. Lần này bà đã chọn các chất liệu của đồng bào dân tộc ít người của ba khu vực: miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên để giới thiệu cho công chúng Nga vẻ đẹp truyền thống cũng như tiềm năng sáng tạo lớn của các dân tộc Việt Nam.
Các họa hoa văn, họa tiết của thời đại Sa Hoàng được kết hợp nổi bật trên các chất liệu thổ cẩm và lanh của Việt Nam. Minh Hạnh cho hay thời trang phụ nữ của thời đại Sa Hoàng là biểu tượng haute couture độc đáo kết hợp giữa nữ tính và nữ quyền.
Trang phục thổ cẩm Việt trên đất Nga
|
Sự kết hợp của chúng với chất liệu dệt tay của phụ nữ thiểu số Việt Nam là sự tôn vinh lao động sáng tạo của những người phụ nữ đang sinh sống tại những khu vực còn khó khăn của Việt Nam.
Bà Tatyana Metaksa - cố vấn Giám đốc Bảo tàng, một trong những chuyên gia đầu ngành về nghệ thuật phương Đông của Nga nhận xét: “Sáng tạo của Minh Hạnh là vô cùng độc đáo. Chúng tôi đánh giá cao sự kết hợp giữa các hoa văn, biểu tượng của Nga với chất liệu thổ cẩm và lụa của Việt Nam. Tại Bảo tàng phương Đông chúng tôi đã tiến hành những cuộc trình diễn thời trang, nhưng buổi trình diễn này của Minh Hạnh là ấn tượng nhất”!
Tham gia trình diễn các bộ trang phục của Minh Hạnh tại Bảo tàng phương Đông có Hoa hậu Ngọc Hân, quán quân Next Top Model Kim Dung, Hoa hậu Nhân ái Thủy Tiên; 10 người mẫu chuyên nghiệp của Nga; 18 cựu nữ sinh Khoa Nga ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và 4 nữ sinh Nga đang học tiếng Việt của Đại học Quốc gia Ngôn ngữ Mátxcơva.
Cũng tại buổi biểu diễn, NTK Minh Hạnh đã tặng Bảo tàng Phương Đông hai bộ áo dài thổ cẩm và một bộ trang phục hiện đại có thêu họa tiết thời kỳ Sa Hoàng, để Bảo tàng làm hiện vật trưng bày.