Theo đó, mô hình xã, phường điện tử tại Đà Nẵng được bắt đầu triển khai từ năm 2014 thông qua dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của mô hình là cải tạo hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất để tạo ra môi trường giao tiếp thân thiện, hiện đại giữa người dân và UBND các phường, xã; đồng thời thay đổi phương pháo quản lý công việc, dữ liệu của UBND phường, xã trên môi trường điện tử thông qua các ứng dụng CNTT.
Sau 2 năm thực hiện, đến nay Đà Nẵng đã có 55/56 xã, phường được cải tạo, nâng cấp trang thiết bị tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, qua đó tạo ra sự thuận tiện, thoải mái hơn cho công dân đến giao dịch; 100% phường, xã đã thực hiện chuyển hồ sơ một cửa điện tử đối với các lĩnh vực cần liên thông đến UBND các quận, huyện trên hệ thống; và thực hiện tiếp nhận liên thông văn bản điện tử;
42/56 phường, xã sử dụng sổ chứng thực điện tử thay cho sổ chứng thực giấy để làm tốt hơn việc quản lý dữ liệu, tra cứu, sao lục các nội dung liên quan đến chứng thực của công dân đã thực hiện.
Mặc dù vậy, mô hình xã, phường điện tử vẫn chưa thật sự đồng bộ, vẫn còn nhiều địa phương chưa chú trọng thay đổi chất lượng, phương thức điều hành điện tử mà vẫn tập trung nhiều vào việc đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị.
Trước thực trạng này,Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu các địa phương khắc phục những tồn tại và khiếm khuyết, mục tiêu đến năm 2020 có 100% xã, phường đạt chuẩn phường, xã điện tử loại 2 trở lên. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện mô hình quận, huyện điện tử và chọn 1 địa phương để thực hiện thí điểm trong năm 2017.