Cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta. Các nhà sản xuất điện thoại, máy tính phải liên tục căng mình tìm cách đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc từ xa của người dùng. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn buộc phải trì hoãn ngày phát hành vì không đủ linh kiện sản xuất.
Mọi thứ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn trong ngành công nghiệp xe hơi khi các nhà máy buộc phải đóng cửa vì không có đủ chip để hoàn thiện việc chế tạo phương tiện.
Nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm chip
Theo Ted Mortonson, chuyên gia phân tích công nghệ của Baird - một công ty dịch vụ tài chính Mỹ, ông chưa bao giờ thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng như vậy trong gần 30 năm làm trong ngành công nghiệp chip điện tử.
Trang PhoneArena nhận định đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm gián đoạn các hoạt động trong chuỗi cung ứng, gây nên tình trạng khan hiếm chip kéo dài trong suốt khoảng thời gian vừa qua.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến các nhà máy sản xuất chip phải đóng cửa từ đầu năm 2020. Khi mở cửa trở lại, các nhà sản xuất cần lấp đầy một số lượng lớn đơn hàng còn tồn đọng trong suốt khoảng thời gian đóng cửa trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, các nhà sản xuất chip còn phải đối mặt với nhu cầu gia tăng một cách chóng mặt về chip. Không nhà sản xuất nào có thể lường trước được vào năm 2020, doanh số bán máy tính cá nhân lại tăng vọt sau gần một thập kỷ liên tục suy giảm. Điều này đã xảy ra khi các quốc gia buộc phải thực hiện lệnh đóng cửa khiến hàng triệu nhân viên văn phòng làm việc tại nhà và học sinh phải học từ xa.
Theo 9to5mac, không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu có thể giảm bớt trong thời gian ngắn. Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng sự thiếu hụt các kỹ sư đang trở thành một vấn đề nan giải, đặc biệt là những kỹ sư có trình độ cao để thiết kế và giải quyết các vấn đề sản xuất chip ngày càng phức tạp.
Theo Wall Street Journal, lý do chủ yếu gây ra tình trạng trên là khoảng cách ngày càng gia tăng giữa cung và cầu. Những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đang phải tranh giành công nhân làm việc cho các cơ sở trị giá hàng tỷ USD mà họ đang xây dựng để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Các cơ sở sản xuất chip mới yêu cầu hàng nghìn kỹ sư có trình độ đại học để có thể vận hành. Các kỹ thuật viên chịu trách nhiệm giám sát và quản lý quy trình sản xuất, trong khi các nhà nghiên cứu giúp đổi mới và chế tạo các loại chip.
Tại Đài Loan, nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất chip TSMC, vấn đề này đang trở nên tồi tệ hơn ở mức báo động. Theo một báo cáo được thực hiện bởi 104 Job Bank từ tháng 8/2021, sự thiếu hụt hàng tháng đối với lao động làm trong lĩnh vực bán dẫn khoảng 27.700 nhân viên, tăng 44% so với năm trước. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng mức lương trung bình trong ngành sản xuất chip đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
"Vấn đề thiếu hụt nhân tài ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, chủ yếu là do nhu cầu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng tôi có thể sớm giải quyết được vấn đề này", Yao-Wen Chang, Trưởng khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính của Đại học Quốc gia Đài Loan nhận định.
Mặc dù Apple tự thiết kế chip, TSMC vẫn cần những kỹ sư có đủ năng lực để vận hành các nhà máy. Theo một chuyên gia trong ngành, mức độ chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực này đang tăng lên liên tục.
Nhiều ông lớn lao đao
Theo The Elec, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng đến mức ông TM Roh - người đứng đầu mảng di động của Samsung - đã phải 2 lần đích thân đặt chân tới Mỹ để yêu cầu một nhà sản xuất chip (được cho là Qualcomm) cung cấp thêm chip.
Chưa dừng lại ở đó, TSMC cũng được cho là đã tăng giá lên khoảng 20% đối với các đơn hàng của họ. Ngay cả Apple - đối tác chiến lược của hãng - cũng phải chịu mức chi phí tăng khoảng 3%.
Việc khan hiếm chip cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các công ty. Theo chia sẻ từ CEO Tim Cook của Apple, những hạn chế liên quan đến nguồn cung đã khiến công ty thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Trong đó, sự thiếu hụt về nguồn cung chip là vấn đề chính trong chuỗi cung ứng.
Các báo cáo chỉ ra rằng trong tháng 10/2021, Apple đã phải cắt giảm hơn 10 triệu chiếc iPhone so với sản lượng ước tính ban đầu. Nguyên nhân là do Broadcom và Texas Instruments không thể cung cấp đủ linh kiện. Việc thiếu dù chỉ một bộ phận nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình sản xuất iPhone.
Thậm chí, gã khổng lồ công nghệ Mỹ còn phải phân bổ lại các thành phần linh kiện sử dụng trên iPad hoặc iPhone 12 để phục vụ cho hoạt động sản xuất những thiết bị đời mới như iPhone 13. Dù vậy, sản lượng đạt được vẫn thiếu hụt khoảng 20% so với kỳ vọng của Apple.
Xiaomi cũng đã buộc phải tăng giá một số mẫu TV với lý do giá của các linh kiện chính đắt hơn. Một số hãng khác như Samsung và Sony cũng tăng giá hàng loạt sản phẩm của họ với lý do tương tự.
Trong lĩnh vực xe hơi, các nhà sản xuất ô tô dự kiến mất 61 tỷ USD doanh thu do thiếu chip và rất khó để định lượng những tác hại của nó trong tương lai. Tính đến tháng 4/2021, hãng xe Ford phải tạm ngừng hoạt động tại 2 nhà máy ô tô, thông báo lợi nhuận có thể sụt giảm lên tới 2,5 tỷ USD trong năm. Hãng Nissan cũng ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Mexico và Mỹ.
Khi nào "cơn khát" chip kết thúc
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, CEO Intel Pat Gelsinger cho biết rằng ông hy vọng tình hình khan hiếm chip sẽ chỉ kéo dài đến năm 2023.
"Dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhu cầu của thị trường tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chuỗi cung ứng lại bị gián đoạn, điều đó đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa cung và cầu, gây nên sự thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay", ông cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, CEO Nvidia Jensen Huang nói rằng sẽ không có bất cứ "điều diệu kỳ nào" có thể ngay lập tức xử lý được tình trạng khủng hoảng hiện tại của chuỗi cung ứng.
Ông cũng lưu ý rằng Nvidia đã thực hiện giải pháp đa dạng hóa nguồn cung, do đó tình trạng thiếu hụt không ảnh hưởng quá nhiều đến việc phát triển các sản phẩm mới của công ty. Tuy vậy, trên thực tế, Nvidia đã phải vật lộn với việc đáp ứng nhu cầu của người dùng ngay cả thời điểm trước đại dịch, do nhu cầu quá lớn từ những "thợ đào" tiền kỹ thuật số.
Trao đổi với Engadget, Glenn O'Donnell - chuyên gia từ Forrester Analytics nhận định rằng tình trạng thiếu chip trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt năm 2022 và kéo dài đến năm 2023. Vị chuyên gia này thậm chí còn cho rằng sẽ không có bất cứ thay đổi tích cực nào có thể diễn ra trong khoảng thời gian này.
Hiện tại, nhiều ông lớn như Intel, TSMC và Samsung đã liên tục triển khai các kế hoạch xây dựng nhà máy để gia tăng nguồn cung. Tuy nhiên, Glenn tin rằng phải mất ít nhất 2 năm các nhà máy của họ mới có thể hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo Dân trí