ĐBQH lo ngại sẽ hình thành thêm nhiều Vũ “nhôm” khác trong cổ phần hóa DNNN

VietTimes -- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, trong cổ phần hóa DNNN có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại, cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp. Ông lo ngại điều này có thể tạo ra thêm những Vũ "nhôm" khác.
Đại biểu tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng - (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng - (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay (27/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường.

Nói về thực trạng cổ phần hóa, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra lo ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. Trong khi 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương vẫn giẫm châm tại chỗ.

Ông dẫn chứng: Đi khảo sát tơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn tơ sợi sản xuất ra đều lỗ. Mà mỗi năm hết 550 tỷ tiền khấu hao. "Có cần thiết giữ lại hay không?" - vị ĐBQH đặt một câu hỏi tu từ. "Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa."

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị "với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được thì nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước".

Đặc biệt trong quá trình cổ phần hóa có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại, cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp. Ông Những cảnh báo rằng thực tế này có thể tạo ra nhiều Vũ "nhôm” khác.

Chính vì vậy, theo đại biểu Nhưỡng, cần có những báo cáo và xem xét cụ thể. Đồng thời, hoàn thiện về thể chế, bịt các lỗ hổng, tăng cường quá trình kiểm toán, thanh tra, điều tra.

Ngoài ra, trong phát biểu của mình, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu một số vết xám trong bức tranh nền kinh tế Việt Nam.

"Đơn cử, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng, nhiều rào cản, thủ tục. Dẫn ra trường hợp một doanh nghiệp ở Thanh Hóa, đã báo cáo Thủ tướng 2 lần, nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh.

Hay một doanh nghiệp ở KCN Việt Hưng, 3 bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi trường, công nghệ tốt, nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho họ làm, dù họ đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng".

Thực hiện báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ phê duyệt để khắc phục tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Lộ trình trong năm 2018 và 2019 xử lý tương đối toàn diện để kết thúc vào 2020.

Về nguyên tắc xử lý những dự án này: Thứ nhất, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục tất cả các dự án nhưng phải trong khung khổ của luật pháp; Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc của thị trường, không có câu chuyện cung cấp, trợ cấp thêm vốn từ ngân sách; Thứ ba là sự tự chủ tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp; Thứ tư là phù hợp nội dung cam kết hội nhập quốc tế.

Theo 5 tiêu chí mà Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng để xem xét, nếu dự án nào đảm bảo được bền vững trong phát triển và khắc phục tồn tại thì có thể đưa ra khỏi danh sách thua lỗ.  Và theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện đã có hai dự án đạt yêu cầu đó.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, “Chúng tôi sẽ báo báo cáo Chính phủ sớm có giải pháp. Đưa ra khỏi danh sách thua lỗ không phải lấy thành tích mà chính là tạo điều kiện cho các dự án này thật sự trở lại hòa nhập đời sống của cộng đồng kinh tế, khắc phục bền vững hơn”.

Lưu ý rằng, để ra khỏi danh sách yếu kém, các dự án phải đảm bảo 5 yếu tố: Không còn nợ quá hạn, nợ tổ chức cung cấp tín dụng. Phải có phương án thương mại, tài chính đảm bảo hiệu quả được các tổ chức tín dụng chấp nhận trong hoạt động kinh doanh. Không nợ các khoản nghĩa vụ về thu ngân sách cũng như khoản nợ với NSNN.../.