Bắt đầu từ sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Phiên họp đươc thảo luận trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.
Là một trong những Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cảm thấy phấn khởi khi nền kinh tế xã hội đã đạt được nhiều thành tích nổi bật - mà ông coi là "tiến bộ vượt bậc" - trong thời gian vừa qua.
Tuy vậy, theo ông Cầu, cử tri còn nhiều tâm tư, băn khoăn, lo lắng khi vấn nạn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công còn lớn.
Vị ĐBQH hiện đang đảm nhận chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh vào tình trạng thất thoát lãng phí ở các dự án do Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) quản lý. Và so sánh nó với 12 dự án yếu kém, thất thoát, lãng phí của ngành Công thương mà đầu nhiệm kỳ này, các ĐBQH đã từng lên tiếng gay gắt.
Ông Cầu nêu ra một số dự án giao thông điển hình cho tình trạng trên để dẫn chứng.
Cụ thể: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng; Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành.
Còn dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) cũng đội vốn hơn 47.320 tỷ, tăng 273%, và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc.
Dẫn số liệu từ kết quả kiểm toán, Bộ GTVT có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn, ông Cầu lo rằng, cứ điều chỉnh vốn, chậm đưa vào sử dụng thì thất thoát, lãng phí sẽ là nhiều vô kể.
“Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh”, đại biểu Cầu nói.
Bên cạnh lo ngại về các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông, vị ĐBQH đoàn Nghệ An cũng bày tỏ sự thất vọng với một số vấn đề của ngành giáo dục.
Ông Cầu chia sẻ: Cử tri tỏ ra tỏ ra thất vọng, với đổi mới thi cử, đặc biệt đó là khâu đột phá trong cải cách giáo dục. Với kỳ thi 2 trong 1 khó thành công, và còn quá nhiều lỗ hổng. Năm 2017 đề thi quá dễ tạo ra cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần 2016. Có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 thì lại quá khó, trong khi phát hiện ra chuyện tiêu cực động trời. Đây là những điểm đen không nên có trong lĩnh vực nêu trên.
"Tôi chuyển băn khoăn của cử tri đến Chính phủ, Quốc hội và đề nghị chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới", ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu kết thúc bài phát biểu.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là hai lãnh đạo có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều nhất trong lần đánh giá lần này. (Ảnh: Zing News)
|
Đáng chú ý khi hai lĩnh vực mà ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn cũng ứng với hai Bộ ngành mà người đứng đầu hai Bộ này là hai chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất, khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, chiều qua (25/10), theo công bố của Ban kiểm phiếu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhận được 137 phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” (chiếm 28,25% tổng số ĐBQH); Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nhận tới 107 phiếu “tín nhiệm thấp” (chiếm 22,06% tổng số ĐBQH).
Tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” nêu trên chưa đưa ông Nhạ và ông Thể phải đến các tình huống “có thể xin từ chức” hay “Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm”, theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 nhưng cũng phát đi những lưu ý.
Như Bộ trưởng Nhạ đã chia sẻ bên hành lang Quốc hội: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”./.