Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh

Hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm... Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều giữa các bệnh viện, việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh theo Thông tư 54/2017/TT-BYT, do Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 24/7.

Theo Thông tư 54/2017/TT-BYT, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh được xác định theo các nhóm tiêu chí: hạ tầng; phần mềm quản lý điều hành; hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS); hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS); phi chức năng; bảo mật và an toàn thông tin; bệnh án điện tử (EMR).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết về việc triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc, Bộ Y tế đã giao Cục Công nghệ thông tin tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về bệnh án điện tử, thu hút các đơn vị, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia, góp ý, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, trong việc triển khai bệnh án điện tử, tại một vài cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm; có lãnh đạo bệnh viện còn chưa quyết liệt, bị động; việc xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chưa rõ ràng.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường cho rằng việc triển khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế.

Theo Thông tư 46/2018/TT–BYT, từ ngày 1/3/2019, Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử.

Việc triển khai hồ sơ điện tử giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Với cơ sở dữ liệu này, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-tai-cac-co-so-kham-chua-benh/584165.vnp