Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM.
Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) lên tới 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 266.785 tỷ đồng, vốn tín dụng 434.950 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng và người dân đóng góp 107.447 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả thực hiện Giám sát: “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã cho thấy, với số tiền đầu tư lên tới 266.785 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp 98.664 tỷ đồng, tính đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí NTM; 1.223 xã chiếm, 13,7% đạt từ 15-18/19 tiêu chí NTM; 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM.
“Những xã đã đạt tiêu chí NTM đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người năm 2011, đến nay đã tăng lên đạt 28,4 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% năm 2011 xuống chỉ còn 3,6% vào năm 2015”, ông Giàu cho biết thêm.
Vẫn theo ông Giàu, sau 5 năm thực hiện, có 36,43% số xã đạt tiêu chí về giao thông; 82,38% số xã đạt tiêu chí về điện; 57,95% số xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; gần 91% số xã đạt tiêu chí về bưu điện; 56,48% số xã đạt tiêu chí về thu nhập; 53,36% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo; 42,38% số xã đạt tiêu chí về môi trường... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống còn khoảng 8,2% đến năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015.
Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả thực hiện Giám sát Chương trình NTM vừa được Ủy ban Quốc hội thảo luận sáng 25/5/2016 thì ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM.
“Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất”, ông Giàu cho biết thêm.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, từ trước đến nay, chưa có chủ trương, chính sách nào lại được triển khai rộng khắp, đi vào lòng dân như chương trình NTM, vì thế cần phải tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành mục tiêu vào năm 2020 có ít nhất 50% số xã hoàn thành chương trình NTM. “Đặc biệt là phải tránh tư tưởng, xã nào hoàn thành NTM rồi thì dừng lại, không làm gì nữa. Vì vậy, cần phải nâng cấp chương trình NTM theo hướng xã nào hoàn thành rồi thì xây dựng nông thôn kiểu mẫu sau đó là nông thôn điển hình”, ông Huệ nhấn mạnh.
Ông Huệ cho rằng, quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng, nhưng chưa đủ, mà còn phải gắn với cả quá trình đô thị hoá mới phù hợp với thực tiễn. “Các vùng ven đô khắp cả nước đang chuyển thành đô thị rất mạnh, có nơi như huyện Từ Liêm (Hà Nội) chỉ sau một đêm đã trở thành đô thị mà vẫn xây dựng NTM như các địa phương thuần nông khác chắc chắn không phù hợp, nếu vẫn cố làm sẽ dẫn tới lãng phí về nguồn lực”, ông Huệ dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Nguyễn Đức Hải nhận định, nếu không có Chương trình NTM thì bộ mặt nông thôn Việt Nam không thể “khang trang, sạch đẹp” như bây giờ. Tuy nhiên, ông Hải vẫn băn khoăn về ba trong những tiêu chí quan trọng nhất là đời sống, thu nhập, việc làm của cư dân nông thôn nơi được công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
“Nông thôn có điện, đường, trường, trạm đầy đủ nhưng người dân thiếu việc làm, thanh niên phải đổ vào đô thị để mưu sinh thì chưa thể gọi là hoàn thành Chương trình NTM”, ông Hải phát biểu.
Ông Hải cho biết, Hàn Quốc, Đài Loan, Thailand, Trung Quốc... cũng đều thực hiện chương trình phát triển nông thôn, tương tự như Chương trình NTM ở Việt Nam, với các cách thức khác nhau, nhưng tất cả đều coi tiêu chí nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, việc làm là quan trọng nhất. Nếu không đạt được những tiêu chí này thì dứt khoát không công nhận hoàn thành chương trình phát triển nông thôn.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Trung Quốc xây dựng NTM từ rất lâu và mục tiêu của họ đặt ra cũng hết sức đơn giản như sản xuất phát triển, thôn xóm dân chủ... Trong khi Việt Nam có đến 19 tiêu chí, với nguồn lực có hạn nên việc thực hiện cả 19 mục tiêu không hề dễ dàng, đặc biệt là có những tiêu chí không nhất thiết phải thực hiện.
“Cách đây 5-7 năm khi mà công nghệ thông tin chưa phát triển, số người sử dụng điện thoại, đặc biệt là điện thoại di động còn ít thì mục tiêu xã NTM mới có điểm bưu điện văn hóa là phù hợp. Nhưng ngày nay, Internet, mạng 3G đã về vùng sâu, vùng xa thì có nhất thiết xã nào cũng phải đầu tư điểm bưu điện văn hóa không?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Tương tự như vậy, tiêu chí xã NTM phải có chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, theo ông Phúc cũng cần phải xem xét lại. “Nơi họp chợ là nhu cầu tự thân của người dân, người dân tự hình thành khi có nhu cầu. Nếu chính quyền vì mục tiêu xã NTM tổ chức quy hoạch lại chợ “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” nhưng người dân không tham gia mua bán ở nơi quy hoạch thì rất lãng phí”, ông Phúc dẫn chứng.
Theo Đầu tư
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu