Những nhà nghiên cứu Đức khi được hỏi về nguyên nhân giúp nền khoa học ở nước họ đang nở rộ đều sẽ nhắc đến Thủ tướng Angela Merkel. Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này chưa bao giờ quên bản thân là một nhà vật lý học Đông Đức.
Trong một thập kỷ của những bất ổn tài chính toàn cầu, chính phủ của bà Merkel vẫn đều đặn tăng ngân sách chi cho khoa học hằng năm một cách rất Đức - ổn định, nhất quán và đầy chất lượng. Điều này khuyến khích sự cạnh tranh giữa các trường đại học và tăng cường hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu được tài trợ bởi Chính phủ. Dưới thời bà Merkel, Đức luôn giữ vị thế dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; và nhờ đảm bảo hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu cơ bản, các lĩnh vực khác cũng đang dần đón nhận những tác động tích cực. Các nhà khoa học quốc tế đang ngày càng lựa chọn đến Đức làm việc, thay vì chỉ hướng đến Mỹ và Anh như trước đây.
Tuy nhiên, lý do đằng sau thành công của nền khoa học Đức không chỉ là vấn đề ngân sách hay một thứ “hiệu ứng Merkel”, mà còn là nền tảng lâu bền của một quốc gia giàu truyền thống khoa học, theo lời Wolfgang Schön, giám đốc Viện Luật Thuế và Tài chính công Max Planck tại Munich kiêm phó chủ tịch DFG, cơ quan tài trợ chính cho các nghiên cứu khoa học tại đại học.
Từ trước thế kỷ 20 đầy biến động, Đức đã dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ với những chuẩn mực mà nhiều quốc gia hiện vẫn noi theo. Ngày nay, dù phải đối mặt với những tàn tích của hệ thống thứ bậc mà nam giới thống trị và các quy định lâu đời cứng nhắc, nền nghiên cứu của Đức đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt trong xu thế các chính phủ trên thế giới ngày càng thờ ơ với khoa học. “Tôi mong sao những nhà hoạch định chính sách khoa học và ngân sách của chúng ta có thể học hỏi Đức ngay lập tức,” Kenneth Prewitt, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Columbia, New York, bày tỏ.
Cấu trúc của khoa học Đức hiện đại dựa trên ý tưởng được phát triển cách đây hai thế kỷ bởi Wilhelm von Humboldt, nhà giáo dục Phổ, người đi tiên phong trong những ý tưởng vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới. Ví dụ như ông chính là người gợi ý các giáo sư đại học nên vừa làm nghiên cứu trực tiếp vừa giảng dạy.
Triết lý của ông là giáo dục nên vừa rộng mở vừa chuyên sâu, và đời sống học thuật cần được tự do khỏi chính trị và tôn giáo, điều ngày nay vẫn khắc sâu trong tâm tưởng người Đức. “Hệ thống Humboldt đã gắn vào DNA của chúng tôi,” Thorsten Wilhelmy, Tổng thư ký của Viện nghiên cứu cao cấp Berlin, nói. “Đấy là lý do vì sao các chính trị gia không quá bị cám dỗ bởi việc cắt bỏ nghiên cứu cơ bản khi rơi vào thời điểm [ngân sách] khó khăn.”
Những lý tưởng này đã vượt qua những biến động chính trị lớn. Đức Quốc Xã của Adolf Hitler đã lầm lạc về khoa học và khiến đất nước bị hủy hoại. Năm 1949, Đức bị chia cắt làm đôi, từng bên xây dựng lại sức mạnh khoa học của mình dưới những hệ thống chính trị đối lập.
Hiến pháp của nền dân chủ Tây Đức – vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, tuyên bố rằng: “Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy phải được tự do”. Để đảm bảo việc tập trung và lạm dụng quyền lực không xảy ra lần nữa, người Tây Đức đã tổ chức đất nước theo chế độ liên bang cao độ, trong đó trách nhiệm về văn hóa, khoa học và giáo dục nằm ở Länder – hay các tiểu bang, điều này có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực tới sự phát triển đại học.
Ngược lại, Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) tổ chức nền khoa học một cách tập trung hóa và giữ sự kiểm soát chặt chẽ. Các nhà khoa học bị cô lập khỏi các đồng nghiệp phương Tây và hệ thống của họ dần trở nên nghèo nàn khi nền kinh tế DDR lụn bại.
Merkel lớn lên trong hệ thống này, bà tốt nghiệp Đại học Karl Marx ở Leipzig năm 1978 với tấm bằng vật lý sau đó chuyển đến làm việc tại Viện Vật lý Hóa học Trung ương ở Berlin – một trong những trung tâm nghiên cứu có uy tín nhất tại DDR. Ở đó, bà đã gặp người chồng thứ hai của mình, nhà hóa học lượng tử Joachim Sauer, và lấy bằng tiến sĩ danh dự. Bà đam mê vật lý nhưng không có cùng niềm đam mê đó với môn giáo dục chính trị bắt buộc. Ở DDR, không ai có được bằng tiến sĩ nếu không có chứng nhận về nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Luận văn của Merkel cho môn này có tựa đề “Phong cách sống chủ nghĩa xã hội là gì?” được chấp nhận với điểm đậu thấp nhất.
Khi hai nước Đức thống nhất vào năm 1980, các ủy ban đặc biệt của Tây Đức đã đánh giá năng lực của các nhà khoa học Đông Đức. Nhiều người mất việc nhưng Sauer được chấp nhận chuyển sang Đại học Humboldt ở Berlin. Merkel, người chưa chính thức công khai lập trường chính trị trước đây, đã bước vào chính trường và sớm gia nhập Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu. Bà đã leo lên đỉnh cao quyền lực và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào năm 2005. Bà đã chiến thắng ở các cuộc bầu cử liên bang và đến nay vẫn tiếp tục giữ vững vị trí của mình.
Hỗ trợ ổn định
Nền khoa học dựa vào tài trợ công của Đức được tổ chức thành năm trụ cột: Các trường đại học và bốn cơ quan nghiên cứu đặc biệt, mỗi cơ quan được đặt tên theo một nhà khoa học vĩ đại trong lịch sử Đức.
Hiệp hội Max Planck, được thành lập vào năm 1948, hiện đang điều hành 81 viện nghiên cứu cơ bản, các giám đốc viện được cấp các khoản ngân sách rất lớn và tự chủ hoạt động theo ý mình. Một giám đốc trong lĩnh vực khoa học sự sống thường được nhận một gói cơ bản khoảng 2 triệu euro (2,4 triệu USD) mỗi năm để chạy chương trình nghiên cứu của viện mình, trong đó không bao gồm việc mua sắm các thiết bị chính.
Hiệp hội Fraunhofer được thành lập sau đó một năm để thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng. Nó được đặt tên theo nhà vật lý Joseph von Fraunhofer (1787-1826), người tiên phong trong quang học chính xác.
Các trung tâm nghiên cứu quốc gia, nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu chiến lược quy mô lớn theo ưu tiên của chính phủ, nay nằm trong Hiệp hội Helmholtz – đặt tên theo nhà triết học và vật lý tiên phong Hermann von Helmholtz (1821-94). Nhóm các viện và cơ sở khoa học khác được tập trung lại thành một hiệp hội được đặt tên theo nhà bác học Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716).
Trong điều khoản từ năm 1949, Chính phủ liên bang chia sẻ chi phí của các tổ chức nghiên cứu với các tiểu bang. Nhưng về cơ bản tiểu bang phải tự tài trợ cho các trường đại học thuộc phạm vi của mình. Đức có khoảng 110 đại học và 230 Fachhochschulen (các trường đại học khoa học ứng dụng không cấp bằng tiến sĩ nhưng đào tạo lực lượng lao động cho ngành công nghiệp).
“Sự rõ ràng và minh bạch của cấu trúc này phù hợp với tâm lý ưa thích trật tự của người Đức,” Ferdi Schüth, giám đốc Viện Nghiên cứu Than ở Max Planck, chia sẻ. “Nó làm cho hệ thống này dễ hiểu hơn trong mắt người ngoài giới khoa học, bao gồm các chính trị gia.”
Tây Đức nhanh chóng tích cực hỗ trợ nghiên cứu trong giai đoạn Wirtschaftswunder hay Phép màu kinh tế hậu chiến. Tới thời Hậu Chiến tranh Lạnh, dù việc thống nhất nước Đức rất tốn kém, các chính trị gia trong nhiều năm vẫn duy trì sự hỗ trợ vững chắc và mạnh mẽ cho khoa học. Cho đến 2015, mỗi năm Chính phủ tăng 5% ngân sách hỗ trợ cho DFG và tất cả các tổ chức nghiên cứu. Các khoản tăng thường niên này đã giảm theo Công ước về Nghiên cứu và Sáng tạo hiện hành giữa Chính phủ liên bang và các tiểu bang, có hiệu lực đến năm 2020 nhưng vẫn duy trì ở mức đáng thèm muốn là 3%.
“Việc đảm bảo các khoản tài trợ trong tương lai cho phép chúng tôi thực sự lên kế hoạch chiến lược nghiên cứu của mình trong dài hạn. Đây là lợi thế lớn mà ít nước có được,” nhà hóa học Martin Stratmann, chủ tịch Hiệp hội Max Planck, nói.
Dòng tài trợ
Chính niềm tin vào nguồn tài trợ dài hạn đã giữ chân nhà miễn dịch học Dolores Schendel ở lại thay vì quay về Mỹ sau khi hoàn thành hai năm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Ludwig Maximilian (LMU) ở Munich vào cuối những năm 1970. Cô chỉ định tới đây để giúp thành lập phòng thí nghiệm chuột cho chương trình cấy ghép xương-tủy. Nhưng cơ sở hạ tầng ở đó rất hấp dẫn, và những nghiên cứu của cô ngày càng chuyên sâu hơn. Sau đó, cô đã chuyển đến Trung tâm Helmholtz Munich để mở rộng công việc của mình. Khi công ty khởi nghiệp của cô được mua lại, Schendel trở thành giám đốc điều hành kiêm giám đốc khoa học của Medigene - một công ty về liệu pháp miễn dịch ở Munich. Cô đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho một số vaccine ung thư tiềm năng. “Tôi không chắc có thể thực hiện điều này ở Mỹ, nơi các nguồn tài trợ ngày càng eo hẹp,” cô nói.
Nhưng Schendel là một trường hợp thành công hiếm hoi. Mặc dù là quốc gia đi đầu về kỹ thuật của thế giới, Đức không có nhiều câu chuyện thành công trong việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực mới nổi, ví dụ công nghệ sinh học. Các quyết định và thay đổi diễn ra chậm chạp do vấn nạn quan liêu ở các chính quyền liên bang và tiểu bang. Hơn nữa, việc lạm dụng khoa học dưới thời Đức Quốc Xã, bao gồm thuyết ưu sinh và thử nghiệm con người, khiến cho người Đức ngờ vực di truyền học dưới bất kỳ hình thái nào và giữ quan điểm e dè về đạo đức. Tất cả những điều này làm chậm phát triển một số lĩnh vực.
Đại học Ludwig Maximilian München – trường chiến thắng các vòng Sáng kiến nhiều nhất. Nguồn: masterstudies.vn.
Sự gián đoán của quá trình thống nhất trong năm 1990 đã buộc quốc gia này khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống như sự thiếu hợp tác giữa các tổ chức. Các chính trị gia bắt đầu tháo gỡ dần những trở ngại trong việc hợp tác.
Năm 1999, Chính phủ liên bang trước thời Merkel, tức liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh, đã sửa đổi luật quy định các cơ quan quản lý cấp tiểu bang quyết định tất cả các quyết sách về trường đại học, từ phân bổ ngân sách đến bổ nhiệm. Lần lượt các tiểu bang bắt đầu để các trường đại học tự quyết công việc của họ.
Cũng Chính phủ đó đã đề xuất một ý tưởng chấn động đối với các trường đại học – vốn theo truyền thống được đối xử theo lối quân bình. Một trong những chính sách cuối nhiệm kỳ vào năm 2005 là việc đưa ra “Sáng kiến xuất sắc - Excellence Initiative”. Từ đó đến nay, nó đã khuyến khích các trường đại học cạnh tranh các khoản ngân sách liên bang nhằm thúc đẩy các nghiên cứu đỉnh cao, các trường đào tạo sau đại học và quan trọng nhất là hình thành các “Cụm liên kết (cluster) xuất sắc” – một hình thức hợp tác quan trọng với các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu khác. Trường đại học nào chiến thắng ở tất cả các hạng mục sẽ giành được danh hiệu “Tinh hoa” và có thêm tiền tài trợ.
Khi bà Merkel trở thành Thủ tướng vào cuối năm đó, bà đã bổ nhiệm bạn đồng nghiệp cùng chí hướng là Annette Schavan làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, người dẫn dắt Sáng kiến Xuất sắc qua một loạt các vòng thi đua mang lại sự thay đổi cơ bản ở các trường đại học Đức. Cho đến nay, Chính phủ liên bang đã đổ 4,6 tỷ euro vào sáng kiến này và có tổng cộng 14 trường đại học đã giành danh hiệu Tinh hoa ở các vòng khác nhau. Những nơi chưa giành được danh hiệu cũng đã cải thiện năng lực của mình bằng việc cố gắng vượt qua thử thách và mở rộng hợp tác trong các cụm liên kết, từ đó mở ra các nguồn tài trợ khác. Các trụ cột từng bị cô lập của nền khoa học Đức giờ đang cộng tác với nhau.
Merkel và Schavan đã ủng hộ luật cho phép Chính phủ liên bang tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu của các trường đại học và cho phép các trường đại học dùng mức lương cao để giữ chân các nhà khoa học hàng đầu. (Giống như công chức, các nhà khoa học Đức vốn có thu nhập ít hơn các đồng nghiệp ở nước khác hay các chuyên gia làm trong các ngành công nghiệp.)
Kết quả của hàng loạt những thay đổi này là các trường đại học ở Đức nâng cao thứ hạng trên thế giới. Năm 2005 chỉ có chín trường đại học của Đức xuất hiện trên bảng xếp hạng Time Higher Education Top 200 nhưng nay con số này là 22. Trường LMU, đứng đầu xếp hạng các trường ở Đức trong nhiều năm và chiến thắng tất cả các vòng thi đua Sáng kiến Xuất sắc, đã thăng hạng từ vị trí thứ 61 vào năm 2011 lên hạng 30 vào năm 2017.
Nhà vật lý học Axel Freimuth, hiệu trưởng trường Đại học Cologne từ năm 2005, cho biết trường của ông đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Ông là nhân chứng cho thay đổi đột phá nhờ Sáng kiến Xuất sắc, và cả những chuyển đổi trong công tác giảng dạy ở trường. Khoảng thời gian ông trở thành hiệu trưởng, các trường ở Đức bắt đầu chuyển từ hệ thống văn bằng đặc thù của mình sang hệ thống văn bằng tiêu chuẩn của châu Âu đối với bằng Cử nhân và Thạc sĩ, cho phép sinh viên tốt nghiệp trong 3 đến 5 năm. Với sự xuất hiện của tự chủ đại học, Freimuth đã áp dụng hệ thống quản trị mới cho trường của mình. “Chúng tôi học được cách hành động chiến lược như một trường đại học, một tinh thần hoàn toàn mới mẻ ở đây,” ông nói.
Lỗi hệ thống
Trong khi đó, các cụm liên kết nghiên cứu đã bùng nổ trên toàn nước Đức. Schavan đã đưa ra nhiều sáng kiến để các nhà khoa học từ các khu vực nghiên cứu khác nhau có thể làm việc cùng nhau và làm việc với ngành công nghiệp. Nổi bật nhất là bà đã xây dựng mạng lưới các viện quốc gia về y tế dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Helmholtz, tạo ra sự bùng nổ cạnh tranh toàn quốc giữa các tổ chức trong lĩnh vực y tế như về thoái hóa thần kinh hay bệnh chuyển hóa.
Berlin đang thử nghiệm tập hợp các bộ phận nghiên cứu liên quan đến y tế tại bệnh viện giảng dạy Charité và Trung tâm Max Delbrück về Y học Phân tử, một trung tâm thuộc Hiệp hội Helmholtz, thành một cấu trúc nghiên cứu tịnh tiến (translational-research) mới, gọi là Viện Y tế Berlin. Bang Baden-Württemberg cũng đã chi hàng trăm triệu euro vào sáng kiến Thung lũng Cyber. Ra mắt vào tháng 12 năm ngoái, đây là cụm liên kết tất cả các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn như BMW, Daimler, Porsche, Bosch và Facebook.
“Các cụm liên kết như vậy thực sự có nhiều lợi ích,” nhà thần kinh học Hannah Monyer, người đồng thời làm việc tại Đại học Heidelberg và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, một trung tâm thuộc Hiệp hội Helmholtz ở cùng thành phố. Mặc dù nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải dành nhiều thời gian trao đổi và tổ chức hơn nhưng cô cho rằng “đây là điều tốt nhất chúng ta có thể làm hiện nay.” Một cụm liên kết được thành lập nhân một trong những vòng thi đua của Sáng kiến Xuất sắc đã cứu nguy cho nghiên cứu của cô khi nó đụng phải một lĩnh vực xa lạ về cơ chế sinh học của sự đau đớn, cô nói. Thay vì phải nghiên cứu tất cả mọi thứ từ đầu, cô có thể hợp tác với một phòng thí nghiệm hành vi tại địa phương, nơi cung cấp tư vấn, thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật.
Những dự án hợp tác quy mô lớn hơn thì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhà sinh vật học mạch máu Holger Gerhardt đã rời bỏ vị trí ổn định tại Viện Crick ở London để gia nhập sáng kiến Viện Y tế Berlin từ năm 2014. “Tôi biết đây là một thử nghiệm rất lớn, nhưng tôi cảm thấy mình thực sự có thể tạo dựng điều gì đó mới mẻ ở đây,” ông nói.
Những cải thiện mà các nhà khoa học đang được hưởng đôi khi bị thách thức bởi văn hóa Đức đòi hỏi trật tự hành chính và đạo đức. Gerhardt nói rằng ông thường phải nhắc các đối tác trong cụm liên kết không nên thành lập mới các bộ phận nghiên cứu không cần thiết. Nghiên cứu về linh trưởng, dù được cho phép nhưng rất khó thực hiện. Và việc sử dụng tế bào gốc phôi người vẫn bị cấm, ngoại trừ các dòng cũ. Merkel vẫn bảo toàn quan điểm của mình về vấn đề này.
Những vi phạm đạo đức của người Đức bị xử lý rất nhanh và nghiêm khắc. Merkel đã phạm một sai lầm hiếm hoi vào năm 2011 khi bà bảo vệ Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg, sau khi ông bị cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ. Merkel đã lập tức lên tiếng cho rằng các cáo buộc này không liên quan đến công việc hiện tại của ông – ông không đương nhiệm như một trợ lý khoa học. Dù vậy, sau đó hai tuần, ông này đã buộc phải từ chức. Nhiều chính trị gia nổi tiếng ở Đức có bằng tiến sĩ và vụ việc này đã dẫn đến một chiến dịch kiểm tra bằng cấp của từng người. Bản thân Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Schavan cũng phải đối mặt với lời cáo buộc về luận án năm 1980 của bà. Dù cho nhiều nhà khoa học không cho đây là đạo văn, Schavan vẫn phải từ chức vào năm 2013.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, các số liệu cho thấy một câu chuyện tích cực về nền khoa học Đức. Tỷ lệ các nhà khoa học ngoại quốc ở các trường đại học Đức tăng từ 9,3% năm 2005 lên 12,9% vào năm 2015. Đức hiện xếp trên cả Mỹ về tỷ lệ phần trăm các công bố trong số 10% được trích dẫn nhiều nhất.
Nhưng khoa học Đức vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng của trường đại học. So với sự khang trang hiện đại của các viện nghiên cứu nằm ngoài hệ thống đại học thì hạ tầng tại các trường đại học trông khá xoàng xĩnh. Các tiểu bang phải chịu chi phí do số sinh viên – là những người được học miễn phí – gia tăng và không thể đáp ứng kịp những chi phí sửa chữa xây dựng. Những mảng bê tông đổ nát trong các phòng thí nghiệm và giảng đường được mở rộng ồ ạt từ những năm 1960, 1970 thật đáng xấu hổ. Wilhelm Krull, tổng thư ký của Quỹ Volkswagen tại Hanover, quỹ tài trợ nghiên cứu tư nhân lớn nhất tại Đức, nói: “Có một sự tương phản giữa Glanz und Elend - huy hoàng và thê thảm.”
Rất ít nhà khoa Đức cho rằng đất nước đang quay lại đỉnh cao khoa học của thế giới. Tiếng Đức có thể là một rào cản – mặc dù tiếng Anh hiện nay được sử dụng như ngôn ngữ chung tại các phòng thí nghiệm của nước này. Các quy định và thủ tục làm nản lòng nhiều người. Và nói như Krull thì “Đức vẫn còn e sợ rủi ro. Những cải cách cấp tiến, đột phá ít phổ biến tại đây.”
Và hơn nữa, nước này cần cải thiện sự tham gia của phụ nữ trong nghiên cứu. Tại các tổ chức nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí khoa học hàng đầu đã tăng từ 4,8% vào năm 2005 lên mức khá hơn là 13,7% vào năm 2016. Tại trường đại học, tỷ lệ phụ nữ nắm các vị trí học thuật cao nhất đã tăng từ 10% của năm 2005 lên 17,9% vào năm 2014. Con số này thấp hơn mức trung bình của Liên minh Châu Âu. Trong các ngành công nghiệp, bức tranh càng ít sáng sủa hơn; Schendel là một trong ba vị lãnh đạo nữ duy nhất trong tổng số 160 vị lãnh đạo của 30 công ty công nghệ hàng đầu ở quốc gia này.
Nhưng các nhà khoa học nhìn chung tin tưởng xu thế tiến bộ sẽ tiếp tục một cách vững chắc. Merkel cam kết tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới, tăng ngân sách thường niên lên mức 4%. Mỗi ngày khi không phải đi công du, Thủ tướng trở về ngôi nhà của bà gần Đại học Humboldt để dành thời gian còn lại của buổi tối bên người chồng - hóa học gia của bà. Schön nói rằng đây đơn giản là việc trở về với gốc gác của bà. Ông nói: “Bà ấy biết điều gì làm nên một nhà khoa học và giá trị của nghiên cứu. Và quan điểm ấy được lan tỏa từ trên xuống.”
Theo Tia sáng (nguồn https://www.nature.com/news/the-secret-to-germany-s-scientific-excellence-1.22563)