Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Thúy
|
Năm học 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
9 nhóm nhiệm vụ gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo vv....
5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.
Thực hiện nhiều đề án sắp xếp, tinh giảm
Trong năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch; khảo sát, đánh giá thực trạng về dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường mầm non và phổ thông có quy mô nhỏ, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại một số địa phương; tổ chức hội nghị sắp xếp, dồn dịch các điểm trường ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Các địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn; sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Một số địa phương đã huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực tài chính đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vv...
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Minh Thúy
|
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm, nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu và tăng cường năng lực giáo viên của các địa phương và Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, để giảm đầu mối quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hiện Bộ đang hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập để hình thành được hệ thống cơ sở GDĐH công lập với số lượng, cơ cấu hợp lý, qua đó tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dẫn đến triển khai còn lúng túng, không đồng nhất; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và thiếu trường, lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; chưa bám sát các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự phát triển của một số cơ sở đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động.
Sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh mà chưa có giải pháp khắc phục; chưa thuận lợi cho người dân và bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.
Sau sáp nhập, các trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý; chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư.
Cơ cấu mạng lưới trường, lớp học, học sinh, sinh viên và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục năm học 2018-2019
|
Tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UNND TP. Hà Nội cho biết, năm học 2018-2019, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều trường học mới; tích cực xây dựng mạng lưới trường học đạt chuẩn quốc gia. Thành tích của học sinh thủ đô đã được nâng cao, khẳng định là một trong những địa phương có học sinh đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Cùng với đó, thành phố đã triển khai tốt đề án sữa học đường (đạt tỷ lệ 87,7% số học sinh tham gia); đưa luật an toàn giao thông vào trong trường học.
Tuy nhiên, tình trạng thu dạy học thêm, thiếu lớp, thiếu trường trong một số khu đô thị, đô thị nội đô vẫn còn tồn tại và cần có giải pháp để khắc phục triệt để.