Lý do vì bùng phát mâu thuẫn về tự do thương mại giữa Nhật và Bắc Mỹ, những vấn đề về ngành sữa của New Zealand và giai đoạn độc quyền đối với các loại dược phẩm thế hệ tiếp theo.
Ông John Wilson, chủ tịch của tập đoàn xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới Fonterra của New Zealand cũng có mặt tại buổi dàm phán từ hôm 30-7. Nhưng phía New Zealand khẳng định họ sẽ không ủng hộ một hiệp định không cho phép “mở cửa” các thị trường sữa, chủ yếu là thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Canada và Mexico.
Ngoài vấn đề sữa của New Zealand, một số vấn đề mấu chốt trong cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận quan trọng sau 4 ngày thảo luận dẫn đến đàm phán đổ vỡ. Các bộ trưởng vẫn chưa thỏa thuận được về thời hạn bảo mật những dữ liệu dùng để phát triển các dược phẩm sinh học.
Đây là một trong những bất đồng lớn nhất về quyền sở hữu trí tuệ của vòng đàm phán TPP. Mỹ mong muốn thời hạn bảo mật thông tin dược phẩm là 12 năm nhưng Úc lại yêu cầu chỉ 5 năm. Ngoài ra, các bên tham gia đàm phán cũng đề xuất 7 hoặc 8 năm để dàn hòa giữa 2 bên, nhưng cuối cùng lại không thỏa thuận được. Nguồn tin từ một quốc gia có tham gia đàm phán cho hay: “Gần như Mỹ đơn độc ở một phía vấn đề, còn tất cả các quốc gia khác lại về phía kia. Cả 2 phía đều xem đây là vấn đề then chốt nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận chung".
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa Nhật và Bắc Mỹ về vấn đề tự do thương mại cũng là trở ngại lớn với đàm phán TPP. Mỹ và Nhật đã đồng ý phần lớn điều khoản về xuất xứ của mặt hàng ô tô, trong đó hai bên đồng ý quyết định nếu ô tô có xuất xứ từ khu vực tự do thương mại thì sẽ không phải chịu thuế. Tuy nhiên, Nhật và Mỹ lại không có được sự đồng thuận từ Canada và Mexico, hai quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ trong ngành công nghiệp ô tô.
Bộ trưởng kinh tế Nhật Akira Amari và Đại diện thương mại Mỹ Michael Fromam tại bàn đàm phán. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng thương mại Mexico Ildefonso Guajardo nói rằng Mexico là nước xuất khẩu ô tô đứng thứ tư thế giới nên ông không phải đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào về việc đứng ra phát biểu cho đất nước mình. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng nhập khẩu nhiều linh kiện từ Thái Lan, mà Thái Lan lại không phải thành viên tham gia TPP nên các quy định quá khắt khe về ngành ô tô cũng sẽ khiến các nước tham gia dây chuyền sản xuất không hài lòng.
Không những vậy, Úc cũng đã tuyên bố sẽ không ký vào thỏa thuận TPP lần này. Phát ngôn viên của Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb xác nhận với hãng thông tấn AAP: “Úc đã đạt được nhiều bước tiến tuyệt vời nhưng không may là một số vấn đề khó khăn vẫn không được giải quyết”.
Thất bại của vòng đàm phán TPP mới nhất này bị xem là bước lùi đối với Tổng thống Barack Obama bởi đây được xem là cơ hội để Mỹ gia tăng ảnh hưởng kinh tế lên châu Á và tạo thế cân bằng với Trung Quốc về tầm ảnh hưởng tại khu vực này.
Đàm phán TPP 4 ngày qua đã thu hút đến 650 nhà đàm phán, 150 nhà báo và hàng trăm cổ đông bởi đây được xem là cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận đúng thời hạn để trình Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Theo Reuters, AAP/NLĐ