Đại tướng Tô Lâm chỉ ra 2 khó khăn khi chia sẻ dữ liệu QG về dân cư với các bộ, ngành, địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, đã chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và UBND của 15 địa phương, nhưng việc kết nối còn gặp khó khăn.
Bộ trưởng Tô Lâm cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (vừa diễn ra hôm nay - 4/11).
Bộ trưởng Tô Lâm cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (vừa diễn ra hôm nay - 4/11).

"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia trả lời chất vấn trong phiên sáng nay (4/11). Đại tướng Tô Lâm trao đổi về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Tô Lâm, hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và UBND của 15 địa phương. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin được xác nhận để có thể kết nối với dữ liệu. Nếu không an toàn thì không kết nối được.

Thứ hai, cũng có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cho nên, dù đã kết nối nhưng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết quả khai thác còn rất hạn chế. Các ngành, các địa phương muốn có kết nối phải có trung tâm dữ liệu, phải bảo đảm an toàn thì mới kết nối được.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kết nối này để phục vụ nhân dân.

"Theo kinh nghiệm chúng tôi đã làm cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nếu đã có cơ sở dữ liệu, phải đảm bảo đúng 4 nguyên tắc là đúng, đủ, sạch, sống. Nếu thiếu những yếu tố này trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì không thể hoàn thiện để thực hiện được" - Đại tướng Tô Lâm nêu.

Tài khoản định danh điện tử: Kê khai 1 lần - 4 không

Trước toàn thể ĐBQH, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp rất lớn.

Về tiện ích của tài khoản định danh điện tử, từ ngày 8/7/2002, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là một bước tiến mới đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 01/11/2022, cơ quan chức năng đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam.

Người dân sẽ dễ dàng trao đổi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, không phải điền nhiều thông tin khi làm việc với cơ quan nhà nước, thuận lợi khi làm thủ tục, đặc biệt là chỉ phải kê khai 1 lần và thực hiện 4 Không: Không tiếp xúc, Không giấy tờ, Không tiền mặt, Không gặp gỡ.

Đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia giúp cho người dân đăng ký nhanh chóng, khắc phục tồn tại trong việc không đăng ký được tài khoản do không có SIM điện thoại chính chủ, sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện, các cơ sở y tế.

Cùng với đó, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử tích hợp thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip, đăng ký xe máy, sử dụng thay cho các giấy tờ tương ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Người dân có thể ứng dụng VNeID để kiến nghị phản ánh những vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội thông qua tiện ích để báo tin tố giác tội phạm trên ứng dụng này, chúng tôi thấy rất nhiều những ứng dụng đã được thực hiện việc này trong giao dịch, thuận lợi cho người dân.

Đối với doanh nghiệp thì việc thông qua tài khoản định danh và xác thực điện tử, việc ký hợp đồng điện tử giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình ký kết những hợp đồng kinh tế, tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, gặp gỡ, tránh được rủi ro trong việc giả mạo khi giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức yên tâm thực hiện các thủ tục nhanh hơn nhiều so với giao dịch truyền thống hiện nay.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì dễ dàng hơn trong công tác quản lý, không phải lưu lại nhiều giấy tờ, tiết kiệm được chi phí in ấn, quản lý tài liệu và công khai, minh bạch hơn trong công tác quản lý, tiết kiệm rất nhiều thời gian để giải quyết những việc này.