Đại sứ Nguyễn Trung Thành- Ông hàng xóm của cha tôi

VietTimes -- "Thoát khỏi sức ép tiến thân, và sự câu thúc vì danh vọng, anh Nguyễn Trung Thành đã trở thành đại sứ của cuộc sống", Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, một người bạn lâu năm của Đại sứ Nguyễn Trung Thành, đã nhận xét về ông như vậy.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành
Đại sứ Nguyễn Trung Thành

Năm 1994, khi tôi đang làm ở Nhật báo Kinh tế Nhật Bản (Nikkei), Trưởng Văn phòng đại diện Nikkei tại Hà Nội Makoto Suzuki có yêu cầu được phỏng vấn một quan chức Bộ Ngoại giao về những nỗ lực của Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tôi nghĩ đến Nguyễn Trung Thành, Vụ phó Vụ Châu Á 3 (Bộ Ngoại giao), một người từng sống ở khu tập thể 151 Lê Duẩn cùng với tôi. Tôi gọi điện cho Vụ phó Thành, và được chấp nhận.

Mở đầu cuộc tiếp xúc, Thành nói luôn: “Ông có điều gì quan tâm thì cứ hỏi, chúng ta cùng trao đổi, đây không phải là phỏng vấn, chỉ là free talk thôi.” Cuộc nói chuyện diễn ra khá lâu, Vụ phó Thành nói tiếng Anh rất hay và điệu, về đủ thứ chủ đề.  

Cuối buổi nói chuyện, Suzuki đứng dậy, cám ơn và nói: “Rất cảm ơn ông đã dành thời gian tiếp chúng tôi, cũng may là nhân viên của tôi có quen ông…”. Vụ phó Thành vừa cười, vừa đáp lại: “Đúng, đây là con trai ông hàng xóm cũ của tôi!”

Đại sứ Nguyễn Trung Thành trình thư ủy nhiệm và nói chuyện với Tổng thống Haiti.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành trình thư ủy nhiệm và nói chuyện với Tổng thống Haiti.

Khi lên xe, Suzuki có hỏi: “Tưởng ông ấy là hàng xóm của cậu, hóa ra lại của cha cậu à?”. Tôi hơi ngượng, đành phải hỏi lại: “Bài phỏng vấn tốt chứ? Hy vọng ông sẽ có một bài hay.” Suzuki tự nhiên sầm mặt lại: “Hay gì mà hay, đâu phải phỏng vấn mà chỉ là free talk thôi mà.”

Ghé qua thăm ba tôi, ông Hoàng Túy, tôi có kể chuyện đó với ông. Trầm ngâm một lúc, ông mới nói: “Kể cũng hay thật, từng là đồng môn cùng bố vợ (Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên vào học lớp ngoại giao cùng ba tôi), nay lại trở thành hàng xóm của con rể.”

… xây những ngôi nhà cao, cao mãi…

Nguyễn Trung Thành chuyển đến nhà tập thể 151 Lê Duẩn, khi tôi vào cấp 3. Chúng tôi có một sở thích chung là tập tạ buổi sáng, do Nguyễn Việt Trung (anh của Thành) khởi xướng. Thành bằng tuổi tôi, nhưng học sớm một lớp.

Ngoài tập tạ, hầu như Thành chỉ dành thời gian học hành và chợ búa cơm nước. Thành đi chợ rất khéo, nấu cơm ngon. Cô Bích San, phu nhân của Cựu Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, rất quí Thành, và vẫn nói: “Ai được con rể như Thành thì thật có phúc.” (Quyên con gái duy nhất của ông bà lúc đó mới đi nhà trẻ.)

Thành rất hay hát, và nhà tôi ở ngay cửa khu tập thể nên mẹ tôi cứ nghe thấy tiếng hát véo von vọng lên ngoài cửa là biết ngay Thành đi học về. Đặc biệt, Thành rất thích bài “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, trong đó có câu “Anh càng yêu em càng hăng say xây thêm nhà cao, cao mãi...”

Thành vào Đại học Ngoại giao, vẫn suốt ngày học. Thành rất chịu khó nghe đài BBC tiếng Anh, và chịu khó luyện giọng theo đó. Kết thúc 5 năm học Đại học Ngoại giao, Thành nằm trong nhóm dẫn đầu khóa học, và được đi thực tập ở Sứ quán Việt Nam tại Úc.

Khi về nước, Thành có đi tập gym ở Câu lạc bộ Quân đội. Đại sứ Phạm Sanh Châu có kể rằng Thành say mê tiếng Anh đến mức đến tập gym toàn nói tiếng Anh. Cùng với gu ăn mặc rất Tây, Thành được mọi người cùng tập gym gọi là Việt Kiều, rất có giá thời đó. Thành không hề giải thích lại.

Ông Nguyễn Trung Thành với Chủ tịch Cuba .
Ông Nguyễn Trung Thành với Chủ tịch Cuba .

Trương Quang Hoài Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Thương mại) nay là Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, có kể lại năm 1994 ông cùng Nguyễn Trung Thành được cử đi nằm vùng ở Ban Thư ký ASEAN để chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập tổ chức này, nhưng khác nhóm. Cùng đi một nhóm với Thành là Vũ Đức Đam (nay là Phó Thủ tướng).

Nam nhận xét về Thành: “Kiến thức sâu rộng, ngoại ngữ làu làu, cao to đẹp trai hiếm thấy thời đó, luôn có mặt bên cạnh những nhà lãnh đạo cao nhất, anh Thành là "người của công chúng" được bọn trẻ (cả nữ và nam) ngưỡng mộ vô cùng.”

Nam còn kể rằng đến nhà Thành chơi, thấy trên các bức tường treo toàn ảnh Thành đi dịch cho các lãnh đạo cấp cao. Anh em trong Bộ Ngoại giao nói rằng Thành còn có thú vui khác là sưu tầm các kỷ vật, hễ thấy ai có kỷ vật gì đẹp là Thành ngỏ ý xin luôn.

Còn tôi, kể từ sau cuộc “free talk” ấn tượng đó, đã không có cơ hội được gặp Thành nữa. Mãi đến đầu năm 2006, khi Đại hội Đảng lần thứ 10 được tổ chức tại CLB Quân Đội tôi mới có dịp được kiến diện Thành. Lúc này, Thành đã trở thành trợ lý bộ trưởng, Chủ tịch SOM ASEAN và ASEM, và ông chủ trì cuộc họp báo quốc tế tại đó.

Như một MC chuyên nghiệp, Thành làm chủ hoàn toàn cuộc họp báo, nói tiếng Anh vẫn rất hay và điệu. Thậm chí, có phóng viên Nhật không có micro để hỏi, thay vì đợi người phục vụ đưa micro, ông thân hành mang tận nơi chiếc micro ông đang nói xuống.

Sau cuộc họp báo, tình cờ Thành đi ngang chỗ tôi. Liếc thấy tôi, Thành hỏi: “Cậu thấy mình nói thế nào?” “Trên cả tuyệt vời, thưa Thứ trưởng”, tôi buột miệng nói.

(Thực ra lúc ấy, cũng như nhiều người, tôi tin Thành sẽ lên thứ trưởng, bởi ngoài tiếng Anh và năng lực ngoại giao hiếm có, Thành còn có nhạc phụ là Bộ trưởng Ngoại giao.)

Thành hài lòng gật đầu rồi đi tiếp, không hề để ý đến từ nói nhầm của tôi.

Sau Đại hội Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nghỉ hưu. Thành không lên thứ trưởng.

Trương Quang Hoài Nam nói rằng “cũng có người bảo rằng “anh Thành không có số”…”  Tôi lại nghe nói Thành tuy đối ngoại khéo léo, nhưng đối nội lại vụng về.

Nhưng dù sao, trong thời gian làm trợ lý bộ trưởng, Thành đã được tham gia thành phần lãnh đạo bộ ngoại giao - một điều hiếm thấy. Đi làm là có xe đón rước đàng hoàng.

Đại sứ Thành trong chương trình Trực tuyến Đại sứ & Doanh nghiệp.
Đại sứ Thành trong chương trình Trực tuyến Đại sứ & Doanh nghiệp.

Vị đại sứ của cuộc sống

Năm sau, Thành được cử đi làm đại sứ ở Singapore.

Nguyễn Á Phi, nguyên chuyên viên Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, lúc đó là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Singpapore, có nhận xét: “Các đại sứ nước ngoài khác, hoặc các quan chức Singapore, rất có cảm tình với Đại sứ Thành. Các hoạt động văn hóa (thời Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm, mũi nhọn của ngành ngoại giao là ngoại giao văn hóa) được dẫn dắt rất tốt. Đại sứ Thành có khả năng diễn đạt, và tạo sức hút rất lớn.”

Điển hình là vụ quảng bá thương hiệu Phở 24 của Lý Quí Trung tại Singapore, khi ông khai trương hiệu phở thứ 2  tại đường Upper Thomson. Người PR cho món phở, trước gần chục quan chức là đại diện cho hai bộ du lịch và công nghiệp thực phẩm Singapore, cùng các doanh nghiệp nước này, lại là đích thân Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Thành.

Trong hơn 10 phút đồng hồ, thay vì cầm một bản diễn văn được chuẩn bị sẵn, Đại sứ Thành đã giới thiệu “vo” bằng tiếng Anh về phở, với những nét thanh tao, tinh tế mà vẫn “chất” của văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong sự so sánh với các món ăn Ấn (quá cay), Tàu (quá nhiều dầu) đang chiếm lĩnh thị trường ẩm thực quốc đảo này.

Đại sứ Thành trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.
Đại sứ Thành trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.

Sự sinh động trong việc giới thiệu cách hầm xương làm nước dùng, được coi là tinh túy, là phần hồn của món phở, sao cho thật trong mà vẫn ngọt và thơm, đã được Đại sứ Thành giới thiệu không phải với “cẩm nang của Phở 24”. Ông giới thiệu chính kinh nghiệm, và cả sự kỳ công của vợ ông, trong những dịp tiếp những người khách nước ngoài của ông.

Đại sứ Thành kể về một lần vợ ông đã phải mất 6 tiếng đồng hồ nấu lại một nồi nước dùng khác, sau khi cô con gái đã vô ý để lửa hơi to khi ninh xương làm nồi nước dùng đầu tiên hơi bị vẩn đục, đã khiến các vị khách mời chú ý đặc biệt đến việc thưởng thức nước dùng, khi được mời ăn thử phở sau đó.

“Họ múc thìa nước phở cho lên mũi hít hít, khi húp không nuốt ngay mà ngậm lại trong một thoáng trầm ngâm, rồi gật gù. Cứ y như thử rượu vang vậy”, Nguyễn Á Phi kể lại.

Cũng trong thời gian đó, tôi lại có dịp kiến diện Đại sứ Thành tại Lễ Khai trương Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Bắc Ninh (VSIP Bắc Ninh), khi ông tháp tùng Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đến Việt Nam dự lễ.

Khi hai người xuất hiện, có mấy phóng viên đứng cạnh tôi lúc đó trầm trồ nói: “Sao lại có ông Thủ tướng với ông Đại sứ giống nhau đến thế nhỉ? Cũng cao to, mặt mũi thông minh, và nụ cười đầy thiện cảm như nhau.”

Rồi Thành về nước, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài. Rất tiếc là thời gian ông ở đó quá ít, chứ nếu không với sự say mê, thậm chí sùng bái, về Thiền về Phật, chắc chắn ông sẽ tìm thấy sự chia sẻ với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban, người rất say mê những lễ cầu siêu.

Thành lại tiếp tục sang làm Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ngoài những hoạt động ngoại giao đa phương mà ông làm rất tốt, ông còn góp ý cho bản thiết kế xây dựng trụ sở của phái đoàn.

“Trụ sở của phái đoàn Việt Nam tại Geneva có dấu ấn của Đại sứ Thành”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận xét.  

Trong nhiệm kỳ cuối cùng, trước khi nghỉ hưu, Nguyễn Trung Thành lại đi đại sứ Cuba. Trên facebook, thấy ông đăng ảnh chứng tỏ ông đi nhiều, gặp gỡ nhiều, và, tất nhiên, cả chụp ảnh nhiều nữa. Gần đây, lại thấy chụp cả hoa và chim. Nhiều bạn trên FB khen ông chụp đẹp, có gu ảnh đàng hoàng.

Giới ông gặp thì đủ loại, từ các chính khách, việc ông vẫn phải làm như một đại sứ, các nghệ sĩ, như gu thưởng thức nghệ thuật của ông, đến những người dân bình thường. Cuba đang thay đổi, và ông muốn hòa vào quá trình đó, và chuyển tải điều đó cho các bạn trên FB.

Ông góp ý với các quan chức Cuba những kinh nghiệm của Việt Nam bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN từ mấy chục năm trước. Và ông cũng tiếp thu được từ Cuba những sáng kiến, cách đi mà Việt Nam chưa kịp làm.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Cuba lần thứ hai, Tổng Bí thư đã làm một chuyện hiếm hoi trong đối ngoại: lên cùng chuyên cơ cùng với Bí thư Thứ nhất Đảng CS Cuba Raul Castro đến thăm thành phố Santiago de Cuba - thành phố quê hương cách mạng, nơi có lăng mộ của Cố Chủ tịch Fidel Castro.

Trên FB, tôi bình luận “chắc chắn có vai trò đạo diễn khéo léo của Đại sứ Thành”. Ông không phản đối.

Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, một người bạn lâu năm của Đại sứ Nguyễn Trung Thành, đã nhận xét về ông: “Thoát khỏi sức ép tiến thân, và sự câu thúc vì danh vọng, anh Thành đã trở thành đại sứ của cuộc sống!”

Tôi hoàn toàn chia sẻ với Vương Quân Hoàng.