Từ “rốn” cách ly: Hành trình hơn 1.000km về VN giữa “bão” Covid-19

VietTimes – Phát hiện ra hợp đồng bảo hiểm quốc tế của bản thân không đảm bảo chữa trị Covid-19, anh Đinh Trung Vũ (Huyện Hóc Môn - TP.HCM) đang cách ly tại trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) kể lại chuyến hành trình “bão táp” của mình.
Điểm cách ly tại trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh nhân vật cung cấp.
Điểm cách ly tại trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh nhân vật cung cấp.

“Còn mỗi thứ không cho”

“Tôi quyết định rời Bangkok ngày cuối cùng 20/3. Ngày đó là chuyến bay cuối cùng về nước, cũng không có cảnh chen lấn gì cả. Không có khó khăn gì cả”, anh Vũ kể lại.

Điều khó khăn duy nhất với Vũ là chuyến bay thẳng từ Thái Lan về Việt Nam chỉ còn máy bay loại nhỏ. Điều mà Đinh Trung Vũ luôn từ chối do kinh nghiệm công việc chuyên môn của mình, anh Vũ quyết định đi đường bộ.

Dịch Covid-19 gần như đã ảnh hưởng tới toàn bộ chuyến hành trình “bão táp” này, dù anh Vũ vốn phụ trách một văn phòng du lịch tại Bangkok chuyên đưa khách từ Việt Nam qua Thái Lan với 7 nhân viên.

Trên dường về Việt Nam vào phút cuối. Ảnh nhân vật cung cấp.
Trên dường về Việt Nam vào phút cuối. Ảnh nhân vật cung cấp.

24h ngày 19/3, anh Vũ quyết định rời thủ đô Bangkok đi về biên giới Campuchia (cửa khẩu nổi tiếng Poipet trong chiến tranh biên giới Tây Nam, cách Bangkok 300km).

Việc phát hiện có lỗi trong những hợp đồng bảo hiểm mà anh đã ký với một hãng bảo hiểm ở Việt Nam khiến anh biết rằng anh sẽ không được bảo hiểm chi trả chi phí y tế nếu anh vô tình nhiễm virus corona tại nơi đất lạ quê người.

Đến 06h sáng ngày 20/3, anh Vũ đến được biên giới Thái Lan - Campuchia. Chỉ còn 12h nữa Campuchia sẽ đóng cửa biên giới hoàn toàn với Việt Nam (đó là theo thông tin anh Vũ nhận được - NV).

Thực chất, từ 0h0’ ngày 18/3/2020, biên giới giữa Việt Nam – Campuchia đã bắt đầu được đóng lại. Chiều ngày 19/3/2020, khi chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (tỉnh Long An), một cán bộ kiểm soát biên phòng ở đây cho hay từ sáng sớm trước đó, đã có những khuyến cáo người dân không nên qua lại.

Nếu qua Campuchia từ ngày 18/3/2020, lúc trở về, họ phải chấp nhận cách ly 14 ngày. Gần như ngay lập tức, mọi giao thương dừng lại, mọi công dân hai nước tuân thủ quy định, chỉ còn các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới còn túc trực.

Rất nhanh chóng, từ Thái Lan, anh Vũ qua Campuchia, lên xe 7 chỗ do công ty sắp xếp chạy hơn 600km từ biên giới Thái - Campuchia về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Tại khu vực cách ly. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tại khu vực cách ly. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đến 20h ngày 20/3, anh Vũ nhập cảnh được vào Việt Nam. Hai tiếng sau, lúc 22h, anh Vũ lên xe về khu cách ly tỉnh Tây Ninh, tại trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).

Đinh Trung Vũ kể rằng, sau khi đã nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài, trong số hơn 100 người Việt Nam đang xếp hàng lúc anh tới (theo anh Vũ ước tính - NV), tại khu cách ly, có nhiều người kể với anh rằng đến đầu giờ chiều cùng ngày (ngày 20/3 - NV), rất nhiều người trong số họ đã định ở lại Campuchia, nhưng đến phút cuối đã bỏ lại hết mọi thứ, quyết định hồi hương.

Họ sợ không thể quay về quê hương được nữa khi nghe mấy chữ: "Ngày mở biên cuối cùng".

Bốn hàng dọc tập hợp

“Khu cách ly của tôi là một ngôi trường tiểu học khá cũ, thuộc thành phố Tây Ninh. Trường xây theo hình chữ nhật, bao khoảng sân chính giữa, có khoảng 60 - 70 phòng học.

Mỗi phòng diện tích khoảng 10x10m2, kê được 10-15 chiếc giường xếp. Chúng tôi tắm rửa tại khu vệ sinh chung, mỗi thành viên được phát thoải mái các vật dụng cá nhân: Bàn chải đánh răng, khăn tắm, giấy vệ sinh v.v...

Ăn uống thì bánh mì, cơm hộp (có cơm chay). Chúng tôi được cho ăn liên tục.

Các bạn quản lý hình như chỉ có cơ sở vật chất khá cũ là không muốn cho, còn lại mỗi khi hỏi xin thứ gì có sẵn. Họ nhanh chóng nói: “Anh lấy đi anh...”, mỗi khi chúng tôi muốn hỏi xin thứ gì”, anh Vũ dí dỏm thuật lại.

Niềm vui của họ lúc chưa kịp quen với môi trường mới là... đánh bài quỳ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Niềm vui của họ lúc chưa kịp quen với môi trường mới là... đánh bài quỳ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trưa ngày 21/3, bữa cơm trưa tới khá muộn, lúc chừng hơn 1h chiều. Nhiều người than phiền, nhưng anh Vũ kể rằng: “Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt, hơn hẳn một số nước.

Tuy môi trường cách ly có thiếu thốn, nhưng phải hiểu và vui vẻ vì bản thân mình, gia đình và đất nước mình. Đừng vì bản thân mà gây khó khăn thêm cho xã hội vốn lúc nguy cấp”.

Bữa sáng có bát bún canh Tây Ninh, ít dưa hành và một ít rau, trưa và chiều cùng ngày có cơm; những bữa cơm diễn ra khá nhanh.

Tranh thủ lúc mất ngủ, anh Vũ cầm máy ảnh dạo một vòng khu cách ly và nhìn thấy hình ảnh hàng loạt cán bộ công an, quân đội, người thì dựa lưng vào gốc cây, người thì mắc võng nằm dưới mái tôn nóng hầm hập của nhà để xe, đang tranh thủ chợp mắt.

Hình ảnh lúc nghỉ trưa dưới mái tôn nóng hầm hập lúc giữa trưa của lực lượng chức năng tại địa điểm cách ly là trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh nhân vật cung cấp.
Hình ảnh lúc nghỉ trưa dưới mái tôn nóng hầm hập lúc giữa trưa của lực lượng chức năng tại địa điểm cách ly là trường THCS Thành Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh nhân vật cung cấp.

Được hỏi về ấn tượng của mình khi nhìn thấy những hình ảnh đó, anh Đinh Trung Vũ khá trầm ngâm kể lại: “Thứ nhất, tôi thấy vui và an tâm khi về đến đất nước mình.

Thế nhưng, ấn tượng và ám ảnh nhất với tôi là câu thông báo tại cửa khẩu biên giới Mộc Bài (Tây Ninh): Người có hộ chiếu một hàng; người có Chứng minh nhân dân một hàng; người có giấy tờ biên giới một hàng; và người không có giấy tờ gì một hàng.

Trời ơi, vậy là kiều bào mình ở Campuchia vốn không quốc tịch từ bao lâu nay cũng được Đất Mẹ đón về!”./.