Khi kỳ bầu cử lãnh đạo của Đài Loan sắp được tổ chức vào tháng Giêng năm sau, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch nhằm “tái thống nhất” với vùng lãnh thổ mà họ xem như một tỉnh của mình, hạn chế một số đồng minh ít ỏi của Đài Loan và thường xuyên cử máy bay ném bom đi tuần tra xung quanh hòn đảo này.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã nhấn mạnh về nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc cùng cuộc thương chiến giữa nước này với Mỹ.
“Nếu sự ổn định trong nước trở thành một vấn đề nghiêm trọng, hoặc đà giảm kinh tế trở vấn đề nghiêm trọng đối với lãnh đạo chóp bu (của Trung Quốc), đó chính là lúc chúng tôi cần phải rất thận trọng” – ông Wu nói – “Chúng tôi cần phải tự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất… một cuộc xung đột quân sự”.
Nền kinh tế Trung Quốc, dù vẫn đang tăng trưởng, nhưng trong năm nay được dự báo sẽ giảm tốc xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh phải tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế để giữ đà tăng trưởng – vốn được xem như nền tảng chính sách của chính phủ Trung Quốc.
Ông Wu nói rằng tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại là “tạm ổn”, nhưng thúc giục các nước khác theo dõi cái mà ông xem là những vấn đề ở nước này, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp. Ông cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ hết sức quan ngại nếu như không thể giữ vững đà tăng trưởng của nền kinh tế.
“Đây là một nhân tố có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định đưa ra hành động ở bên ngoài nhằm chuyển hướng dư luận trong nước” – ông Wu nói.
Vị quan chức Đài Loan cho rằng, các hành động quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực đã trở thành nguồn cơn gây căng thẳng “rất nghiêm trọng”, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia; tuy nhiên thêm rằng Đài Loan đang nỗ lực hết sức để đảm bảo hòa bình.
“Chúng tôi chắc chắn hy vọng Đài Loan và Trung Quốc chung sống hòa bình, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều vấn đề mà Trung Quốc gây nên, và chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết nó” – ông Wu nói.
Đài Loan đã mất đi 7 đồng minh ngoại giao về phía Trung Quốc kể từ khi lãnh đạo Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016. Bắc Kinh tin rằng bà Thái có ý định thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan – điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng cảnh báo là sẽ dẫn tới một “thảm họa ghê gớm”.
Tình trạng biểu tình chống chính quyền kéo dài suốt nhiều tháng qua ở Hồng Kông đã cho Đài Loan một bài học – ông Wu nói.
“Người dân ở đó hiểu rằng có điều gì đó sai lầm với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Hồng Kông đang áp dụng… người dân Đài Loan không muốn ở trong tình huống tương tự” – ông Wu nói.
Bắc Kinh từng liên tiếp đề xuất áp dụng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan như đã làm với Hồng Kông, đồng thời lên tiếng đảm bảo rằng hòn đảo này sẽ có những quyền tự do nhất định, tuy nhiên Đài Loan tỏ ra không hứng thú.
Theo Reuters