Trao đổi về vụ nước sạch nhiễm dầu thải hơn 10 ngày nay gây ảnh hưởng tới hàng vạn hộ dân Hà Nội, bên lề hành lang Quốc hội chiều nay (21/10), Đại biểu Y Khút Niê cho rằng nhà cung cấp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nước để kịp thời phát hiện sự cố và có thông báo kịp thời tới người dân.
“Qua thông tin đại chúng, tôi thấy giữa nguồn nước sạch với nguồn nước xả thải của nhà máy hòa nhập rồi sau đó lại cung cấp cho nhân dân thì không thể chấp nhận được. Cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra giám sát và bảo đảm nguồn nước”, ĐBQH Y Khút Niê nói.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường và công tác quản lý nguồn nước sạch sinh hoạt, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhiều vụ việc vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra, cụ thể như ở Hà Nội và TP.HCM. Người dân và chính quyền đều thấy được những bất cập đó nhưng vẫn bộc lộ hạn chế thiếu sót trong vấn đề quản lý. Và chính vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình dẫn đến cuộc khủng hoảng về nước sạch cho hàng vạn hộ dân Hà Nội đã đặt ra vấn đề về an ninh nguồn nước, và nguy cơ đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Nhiều ĐBQH cho rằng, trong khi người dân hoang mang thì việc xử lý của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
Hàng vạn hộ dân Hà Nội thiếu nước sạch sử dụng trong hơn 10 ngày qua.
|
“Người dân thấy như vậy họ không yên tâm với sự quản lý nhà nước trong việc đảm bảo sức khỏe của người dân. Tôi mong là những sự cố, sự việc xảy ra vừa qua sẽ là bài học kinh nghiệm cho những người vi phạm lĩnh vực này. Tôi mong muốn cơ quan các cấp, chính quyền địa phương từ trung ương đến cơ sở phải quan tâm nhiều hơn đối với sức khỏe người dân trên tất cả các lĩnh vực. Có như vậy thì người dân mới yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền”.
Từ một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quảng Bình, cho rằng việc gây ô nhiễm nguồn nước ở tỉnh Hòa Bình cũng có phần do ý thức của người dân chưa tốt, cơ quan lý dù tích cực cũng khó bảo vệ để bảo vệ nguồn nước. Ông cũng không phủ nhận rất cần giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến ý thức của người dân.
“Từng cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường cần có giải pháp, tích cực quản lý, phát hiện, xử lý, truy tố để răn đe những đối tượng vi phạm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền cho người dân xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng thôn xóm phải có những việc làm thiết thực, như cam kết giữa cá nhân với tổ chức trong việc thực hiện nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, người dân phải luôn luôn cảnh giác, phát hiện để báo với cơ quan chức năng trong vấn đề xử lý vi phạm vệ sinh môi trường”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nói.