Bất an thứ nhất là “tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị”.
“Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không mở rộng?”, đại biểu Bến Tre đặt câu hỏi.
Bất an thứ hai là nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa bị chặn đứng, là vấn nạn đưa quốc gia tới bờ vực sa sút niềm tin.
“Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt, nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động”, ông Đặng Thuần Phong nói.
Bất an thứ ba là sự xuất hiện của dấu hiệu mất cân đối ngân sách, sự ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư thấp, nợ công tăng cao, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, hiệu quả chú trọng đầu tư thấp.
“Chỉ số bây giờ mỗi người dân Việt Nam có thể đang gánh 1.000 USD nợ lãi và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư cho phát triển chưa ngang bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng”, ông Phong nói.
“Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn”.
Bất an thứ tư là thương mại hóa các quan hệ xã hội: “Đồng tiền đã chi phối mỗi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền”.
“Đáng ngại hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là tình trạng ‘chạy’ ở Việt Nam”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội chỉ ra.
“Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân”.
Bất an thứ năm khiến dân không an tâm, theo ông Đặng Thuần Phong, là rừng sắp hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau cạn kiệt dần...
“Đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, chính sách rải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư thiếu trách nhiệm, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ lạc hậu”, ông Phong bức xúc.
“Đừng vì tâm tưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất”.
Bất an thứ sáu, không kém phần nghiêm trọng, là vấn đề an toàn sống: “Bữa cơm trong nhà cũng cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây”.
Ông Phong bày tỏ lo ngại: “Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người”.