Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), nợ xấu đã được xử lý phần nào nhưng vẫn là “cục máu đông” của nền kinh tế. Hiện tại, vốn của doanh nghiệp đang dựa vào ngân hàng là chủ yếu, nên việc xử lý nợ xấu là đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn nhưng không thể kéo dài.
“Tỉ lệ nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu có thể lên đến 10% tính đến 31/12/2016, vậy, tỉ lệ nợ xấu và tiềm ẩn đã thực sự chính xác chưa, còn giấu ở đâu nữa không, có xuất hiện thêm nợ xấu mới hay không?” – Đại biểu Vượt đặt vấn đề.
Vị đại biểu đoàn Gia Lai cho rằng, phải nhận dạng và chỉ rõ ngân hàng nào có nợ xấu cao, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng để xảy ra nợ xấu qua các thời kỳ, không để lẩn tránh trách nhiệm.
Cùng quan điểm trên, đại đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) kiến nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. Bên cạnh đó, Nghị quyết cần làm rõ động cơ nào, mục đích nào mà các ngân hàng cho vay vượt quá giá trị tài sản thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh, phải xử lý thật nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây nợ xấu, có như vậy mới răn đe, tránh để lặp lại trong thời gian tới. Vị đại biểu này đề nghị, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Chính phủ cần tổ chức triển khai quyết liệt ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, có chế tài để kiểm soát tình hình, không để các ngân hàng tùy tiện chuyển các khoản nợ khác sang nợ xấu, không để lạm quyền trong thu giữ tài sản của các ngân hàng đối với khách hàng.