Những ngày gần đây, người dân xôn xao về việc mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản có tên "Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam" và “Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng Sản Việt Nam” đăng thông tin sau lệch về vụ nước mắm.
Cụ thể, tối ngày 10/3, tài khoản Facebook có tên "Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam" đăng tải nhiều thông tin "kêu gọi cộng đồng cảnh giác với chiêu trò ủng hộ nước mắm truyền thống để phá hoại nền sản xuất nước nhà".
Thông tin này khiến nhiều người lầm tưởng chủ tài khoản là Ban Tuyên giáo Trung ương đứng ra kêu gọi. Nội dung thông tin này nhanh chóng nhận được nhiều lượt thích (like) và bình luận (comment), trong đó, có nhiều bình luận mang tính chất kích động.
Theo thông tin hiển thị thì trang fanpage này chỉ mới được tạo từ 10/3/2019. Trong số 4 bài viết được đăng trên trang từ khi trang được lập, có 2 bài viết liên quan đến những tranh cãi quanh chuyện nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Tối 11/3, Ban tuyên giáo Trung ương đã ra thông báo về việc xuất hiện tài khoản Facebook mang tên "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" liên tục đăng các thông tin không đúng sự thật. Ông Nguyễn Huy Ngọc, Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương không có và không sử dụng tài khoản facebook nào như thế.
Đồng thời, ông Ngọc cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải những trang thông tin giả mạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Cũng liên quan đến việc xử lý các trang Facebook đưa thông tin thất thiệt, trước đó, ngày 11/3, chủ sở hữu trang Facebook "Đầm bầu thời trang Mami" đã ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng vì đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, trang này đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người. Sau khi gỡ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi vào ngày 4/3, đến ngày 10/3, chủ Fanpage đã viết một bài đính chính đăng trên Facebook của mình khuyến cáo các mẹ bầu cần cẩn thận khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch tả lợn châu Phi. |