Đà Nẵng: Lúa nhiễm độc do mỏ than án ngự nguồn nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng chục hộ dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng phải đối mặt với vụ lúa không thể ăn được, do nhiễm nước than đen.
Lúa của người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu (xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) bị chuyển màu đen do nhiễm than
Lúa của người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu (xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) bị chuyển màu đen do nhiễm than

Theo phản ánh của người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu (xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng), nguyên nhân của tình trạng này là do bãi than của Công ty than Đông Bắc án ngự nguồn nước, từ trên cao thải nước xuống đồng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng của người dân nơi đây.

Cũng theo người dân, không những chỉ có bãi than gây ô nhiễm mà hàng chục năm qua, người dân phải sống khổ sở vì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp vì hoạt động của hàng chục mỏ đá vây quanh.

Xót xa bên những bao lúa bị nhiễm than đen, ông Bùi Văn Mười (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) – cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã diễn ra lâu nay, nhưng người dân không có cách nào khác là phải sống chung. “Nhưng đây là vụ mùa đầu tiên mà người dân thu hoạch mùa màng trong tình trạng bất an, không dám ăn lúa do mình đã tốn công sức, chi phí chăm sóc. Lúa thu hoạch bị nhiễm đen ai cũng sợ. Lúa thu hoạch người không dám ăn, đưa cho gà thì gà cũng lơ. Bỏ thì tiếc và giữ thì không biết làm gì”.

Ông Bùi Văn Mười (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng những bao lúa chuyển màu đen

Ông Bùi Văn Mười (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng những bao lúa chuyển màu đen

Sự việc không chỉ xảy ra đối với mảnh ruộng của nhà ông Mười mà nhiều gia đình khác trong thôn cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Phước (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, nhà bà Phước nằm ngay bên cánh đồng dưới chân bãi than Đông Bắc, nên cứ mỗi sau trận mưa lớn là cánh đồng lúa ngập trong biển nước đen ngòm.

“Màu hạt lúa sau đó chuyển đen theo từng ngày khiến ai có ruộng tại đây cũng lo lắng”- bà Phước nói.

Theo bà Phước, cùng diện tích đó, những vụ mùa trước gia đình bà gặt về được hơn 60 bao, nhưng năm nay chỉ thu hoạch được chỉ 17 bao. Năng suất đã giảm mà lúa còn bị nhiễm đen, khiến không ai dám ăn. “Tôi già lại bị bệnh nặng, chồng cũng mất sức lao động rồi. Mỗi năm làm được có một vụ mà giờ như thế này thì không biết sắp tới lấy gì mà ăn” – bà Cước chia sẻ.

“Nước chảy xuống đen thui, mấy năm nay bò trâu uống nước than này chết hết. Nhà chú Ba có mười con bò chết hết phải bán 1 triệu một con bò. Nhà tôi cũng có một bầy chết còn 1 con. Giờ không dám ăn, đang đau bệnh ăn vào là chết”- bà Phước cho biết thêm.

Mỏ than của Công ty than Đông Bắc

Mỏ than của Công ty than Đông Bắc

Mỏ than của Công ty than Đông Bắc án ngự nguồn nước, từ trên cao thải nước xuống đồng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng của người dân

Mỏ than của Công ty than Đông Bắc án ngự nguồn nước, từ trên cao thải nước xuống đồng gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng của người dân

Theo người dân, sau khi phản ánh vụ việc, chính quyền địa phương, chủ bãi than đã có buổi làm việc để đánh giá hiện trạng và có phương án hỗ trợ, bồi thường. Tuy nhiên, tất cả các hộ dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng cảm thấy ngạc nhiên là phía doanh nghiệp đưa ra mức hỗ trợ 600 nghìn cho mỗi sào lúa vì khoản tiền này gần như không thể bù đắp chi phí mùa màng, càng không đủ lương thực trong một năm của người dân.

Không những vậy, thông tin đền bù thiệt hại cho người dân cũng có dấu hiệu bất nhất khiến người dân càng thêm hoang mang lo lắng.

Ông Nguyễn Đăng Tường – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng - cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền đã trực tiếp xuống thôn, làm việc với chủ bãi than và lập biên bản. Chính quyền cũng phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện đánh giá thiệt hại, đề xuất phương án xử lý: “Đúng là doanh nghiệp hỗ trợ 600 nghìn đồng đối với mỗi sào lúa của người dân bị ảnh hưởng và người dân đã thống nhất phương án đền bù, kiến nghị đồng tình, các hộ dân đã thống nhất. Trưởng thôn lập danh sách, làm việc với doanh nghiệp qua phòng tài nguyên. Xã cũng đề nghị cơ quan chức năng huyện xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường, khắc phục các vi phạm”.

Tuy vậy, theo bà Phước, chính quyền thôn có làm việc với doanh nghiệp thoả thuận đền bù cho người dân với mức 600 nghìn đồng/ sào ruộng, nhưng bà Phước không chịu do bất hợp lý. “Đền 600 nghìn thì làm cái gì ăn, coi sao chứ đền 600 nghìn đồng/sào, 5 sào có được 3 triệu bạc thì sống kiểu gì?”- bà Phước nói.

Ông Bùi Văn Mười (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thẩn thờ bên vụ mùa bị hư hại

Ông Bùi Văn Mười (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thẩn thờ bên vụ mùa bị hư hại

Với những gì đang diễn ra cho thấy công tác kiểm soát và bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng chưa thật sự chặt chẽ. Sự việc rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để sớm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo đời sống người dân.