Đà Nẵng ghi nhận vai trò phản biện xã hội của báo chí
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Theo Sở TT-TT Đà Nẵng, các cơ quan đã báo chí đã thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Và có khoảng 90% vấn đề báo chí nêu đã các cơ quan đơn vị được phản hồi, tăng 10% so với năm 2016.
Chiều 2/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018; trao giải báo chí năm 2017.
Tham dự Hội nghị có đại diện Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng, Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Thường trực Thành ủy, UBND và các sở, ban, ngành TP.Đà Nẵng; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương hoạt động tại Đà Nẵng.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2017, các cơ quan báo chí đã đăng tải khoảng 66.000 tin, bài viết về TP Đà Nẵng (tăng 50% so với năm 2016). Các báo, đài đã phản ánh kịp thời diễn biến của đời sống chính trị, các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, các sự kiện đối ngoại quan trọng trong khuôn khổ Năm APEC và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của TP, nhất là chương trình “Thành phố 4 an”, “Thành phố thông minh” được các cơ quan báo, đài quan tâm, tuyên truyền đậm nét.
Bên cạnh những sự kiện, các chương trình lớn của Đà Nẵng, các cơ quan báo chí trên địa bàn đã phát hiện, nêu rõ các hạn chế trong công tác quản lý đô thị, trật tự giao thông, ô nhiễm môi trường như: quy hoạch Sơn Trà; công tác quản lý xây dựng; công tác đảm bảo an toàn giao thông như các sự việc lấn chiếm lòng, lề đường, xe ben; liên quan đến vấn đề môi trường như các vấn đề ô nhiễm tại cảng cá Thọ Quang, cá chết tại kênh nước ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; biển Mỹ Khê bị xâm thực…
Đặc biệt, báo chí đã bám sát, tích cực tham gia phản biện việc các chủ trương chính sách của các sở ngành, từ đó các cấp chính quyền thành phố đã lựa chọn tiếp thu một số vấn đề và có sự điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành; phản ánh kịp thời thực tiễn cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân TP, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh TP đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước;…
“Điều này cho thấy, báo chí đã thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền, ảnh hưởng tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị
Để đáp ứng tốt yêu cầu thông tin báo chí, Sở TT-TT TP Đà Nẵng cũng đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các cơ quan, sở ban ngành, quận huyện nhằm hướng dẫn, tiếp thu kiến nghị, đề xuất, góp ý của các đơn vị qua thực tế triển khai công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí.
Tuy vậy, trong năm qua, việc thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử có lúc có nơi vẫn còn tình trạng giật tít, câu view, đưa tin chưa chính xác. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số phóng viên không tham gia tác nghiệp tại hiện trường xảy ra vụ việc, nhưng lấy lại thông tin của các phóng viên khác để sản xuất tin, bài mà chưa thực hiện kiểm chứng dẫn đến thông tin có sự sai lệch giống nhau trên hàng loạt báo, một số thông tin sai lệch trong báo chí.
Đối với công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, một số đơn vị chủ động phát hiện và tự phản hồi thông tin cho báo chí một cách nhanh chóng, tiêu biểu như: Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Sơn Trà, UBND quận Ngũ Hành Sơn…
Đến nay, đã có khoảng 90% vấn đề báo nêu đã các cơ quan đơn vị được phản hồi. Tỉ lệ này tăng khoảng 10% so với năm 2016. Tuy nhiên, công tác báo cáo năm 2017 vẫn còn một số đơn vị trên địa bàn TP không thực hiện chế độ báo cáo như: Sở Ngoại vụ; Sở Công Thương; Thanh tra thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao; Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư. Đối với công tác báo cáo hoạt động theo quy định đối với cơ quan báo chí có đến 19 cơ quan báo chí trên địa bàn không thực hiện báo cáo theo quy định như: Tạp chí GTVT khu vực miền Trung, Báo Nhân đạo và Đời sống tại Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học-Công nghệ ĐH Duy Tân, Báo điện tử VTC News,…
Để thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin báo chí, trong năm 2018, TP.Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn công tác quản lý báo chí trên địa bàn TP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; duy trì các cuộc họp giao ban báo chí, phát triển từ giao ban báo chí định kỳ 6 tháng/lần, 1 năm lên giao ban định kỳ hàng quý; nâng cao chất lượng các giải báo chí.
Tiếp tục củng cố Tổ công tác thông tin báo chí; tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cung cấp thông tin và cung cấp thông tin cho báo chí; tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan báo chí; cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cấp trên…
Đặc biệt, Sở TT-TT Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành ủy Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy xem xét ban hành quy chế công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể trên địa bàn; Đề xuất thiết lập trang facebook của UBND TP để tăng cường công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ truyền thông, theo dõi, phát hiện, phòng ngừa, xử lý khủng hoảng truyền thông,..
Tại Hội nghị, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho các tập thể, cá nhân các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2017; Trao các giải báo chí viết về Đà Nẵng, về Tuần lễ cấp cao APEC 2017, về Thành phố môi trường, Thành phố “4 an” mà chính quyền địa phương đã phát động trong năm 2017.
Theo thống kê của Sở TT-TT TP Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 109 cơ quan báo chí. Trong đó có 8 cơ quan báo chí địa phương, 7 cơ quan báo chí Trung ương đóng tòa soạn và 94 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú với khoảng 800 người làm báo hoạt động.