Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến diễn ra ngày 31/8, tại Đà Nẵng |
Đứng đầu cả nước về triển khai dịch vụ công trực tuyến
Sáng 31/8, tại TP Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì. Đồng chủ trì còn có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao TP Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, cùng những hiệu quả nội bật của quá trình xây dựng Chính phủ số này.
Báo cáo tại hội nghị, tính đến tháng 7/ 2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình của Đà Nẵng đạt tỷ lệ cao nhất cả nước với 95% (trung bình cả nước là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình cả nước là 17%); tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số đạt 64% tính đến thời điểm hiện tại, trong đó 100% kết quả mới (năm 2023 và đến 7/2024) đã được số hóa đưa vào Kho kết quả TTHC.
Bên cạnh đó, TP đã có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên Hệ thống Chính quyền, đạt tỷ lệ khoảng 50%. Đà Nẵng cũng có trên 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh. Đặc biệt, tháng 7/2024, HĐND TP ban hành Nghị quyết trang bị điện thoại thông minh để 100% hộ dân có điện thoại thông minh; hơn 20% người dân trưởng thành có chữ ký số cá nhân (theo báo cáo của Bộ TT&TT).
2 giải pháp và 5 kiến nghị đột phá
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đặc biệt là triển khai DVCTT toàn trình, tại hội nghị, UBND TP Đà Nẵng đưa ra 2 đề xuất để Thủ tướng, các Bộ ngành xem xét cho phép và hỗ trợ Đà Nẵng triển khai trước 2 giải pháp mới đã sẵn sàng ngay trong năm 2024; đồng thời đưa ra 5 kiến nghị cần hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ, ngành để Đà Nẵng nói riêng, các địa phương triển khai căn cơ, toàn diện hơn trong triển khai cung cấp DVCTT hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Cụ thể, Đà Nẵng đề xuất sử dụng công nghệ số để nâng gần 100% TTHC được cung cấp DVCTT toàn trình và cho phép Đà Nẵng triển khai trước việc giảm, tiến đến bỏ các TTHC cấp lại thông qua dữ liệu số.
Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện nay, điểm nghẽn về quy định một số TTHC phải xuất trình hồ sơ gốc, phải cần sự hiện diện của chủ hồ sơ để xác nhận chính chủ (hay xác định danh tính), ký giấy tờ,… (hiện TP. Đà Nẵng còn 133 TTHC chưa triển khai DVCTT toàn trình; thống kê sơ bộ, các địa phương còn khoảng 35% TTHC chưa thể/không thể triển khai toàn trình). Lý do chính là vướng nhiều quy định khác nhau, để thực hiện thì cần sửa nhiều quy định và cần nhiều thời gian; trong khi đó, dự kiến mục tiêu toàn quốc cuối năm 2025: DVCTT toàn trình đạt 90% TTHC có đủ điều kiện, hồ sơ trực tuyến toàn trình toàn quốc đạt 70%).
Để giải quyết vấn đề này, nên sử dụng công nghệ số như: Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học để triển khai DVCTT đối với các TTHC còn phải làm trực tiếp như TTHC lĩnh vực chứng thực, hộ tịch (sử dụng camera, quét hình ảnh …).
Đối với đề xuất cho phép Đà Nẵng triển khai trước việc giảm, tiến đến bỏ các TTHC cấp lại thông qua dữ liệu số, UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện địa phương có khoảng 180 TTHC (tương đương 10% số TTHC) là cấp lại do mất, hư hỏng; trong khi đó kết quả TTHC đã cấp trước đó đã có trong Kho dữ liệu của TP, Kho dữ liệu cá nhân; và có giá trị pháp lý như bản giấy. Chính vì vậy, Bộ ngành chủ QLNN các TTHC trên, điều chỉnh quy định, hướng dẫn cho phép Đà Nẵng tiến đến bỏ các TTHC này; người dân dùng kết quả TTHC đã có trong Kho của TP, Kho cá nhân, trường hợp cần bản giấy, người dân yêu cầu cơ quan cấp bản sao y từ kết quả số; cần thiết bản chính mới thực hiện lại TTHC.
Về 5 kiến nghị, Đà Nẵng kiến nghị Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí cho các Đại lý DVCTT đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy mô hình hoạt động trên cả nước. Chỉ đạo các doanh công nghệ số, phối hợp với địa phương triển khai nhiều dịch vụ ký số để góp phần phổ cập chữ ký số cho người dân, từ đó cung cấp DVCTT thuận lợi hơn; Các bộ ngành đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình để đơn giản TTHC (giảm khâu thực hiện, kế thừa lại dữ liệu, kết quả TTHC số) khi triển khai xuống địa phương nhằm tạo thuận lợi cho người dân dễ sử dụng hơn; đặc biệt là hủy bỏ/giảm các thủ tục cấp lại qua kế thừa lại dữ liệu, kết quả thủ tục hành chính số.
Đà Nẵng đề xuất Bộ Công an chia sẻ đủ 25 trường thông tin trong CSDLQG về dân cư (Quy định tại Điều 9 Luật căn cước năm 2023) như: Nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử, … và các thông tin trong CSDL Căn cước (Quy định tại Điều 15 Luật căn cước năm 2023) như: Thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói ,…. để Đà Nẵng triển khai trước ứng dụng công nghệ và dữ liệu số để nâng hầu hết TTHC lên DVCTT như đề xuất 1 vừa báo cáo ở trên (TTHC không đủ điều kiện toàn trình + Công nghệ số = TTHC đủ điều kiện toàn trình).
Đề xuất thứ tư mà Đà Nẵng đưa ra là cung cấp bộ khóa kết nối chính thức Cổng đăng nhập xác thực tập trung của Đà Nẵng với Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID để cho phép người dân có thể đăng nhập, sử dụng các dịch vụ trên các hệ thống thông tin/nền tảng số của địa phương bằng tài khoản VNeID mà không phải đăng ký tài khoản mới (chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID, người dân đăng nhập 01 hệ thống bằng VNeID thì khi chuyển sang sử dụng hệ thống khác không cần phải đăng nhập lại); đồng thời, dữ liệu/tài liệu số của người dân khi đã được gắn mã định danh VNeID sẽ được chia sẻ, kế thừa/sử dụng lại dễ dàng hơn, qua đó giúp đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Việc này, không chỉ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi sử dụng DVCTT, mà còn lan tỏa cho triển khai DVCTT toàn xã hội, thúc đẩy sử dụng kết quả TTHC số trên toàn địa bàn (cả khu vực công và khu vực tư).
Đề xuất thứ năm là Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể áp dụng cơ chế “Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt” (theo Điều 29 Luật Đấu thầu ) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ do Bộ, ngành, Trung ương yêu cầu cập nhật gấp cho các hệ thống hiện có, để đưa vào sử dụng (trong vòng 1-2 tháng).