Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: “3 nhà” cần nắm tay nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 khi nói về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.

Các chuyên gia tham dự toạ đàm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng trong khuôn khổ sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 diễn ra ngày 30/8
Các chuyên gia tham dự toạ đàm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng trong khuôn khổ sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 diễn ra ngày 30/8

Cần có sự đồng hành của “3 nhà”

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng trong khuôn khổ "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024), các chuyên gia cho rằng, để phát triển được ngành vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung cần có chiến lược dài hạn với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Từ đó kiến xây dựng hệ thống chính sách, tạo bệ đỡ cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn ở Việt Nam mà cụ thể là Đà Nẵng phát triển.

Đặc biệt là để phát triển ngành công nghiệp này, cần có chiến lược hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực đủ đáp ứng cho ngành

Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “sự kiện này là một ví dụ tuyệt vời minh chứng cho tiềm năng và cam kết của TP Đà Nẵng trong việc phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Và đây cũng là thời điểm chín mùi cho việc hợp tác cùng phát triển, khi cả 2 nước kỷ niệm một năm ngày nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, nâng cao kỹ năng và tăng cường phát triển lĩnh vực kỹ thuật số.

Khi chúng ta hướng tới tương lai của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, tôi tin tưởng rằng, cùng nhau, chúng ta có thể đạt được những cột mốc đáng chú ý. Những nỗ lực chung của hai nước chúng ta sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo, thịnh vượng chung và xây dựng được chuỗi cung ứng mang tính bền vững”.

vt_vi mach ban dan 1.png
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Cũng theo bà Susan, ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tạo điều kiện cho cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Hoa Kỳ và Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn chung nhằm khai thác sức mạnh của ngành công nghiệp quan trọng này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và hướng tới phát triển bền vững.

Gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nhờ vào việc phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp, vị trí chiến lược của Đà Nẵng, và lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tiến bộ.

“Với hệ sinh thái công nghệ mới nổi, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong sự tăng trưởng này, góp phần làm cho sự kiện ngày hôm nay vừa kịp thời vừa có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuỗi cung ứng bán dẫn mạnh mẽ và mạng lưới sản xuất bền vững. Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường phát triển hơn nữa hệ sinh thái bán dẫn tại đây”, bà Susan Burns nhấn mạnh.

Chia sẻ các vấn đề thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn, bà Susan Burns cho rằng, các khoản đầu tư giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong đó, nghiên cứu và phát triển (R&D) là động lực quan trọng của sự đổi mới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chính vì vậy, cần tăng cường đầu tư của khu vực công và tư nhân vào nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua tài trợ trực tiếp của chính phủ, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp, thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học và khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

“Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần đảm bảo môi trường pháp lý hấp dẫn và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ (IP) mạnh mẽ.

Để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, Việt Nam cần có lực lượng lao động đẳng cấp thế giới.

Thông qua quan hệ đối tác và hợp tác, chúng ta có thể củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức mà ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt hiện nay, thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân của hai nước, và hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn mang tính đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, bà Susan Burns nói.

vt_vi mach ban dan 2.png
Ông Lê Quang Đạm, đại diện Công ty TNHH công nghệ Marvell tại toạ đàm

Đồng quan điểm với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghệ AI là động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hành trình gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu là quá trình dài hạn, để đi được đến đích, các bên cần đồng hành cùng nhau, đi cùng nhau.

Ông Lê Quang Đạm, đại diện Công ty TNHH công nghệ Marvell cho rằng: “Để thành công trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn, cần có sự đồng hành của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần có sự chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng phát triển ngành với nhau để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển. Chúng ta cần nắm tay nhau trong hành trình này”.

Đà Nẵng tập trung vào 3 giải pháp cốt lõi

Chia sẻ hướng đi của Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Theo đó, Đà Nẵng xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược và các đối tác chiến lược từ ưu đãi về tiếp cận đất đai, hỗ trợ về thuế, chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, chi phí mua sắm trang thiết bị đặc thù; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Đối với phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn. Đà Nẵng xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Nên song song với việc tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành công nghiệp bán dẫn; đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, Đà Nẵng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.

vt_ ngay chip ban dan 3.png
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng công bố 3 giải pháp cốt lõi của Đà Nẵng nhằm thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng

Bên cạnh đó, Đà Nẵng ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết làm nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trong dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, Đà Nẵng thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 nhà gồm: Nhà nước - nhà trường - Nhà doanh nghiệp; trong đó chính quyền TP là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Giải pháp thứ ba là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

“Nếu nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” thì cơ sở hạ tầng là “khung xương” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Để chuẩn bị hạ tầng phục vụ thiết kế vi mạch bán dẫn trong ngắn hạn, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao và 3 Khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu, Đà Nẵng phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

vt_ ngay chip ban dan 6.png
Các đại biểu tham quan không gian triển lãm bên lề sự kiện

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung mới với diện tích khoảng 22ha.

Cùng với đó, Đà Nẵng tập trung đẩy nhanh việc triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu sản xuất bán dẫn chuyên biệt thuộc Khu Thương mại tự do để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị...trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

Ngày 30/8, TP Đà Nẵng tổ chức sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024) với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Sự kiện gồm 2 phiên chính là Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra buổi sáng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra buổi chiều.

Tại phiên buổi sáng, các hoạt động trao Thỏa thuận hợp tác ba bên và Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng đã được ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng với Công ty TNHH Synopsys International và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel;

Ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Công ty CP Tập đoàn Sovico;

Ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam;

Ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng và Công ty TNHH FPT IS;

Trao Thoả thuận hợp tác giữa Sở KH&CN TP Đà Nẵng với Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng.

Tại phiên Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, các đại biểu trao đổi, thảo luận về về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực của các chương trình đào tạo hiện hành, và để cùng thảo luận, đề xuất các định hướng phối hợp ba nhà Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong kết nối cung cầu nhân lực và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đạt tiêu chuẩn tại TP Đà Nẵng.

Đồng thời ban tổ chức trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng - Sở TT&TT TP trong Phối hợp và hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với 6 trường Đại học trên địa bàn (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật, ĐH Duy Tân và ĐH FPT, Đông Á); ghi nhớ Hợp tác đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn và hỗ trợ phòng lab phục vụ nghiên cứu, đào tạo với Công ty Cổ phẩn Tecotec Group, Công ty K&H MFG;

Trao Hợp tác triển khai đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn giữa trường Đại học Đông Á và Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan); trao Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn giữa Công ty CP Tecotec Group và Công ty K&H MFG với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn (Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Duy Tân, Đại Đông Á, Trường Cao Đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Phương Đông); trao Biên bản ghi nhớ về nội dung hợp tác tuyển dụng nhân sự giữa Công ty LTD Material (hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp bán dẫn) với trường Đại học Bách Khoa về nội dung hợp tác tuyển dụng nhân sự cho công ty.