Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao chứng nhận cho các đơn vị tại Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 |
Sáng 30/8, tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng, TP Đà Nẵng tổ chức sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024) với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của hàng loạt công ty công nghệ vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới như: Công ty TNHH Synopsys International, Công ty TNHH Công nghệ Marvell, Makara Capital Partners…
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngành công nghiệp chíp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Trong 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có những bước phát triển vượt bậc, dự báo mang lại doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam trong bối cảnh tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch COVID-19 đã và đang có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị này
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao và kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao thông thuận lợi, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Những lợi thế này đã tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng theo ông Chinh, từ cuối năm 2023 đến nay, Đà Nẵng đã nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán, bước đầu đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước và thế giới. Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng; Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư 135 triệu USD vào Đà Nẵng và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã được định hình, việc tham gia vào chuỗi giá trị này sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Đặt mục tiêu “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư, Đà Nẵng mong chờ những đóng góp quý báu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn, từ đó thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng với cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, tạo cơ hội đầu tư nhanh và hiệu quả cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024” lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam, đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình phát triển của TP Đà Nẵng và kỳ vọng sẽ được tổ chức thường niên”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Chia sẻ về định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn trên địa bàn TP.
Đà Nẵng đặt mục tiêu tới 2030 phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1- 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã có những trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP, hướng đến xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - Trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam.
Sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” bao gồm 02 phiên chính: Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn vào buổi sáng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn vào buổi chiều cùng ngày.
Tại phiên buổi sáng Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã có những trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có.
Cũng trong phiên buổi sáng, các hoạt động trao Thỏa thuận hợp tác ba bên và Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng đã được ký kết. Cụ thể, ký kết hợp tác giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Công ty CP Tập đoàn Sovico; ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam; ký kết giữa Sở TT&TT TP Đà Nẵng và Công ty TNHH FPT IS; trao Thoả thuận hợp tác giữa Sở KH&CN TP Đà Nẵng với Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng.
Tại Tọa đàm phiên buổi chiều Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, các đại biểu trao đổi, thảo luận về về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực của các chương trình đào tạo hiện hành, và để cùng thảo luận, đề xuất các định hướng phối hợp ba nhà Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong kết nối cung cầu nhân lực và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đạt tiêu chuẩn tại TP Đà Nẵng.