Đà Nẵng: Danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

VietTimes -- Sáng 20/1, tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Đại diện Bộ VH-TT và DL đã trao cho UBND TP Đà Nẵng Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được Chính Phủ công nhận.
Đại diện Bộ VH-TT và DL trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho UBND TP Đà Nẵng
Đại diện Bộ VH-TT và DL trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho UBND TP Đà Nẵng

Buổi lễ được cử hành tại Khu vực ngọn Thủy Sơn, di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, số 81 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng với sự tham dự của Đại diện Bộ VH-TT và DL; Đại diện Cục Di sản; Thành ủy, HĐND, UBND và các Sở ban ngành, quận huyện TP Đà Nẵng.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Đông Nam TP Đà Nẵng, đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1980. Nhận thức được giá trị  quan trọng của di tích, đồng thời, nhằm để có cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý, bảo vệ di tích kết hợp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở địa phương, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp với UBND Ngũ Hành Sơn xây dựng hồ sơ khoa học báo cáo Bộ VHTT và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Danh thắng.

Sau khi xem xét hồ sơ, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. 

Một góc quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao
Một góc quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao

Đây được xem là sự kiện quan trọng, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, và là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng sau nhiều năm gìn giữ và tôn tạo.

Theo sử sách, Danh thắng Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.

Đối với người dân địa phương, Ngũ Hành Sơn còn có tên gọi là hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay - vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 05 ngón cắm xuống đất). 

Trong các thư tịch cổ, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện hơn 5 thế kỷ. Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”.

Cũng như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. 

Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong sương
Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong sương

Người Tây phương trong những chuyến vượt biển sang vào năm 1749 đã gọi nhóm núi này là “Montagne des Singes” tức núi Khỉ (vì trước kia có nhiều khỉ ở). Vào năm 1845 họ gọi đây là “Rochers de Faifo” (Núi Faifo) và sau cùng có tên gọi “Motagne de Tourane” (Núi Đà Nẵng) hoặc “Montagne de Narbe” (Núi Cẩm Thạch).

Ngoài ra, từng ngọn núi trong cụm núi Ngũ Hành Sơn cũng có những cái tên dân dã rất riêng như ngọn Thủy Sơn ở hướng Đông Bắc được gọi là núi Chùa hoặc núi Tam Thai; ngọn Mộc Sơn ở hướng Đông được gọi là núi Mồng Gà; ngọn Thổ Sơn ở hướng Tây Bắc được gọi là núi Đá Chồng; ngọn Kim Sơn ở hướng Tây được gọi là núi Đùng và ngọn Hỏa Sơn ở hướng Tây Nam được gọi là núi Ông Chài.

Bên cạnh những thư tịch cổ, Danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có truyền thuyết dân gian được người dân Đà Nẵng lưu truyền đến ngày hôm nay với 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn là 5 mảnh vỡ của quả trứng Rồng hóa thành cũng những chi tiết liên quan đến truyền thuyết con Giao long và thần Kim Quy.

Đại diện Bộ VH-TT và DL cùng lãnh đạo địa phương thực hiện nghi lễ cắm mốc di tích
Đại diện Bộ VH-TT và DL cùng lãnh đạo địa phương thực hiện nghi lễ cắm mốc di tích

Đặc biệt, Danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn liền với bề dày văn hóa lịch sử, tâm linh của Xứ Đàng Trong, Vương quốc Champa xưa, các vương triều Nhà Nguyễn, dấu tích giao thương quốc tế của “Con đường tơ lụa quốc tế trên biển”,… cùng những di chỉ khảo cổ quý độc bản, di tích lịch sử kháng chiến qua nhiều thời kỳ.

Bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử, Danh thắng Ngũ Hành Sơn còn chứa đựng nhiều giá trị khác về khoa học khi sở hữu nhiều kiến tạo hang động đẹp như: động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm... và các chủng loại địa chất khác biệt.