Đà Nẵng chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, để thu hút giới siêu giàu, nhằm khai thác hết tiềm năng của một thành phố biển xinh đẹp và hiếu khách, một đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống, đáng đến. Nhưng, trước hết, TP cần nhìn nhận đúng về những mạnh - yếu của mình, để từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm bứt phá, phát triển du lịch bền vững. Với quan điểm đó, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với một trong những chuyên gia du lịch hàng đầu là ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng.
Tốc độ phục hồi du lịch hàng đầu thế giới
- Sau thời gian ngắn mở cửa du lịch trở lại, đã có nhiều chuyển biến tích cực với Đà Nẵng, nhất là tần suất đường bay đến và đi Đà Nẵng tăng khá nhanh, cho thấy du lịch Đà Nẵng đang dần trở lại. Ông nghĩ thế nào trước những tín hiệu này?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Việt Nam một trong những nước đứng đầu thế giới về hồi phục du lịch và hàng không sau đại dịch COVID-19, trong đó, du lịch nội địa hồi phục nhanh nhất.
Tuyến đường du lịch 5 sao Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp nối bán đảo Sơn Trà đến phố cổ Hội An đã rực sáng đèn hàng đêm, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng kín phòng vào dịp cuối tuần và các đoàn khách MICE vào giữa tuần, đã cho thấy sức sống trở lại của du lịch của Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến du lịch có mức hồi phục nhanh nhất, nhờ lợi thế tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa.
Cùng với các hãng hàng không dồn dập bay thẳng từ các điểm đến quốc tế tới Đà Nẵng trong quý II/2022 trở đi, thì Đà Nẵng kỳ vọng sự khôi phục trở về mức 2019 vào đầu năm 2023 là hết sức khả thi.
Đà Nẵng liên tiếp đón nhận các đường bay quốc tế trở lại TP |
Bên cạnh đó, các đường bay thẳng từ Ấn Độ - thị trường đông thứ 2 thế giới sẽ khởi động từ quý IV/2022, cũng như thị trường như Thái Lan và các nước Đông Nam Á cũng đang mở cửa vào, là tín hiệu tốt cho du lịch Đà Nẵng sẽ quay trở lại phong độ của năm 2019 vào đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh hiện là Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng.
Ông Quỳnh còn là Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An, đơn vị quản lý vận hành Khu nghỉ dưỡng Furama Resort, Furama Villas, Cung hội nghị quốc tế Ariyana và là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Long, kiêm Giám đốc khối khách sạn nghỉ dưỡng - Trung tâm thương mại.
- Có một sự chuyển biến mới đối với du lịch Đà Nẵng giai đoạn hậu COVID-19 là địa phương xác định sản phẩm du lịch cao cấp, hướng đến thị trường du lịch có mức chi tiêu cao. Quan điểm của ông như thế nào về định hướng này?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Một điều du lịch Đà Nẵng không nên quên, đó là hơn nửa số phòng ở Đà Nẵng là khách sạn 3 sao trở xuống, nên việc định hướng tập trung vào thị trường du lịch có mức chi tiêu cao cũng cần phải hài hòa với yếu tố này.
Những năm qua, Đà nẵng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đón lượng khách du lịch tới chủ yếu từ 2 Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi thị trường Hàn Quốc có thể chịu được những mức giá cao, thì mức chi trả của thị trường Trung Quốc chỉ giao động ở tầm giá 4 sao.
Ngoài thị trường du lịch giá cao ( khách tới từ châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản), mức chi trả của các thị trường còn lại cũng không dồi dào. Tôi nghĩ chúng ta cần kết hợp hài hòa giữa việc thu hút thị trường du lịch có mức chi tiêu cao, với việc duy trì lượng khách tới từ các thị trường khác, để phù hợp với nguồn cung dồi dào về khách sạn 3 sao trở xuống tại Đà Nẵng.
Chúng ta còn nhớ năm 2019, số lượng khách Thái Lan sang Đà Nẵng du lịch là 213.549 lượt người, tăng hơn 3 lần so với 2018, với tần suất chuyến bay là 56 chuyến/tuần. Ngay sau khi Việt Nam mở cửa ra thị trường quốc tế từ ngày 15/3/2022, Thai Vietjet là hãng hàng không đầu tiên bay thẳng Bangkok và Đà Nẵng vào ngày 27/3. Hiện tại hãng này đang bay 2 chuyến/ngày và sẽ tăng lên 3 chuyến/ngày vào 3/8 tới.
Một góc lễ hội đường phố Đà Nẵng |
Một hãng bay nữa đó là Air Asia cũng khởi động lại chuyến bay Bangkok - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày. Tháng 9/2022 Hãng hàng không Bangkok Airways cũng khởi động lại chuyến bay theo tuyến này và Thai Vietjet cũng đang cân nhắc mở đường bay Phuket - Đà Nẵng trong thời gian tới.
Với những gì đang diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng thị trường này sẽ nhanh chóng khôi phục lại và tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần tạo nên doanh thu tốt cho các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các cơ sở lưu trú 3-4 sao tại Đà Nẵng.
Du lịch chất lượng cao không chỉ là sản phẩm đắt tiền
- Để đi theo hướng du lịch chất lượng cao, theo ông, Đà Nẵng cần làm gì cả về sản phẩm lẫn xúc tiến, định hướng thị trường khách?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Với những hoạt động và chiến lược TP Đà Nẵng đang triển khai cho thấy, TP đã và đang hướng tới thị trường du lịch chất lượng cao rồi. Nó bao gồm nghỉ dưỡng biển, thể thao giải trí, và MICE - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác.
- Với cách làm như hiện tại, liệu Đà Nẵng có thể thực hiện được định hướng du lịch chất lượng cao? Đà Nẵng đã và đang đối mặt với những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Du lịch Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương, đó là chi tiêu của khách.
Chúng ta còn thiếu những mô hình ẩm thực cao cấp, khu mua sắm hàng hiệu, cũng như các sản phẩm địa phương và mô hình phối hợp với ngành vận tải, để khai thác nhu cầu mua các sản phẩm giá trị lớn, khối lượng lớn, đến vận chuyển về nước.
Định hướng chất lượng cao của du lịch Đà Nẵng không chỉ là những sản phẩm đắt tiền, mà là những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng, khác biệt với những địa danh du lịch khác tại Việt Nam.
Bãi biển Đà Nẵng và hệ thống khách sạn đã hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19 |
Tận dụng thế mạnh của khu bảo tồn sinh quyển, thế mạnh của các làng nghề, khu giải trí trên sông, trên biển mà Đà Nẵng chưa khai thác, làm phong phú hóa các dịch vụ này, là một hướng đi khác biệt.
- Ông nghĩ sao trước quan điểm Đà Nẵng cần đầu tư xây dựng hệ sinh thái du lịch dành cho đối tượng giàu có, siêu giàu đang nhận được sự quan tâm nhiều chiều của dư luận?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Trước hết cần phải lưu ý rằng, những TP mà người giàu có chọn làm điểm đến đều là nơi có sức hút lớn với khách du lịch và thu hút đầu tư. Việc đầu tư xây dựng hệ sinh thái du lịch dành cho đối tượng này có thể kể đến là hoạt động đầu tư nâng cao cơ sở vật chất và cơ sở dịch vụ, như nhà hàng quán bar sang trọng và độc đáo; dịch vụ du lịch hạng sang như du thuyền; kết nối các đường bay phục vụ nhu cầu di chuyển riêng của giới siêu giàu.
Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh TP cũng cần được quan tâm. Ví dụ như thu hút những ngôi sao, người nổi tiếng lựa chọn Đà Nẵng để sinh sống, hay phối hợp với những dự án phim để đưa hình ảnh TP vào phim.
- Là 1 chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, ông hiến kế gì cho Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Hiện nay, Đà Nẵng đã có sản phẩm du lịch chất lượng cao, nên việc đầu tiên chúng ta cần làm là củng cố để chuẩn hóa và nâng tầm công nghệ tổ chức sự kiện MICE. Tiếp đó là chiêu mộ nhân tài từ các đầu cầu TP.HCM, Hà Nội, để tạo sức bật cho du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tiếp tục phát triển Đà Nẵng thành điểm đến và đáng sống không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới.
Du lịch văn minh cần được chú trọng, như tuyên truyền cho người dân ý thức làm du lịch văn minh, không trộm cắp, móc túi, không ăn xin, chèo kéo khách, không hát karaoke dạo và chính quyền có sự hỗ trợ khách du lịch khi cần thiết.
Cầu Rồng, một trong những điểm checkin ở TP Đà Nẵng |
Tiếp đó là đa dạng hóa những sản phẩm du lịch trên biển và phát triển du lịch gắn với núi, sông, rừng, ngay tại Đà Nẵng, là những gì mà TP cần làm để khẳng định sản phẩm du lịch của mình.
-Xin cảm ơn ông vì đã chia sẻ!