Đã đến lúc “đánh thuế” các công ty sử dụng dữ liệu cá nhân của chúng ta

Thông tin cá nhân của chúng ta là thứ rất có giá trị, và các công ty đang "kiếm bộn tiền" từ chúng – mà không phải đóng một đồng thuế nào.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo New York Times, dữ liệu của chúng ta rất có giá trị, nhiều hơn bạn tưởng rất nhiều. Hàng  năm, chúng tạo ra hàng trăm tỷ USD từ các hoạt động kinh tế, chủ yếu là giữa các tập đoàn với nhau – tất cả đều dựa trên thông tin về mỗi chúng ta.

Giao dịch này – giữa bạn, người dùng, cho đi thông tin của bản thân cho một công ty để đổi lấy một sản phẩm như ứng dụng chỉnh sửa ảnh hay email, hoặc toàn bộ hệ sinh thái như Facebook – đáng giá khoảng 1000 USD/người/năm, và con số này đang tăng một cách nhanh chóng. Giá trị của thông tin cá nhân của chúng ta chủ yếu bị "khóa chặt" trong doanh thu của các tập đoàn lớn. Một số khác, như môi giới dữ liệu, chỉ tồn tại để mua và bán các bộ dữ liệu đó.

Tại sao các công ty lại là những người chính, và thường là những người duy nhất, được hưởng lợi? Số tiền đó cần phải được chia sẻ, và cách tốt nhất để thực hiện nó là áp đặt một khoản thuế nhỏ lên khoản doanh thu này và sử dụng số tiền thu được để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn, một thứ sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Thuế dữ liệu có thể sẽ chỉ là một khoản rất nhỏ, ít hơn 1% doanh thu có được từ việc bán dữ liệu cá nhân của chúng ta, trải rộng ra toàn bộ ngành công nghiệp. Lợi nhuận của công ty sẽ không bị ảnh hưởng một cách đáng kể, và nhìn chung, khoản thuế sẽ kéo tiền về cho công chúng, từ một ngành công nghiệp đang kiếm lời từ các vật liệu và nguồn lao động mà trên lý thuyết là của chúng ta.

Ý tưởng này không phải là mới. Về cơ bản, đây là thuế doanh thu, bên cạnh những loại thuế lâu đời nhất đang tồn tại, nhưng nó vẫn chưa được thực hiện vì việc ấn định một giá trị cố định cho dữ liệu của chúng ta là rất khó khăn. Đối với rất nhiều doanh nghiệp internet, dữ liệu cá nhân của chúng ta hoặc là "trôi qua" hệ thống kinh doanh, hoặc là bị mắc kẹt luôn ở bên trong.

Loại "trôi qua" sẽ là các nhà cung cấp internet, như AT&T, Comcast và Verizon; loại còn lại sẽ là những nhà cung cấp nền tảng, như Facebook hoặc Twitter. Google chủ yếu tạo ra các nền tảng, như bộ máy tìm kiếm hay Gmail, nhưng họ cũng cung cấp dịch vụ cáp quang, internet đô thị. Ngoài ra họ cũng đang là những nhà tiên phong trong công nghệ xe tự lái.

Có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu như bạn coi dữ liệu của mình là một thứ gì đó có thật, cảm nhận được, như một chiếc ô tô vậy. Nó di chuyển xung quanh một cơ sở hạ tầng, do các nhà cung cấp dịch vụ internet sở hữu và điều hành, và thông tin cũng được lưu trữ trên hàng triệu ổ cứng nằm trong các tòa nhà khổng lồ. Chúng được sở hữu và vận hành bởi các nhà sản xuất nền tảng, bao gồm cả Amazon, công ty có một nguồn sinh lời mà chẳng cần làm gì cả, ngoại trừ việc cho thuê không gian máy chủ của mình.

Trung tâm dữ liệu của Google tại Oklahoma

Khi bạn dùng internet, thông tin của bạn sẽ đi qua những con đường của các nhà cung cấp dịch vụ, ra vào các máy chủ của các nhà sản xuất nền tảng (giống như bãi đỗ xe). Phần lớn, các nhà sản xuất nền tảng dựa vào dữ liệu của bạn để cải tiến sản phẩm của họ. Google sử dụng rất nhiều những tìm kiếm thực tế của con người để tạo ra trí thông minh nhân tạo tốt hơn như dịch thuật và xe tự lái.

Những mảng kinh doanh mới và sáng tạo này chính xác đáng giá bao nhiêu, đến Google cũng khó có thể nắm rõ. Nhưng họ, và tất cả các nhà sản xuất nền tảng khác, không chỉ cải tiến sản phẩm với dữ liệu của chúng ta. Họ sẽ mời các nhà quảng cáo tham gia vào nền tảng, đưa ra đề nghị cung cấp quảng cáo cho đúng loại người, đúng lúc, dựa trên kiến thức mà họ biết về chúng ta, thông qua dữ liệu thu thập được. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng không ngoại lệ: chúng ta phải trả một khoản phí hàng tháng để sử dụng những con đường mà họ đã cung cấp và bảo dưỡng, nhưng họ cũng bán dữ liệu của chúng ta cho các nhà môi giới, và chúng cũng sẽ được đưa tới các nhà quảng cáo.

Chính ngành môi giới dữ liệu này nên là trọng tâm của việc đánh thuế dữ liệu. Ngành này tồn tại chỉ với một mục tiêu duy nhất là thu thập thông tin của chúng ta và bán nó như một mặt hàng cho các nhà bán lẻ, quảng cáo và tiếp thị, thậm chí là với cả các công ty môi giới khác và các cơ quan chính phủ. Đây mới chính là thị trường mua bán giá trị tiền tệ thực tế của dữ liệu, và từ đây chúng ta có thể bắt đầu thống kê số dữ liệu đó đáng giá bao nhiêu.

Ngành công nghiệp môi giới dữ liệu tạo ra hơn 150 tỷ USD doanh thu mỗi năm, nhưng con số này đang tăng quá nhanh, và dự kiến sẽ lên tới 250 tỷ USD trong năm 2018. Một khoản thuế nhỏ, ví dụ như 0,8%, lên các nhà môi giới tại Mỹ cũng sẽ mang lại khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Những khoản thuế như thế này đã từng được ban hành thành công trước đây. Trong thập kỷ qua, chính phủ của 10 quốc gia, bao gồm Chile, Pháp và Niger, đã thành công trong việc huy động hơn 1 tỷ Euro từ tiền thuế vé máy bay, 1 Euro (26.700 đồng) đến 40 Euro (hơn 1 triệu đồng) tùy thuộc vào loại vé.

Số tiền thu về đã được sử dụng cho các chương trình xóa bỏ HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét. Tại Áo, chính phủ quốc gia này đang cân nhắc việc áp đặt thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các giao dịch big data của các công ty truyền thông xã hội thu lợi từ dữ liệu cá nhân, nhưng chính sách này đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn trong việc ấn định giá trị cố định cho các giao dịch như vậy.

Dữ liệu của chúng ta là của chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng không phải của chúng ta. Chúng ta đã đánh đổi nó cho rất nhiều trải nghiệm trên mạng internet. Tiền từ thuế dữ liệu sẽ có thể bắt đầu chống lại sự mất cân bằng thương mại này.

Số tiền thuế sẽ được dùng để cải thiện sự riêng tư của chúng ta trên internet, chống tội phạm công nghệ cao, cải thiện chất lượng và độ phủ sóng trên toàn cầu, tất cả những thứ có thể giúp tạo ra một thế giới công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2326741/da-den-luc-danh-thue-cac-cong-ty-su-dung-du-lieu-ca-nhan-cua-chung-ta