Mười bộ, ngành hiện đã kết nối với hệ thống một cửa quốc gia gồm Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, và Quốc phòng.
Dự án Cơ chế kết nối một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan chủ trì, tập đoàn viễn thông quân đội Viettel là đơn vị thực hiện. Dự án được triển khai thí điểm từ tháng 11-2014, đến nay đã có 31 thủ tục được kết nối, giải quyết được trên 90.000 bộ hồ sơ và 6.000 doanh nghiệp tham gia.
Cơ chế một cửa quốc gia là một hệ thống tích hợp, gồm cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia, hệ thống thông quan của cơ quan hải quan, các hệ thống cấp phép của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải...
Được biết, bên cạnh cam kết hội nhập khu vực, xuất phát từ nhu cầu về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã xác định cần cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập. Việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia được coi như là một công cụ chính của các cơ quan Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế cũng như sớm kết nối cơ chế một cửa ASEAN.
Tháng 11-2014, dự án Cơ chế kết nối một cửa quốc gia bắt đầu được triển khai thí điểm với ba thủ tục hàng hải gồm nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh của Bộ Giao thông Vận tải. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 11 năm nay và hoàn tất dự án trong năm 2019. Lợi ích của dự án là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp.
Trước đây, khi một tàu nhập hay xuất cảnh, doanh nghiệp sẽ phải mang hồ sơ đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau như Hải quan; Biên phòng, Cảng vụ, Cơ quan Kiểm dịch y tế, Cơ quan Kiểm dịch động, thực vật... Mỗi lần các cơ quan quản lý yêu cầu sửa đổi, doanh nghiệp phải in hồ sơ ra làm nhiều bộ gửi lại cho các đơn vị này.
Còn hiện nay, cơ chế một cửa quốc gia cho phép doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ đến một đầu mối duy nhất là cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ: https://vnsw.gov.vn. Sau đó, thông tin sẽ được chia sẻ đến các cơ quan liên quan để giải quyết. Khi có kết quả, các cơ quan sẽ chuyển thông tin lại cổng thông tin một cửa quốc gia để phản hồi cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí chuẩn bị hồ sơ (do được thực hiện qua phương thức điện tử), giảm thời gian đi lại, thời gian thông quan và giảm chi phí.
Bên cạnh đó, việc kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia với cổng thông tin của các nước ASEAN để trao đổi xuất xứ hàng hóa (C/O) có ý nghĩa rất quan trọng. Trước đây, khi cần xác minh C/O cho những trường hợp cụ thể, cơ quan Hải quan phải mất đến 2 - 3 tháng mới nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng của quốc gia cần xác minh. Sau khi kết nối cơ chế một cửa ASEAN, thông tin sẽ được trao đổi gần như tức thời. Kết quả đó mang lại nhiều thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời góp phần giúp các nước nâng cao hiệu quả quản lý thông qua chống gian lận về xuất xứ...
Theo TBKTSG