Đó là một nội dung trong Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 mới được Chính phủ ban hành.
Theo đó, về việc thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), Chính phủ yêu cầu phải cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.
Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Chính phủ giao Bộ TT&TT làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử. Với vai trò của bộ đầu mối, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về Chính phủ điện tử; tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số; đồng thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách, cơ chế, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số về Chính phủ điện tử.
Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì và tất cả các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm của 2 nhóm chỉ số thành phần là Dịch vụ công trực tuyến; và Hạ tầng viễn thông (Tỉ lệ người dùng Internet; Số thuê bao điện thoại cố định trên 100 dân; Số thuê bao điện thoại di động trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng cố định trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng không dây trên 100 dân).
Mục tiêu của giai đoạn tới là cải thiện điểm số của 2 nhóm chỉ số Hạ tầng viễn thông và Dịch vụ công trực tuyến từ mức điểm 0,37145 và 0,57246 hiện tại lên lần lượt đạt 0,41 và 0,65 điểm vào năm 2020.
Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm của nhóm chỉ số Nguồn nhân lực (Tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết; Tỷ lệ nhập học ở cấp phổ thông; Tổng số năm học phổ thông của một học sinh; Số năm học trung bình của một người khi đến tuổi trưởng thành) từ mức điểm 0,59888 hiện tại lên 0,69 điểm vào năm 2020.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, viễn thông. Hàng quý, hàng năm, Bộ TT&TT có trách nhiệm xây dựng Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm.