Cuộc sống mới cho các thiết bị cũ

Tái sử dụng thay vì vứt đi! Chắc hẳn ai cũng có nhiều thiết bị cũ không dùng tới, như máy tính, điện thoại… nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Hãy chuyển đổi chúng cho mục đích mới.
Cuộc sống mới cho các thiết bị cũ
Cuộc sống mới cho các thiết bị cũ

Tính năng mới, phần cứng mạnh hơn, giá thấp hơn đã khiến nhiều người dùng "lên đời" sản phẩm công nghệ của mình. Do vậy, đó là lý do mà đồ cũ tích lũy trong nhà càng ngày càng nhiều mà chúng ta chưa biết xử lý chúng thế nào. Những biện pháp trong bài sẽ giúp bạn mang lại luồng gió mới cho thiết bị cũ, không tốn nhiều thời gian hay tiền bạc. Bạn hãy xem có thể ứng dụng được gì thay vì cứ "bán ve chai" những món đồ cũ.

Máy tính và thiết bị ngoại vi

1. Tiếp tục sử dụng ổ DVD
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 500.000 đồng.

Những chiếc Ultrabook siêu mỏng, mini PC hay máy tính tất cả trong một thường không có ổ đĩa quang, vì chúng thiếu không gian dành cho nó. Nếu bạn muốn đọc hay ghi đĩa DVD, bạn cần phải sắm một ổ đĩa quang gắn ngoài, qua ngõ USB. Một cách rất tiết kiệm là sử dụng đầu ghi DVD cũ từ máy để bàn hoặc laptop. Đa phần các ổ quang nhỏ gọn đều lấy nguồn điện từ mạch USB, còn những ổ quang kích thước đầy đủ mới cần nguồn điện bổ sung. Ngoài ra, thị trường có bán những chiếc hộp chuyên đựng ổ quang cho ổ quang gắn ngoài như RaidSonic Icy Box.

Tái sử dụng ổ DVD
Tái sử dụng ổ DVD

2. Biến router thành bộ khuếch đại repeater
Công sức: trung bình; chi phí: 0

Một router Wi-Fi cũ có thể dùng làm bộ repeater trong nhà của bạn, tối ưu tầm phủ sóng Wi-Fi.

• Đầu tiên, bạn vào giao diện quản trị của thiết bị trên web (ví dụ ở địa chỉ nội bộ: 192.168.1.10) qua trình duyệt. Bạn kiểm tra phiên bản phần mềm trong mục "System" và có thể tải cập nhật firmware về nếu có.

• Tiếp theo, kiểm tra trong mục "WLAN" xem có chức năng Repeater hay không. Nếu có, bạn kích hoạt tính năng này lên (còn không, router của bạn không hỗ trợ repeater).

• Đến đây, bạn kết nối router cũ này với máy tính qua cáp LAN, tắt kết nối Wi-Fi của nó đi và cập nhật firmware nếu cần.

• Sau khi cập nhật firmware, bạn vào lại mục WLAN, Repeater và chọn mạng gia đình trong danh sách Wi-Fi SSID, nhập mật khẩu Wi-Fi gia đình của bạn vào và nhấn Apply. Chiếc router cũ của bạn hiện đang là repeater.

3. Biến màn hình thành máy tính
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 1 – 3 triệu đồng

Bạn có một chiếc màn hình mà không dùng nữa? Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, bạn có thể biến nó thành chiếc máy tính hoàn chỉnh. Để làm vậy, bạn sẽ cần mua một mini PC giống như Compute Stick của Intel (khoảng 3 triệu đồng), vì chiếc PC siêu nhỏ này không có màn hình, nhỏ cỡ chiếc USB mà bạn thường cất trong túi quần/áo. Intel Compute Stick chạy CPU Atom 4 nhân, RAM 2GB và Windows 10. Đơn giản bạn chỉ việc gắn nó qua ngõ HDMI của màn hình, còn bàn phím và chuột có thể kết nối qua ngõ USB hoặc Bluetooth. Nhưng một thiết bị thay thế khác rẻ hơn nhiều, đó là Raspberry Pi (khoảng 1 triệu đồng), nhưng bạn phải dùng với hệ điều hành Linux.

Máy tính Raspberry Pi
Máy tính Raspberry Pi

4. Biến PC thành trung tâm giải trí
Công sức: trung bình; chi phí: 0

Bạn có thể biến chiếc PC hay laptop không dùng thành một trung tâm đa phương tiện mạnh mẽ mà chỉ cần bỏ ra chút ít công sức hay chút tiền. Ở đây, bạn có hai chọn lựa: hoặc biến máy tính như là một hệ thống độc lập, có màn hình riêng, hoặc đặt nó gần TV và kết nối với các thiết bị khác qua ngõ HDMI. Phần mềm bạn cần ở đây là Kodi (https://kodi.tv), còn có tên khác trước đây là Xbox Media Center (XBMC).

Chương trình Xbox Media Center
Chương trình Xbox Media Center

• Cài đặt: Chương trình sẽ hướng dẫn từng bước cài đặt cho bạn. Đầu tiên, bạn cần biết và chọn được các thành phần của Kodi. Tốt nhất bạn nên chọn "Full" để cài đầy đủ.

• Những bước đầu tiên: Trong menu chính, bạn vào "Settings > Appearance", bạn có thể chọn ngôn ngữ, vùng miền và dạng bàn phím trong mục "International". Sau đó, Kodi sẽ cho bạn biết nơi sẽ lưu dữ liệu. Trong menu chính, bạn có thể chỉ đường dẫn cụ thể trong các mục phụ như "Pictures", "Videos" và "Music" bằng cách nhấn vào nút "Files".

Điện thoại thông minh và máy tính bảng
5. Sử dụng điện thoại làm thiết bị điều khiển từ xa

Công sức: ít; chi phí: 0

Samsung có đưa ra một tính năng đặc biệt dành cho Galaxy S4 và S4 mini, là giao tiếp hồng ngoại. Kết hợp với ứng dụng, WatchOn (hoặc về sau là Peel Smart Remote), Galaxy S4 trở thành một bộ điều khiển từ xa đa năng, mạnh mẽ. Những điện thoại cũ cũng có chức năng giao tiếp hồng ngoại gồm: HTC One, LG G2 và LG G Flex. Nếu bạn có những loại điện thoại này, hãy tận dụng chúng làm bộ điều khiển từ xa.

Sử dụng điện thoại làm thiết bị điều khiển từ xa
Sử dụng điện thoại làm thiết bị điều khiển từ xa

6. Sử dụng smartphone như một webcam
Công sức: trung bình; chi phí: 0

Việc theo dõi căn nhà trong lúc bạn đi vắng không còn là điều gì quá khó nữa, nhờ vào dòng camera giám sát với chức năng truy cập từ xa. Nhưng bạn không cần đến giải pháp đắt đỏ như vậy mà vẫn có thể làm được điều trên. Một điện thoại cũ cũng có thể làm camera giám sát. Điều duy nhất bạn cần ở đây là một ứng dụng phù hợp, vì có rất nhiều ứng dụng trên thị trường. Ví dụ như webcam IP miễn phí cho dòng thiết bị Android thực hiện như sau:

- Tìm và tải về một ứng dụng IP webcam từ Google Play Store và mở nó trên điện thoại. Trong mục "Video settings", đầu tiên bạn cần chọn độ phân giải và chất lượng cho hình ảnh. Tiếp theo, bạn có thể chọn giữa camera trước hoặc sau, cũng như chọn khung hình đứng hoặc nằm ngang. Bạn cũng có thể chỉnh về quản lý nguồn điện, bật micro của điện thoại và bật cảm biến nhận diện chuyển động và tiếng động của điện thoại. 

Sử dụng smartphone như một webcam
Sử dụng smartphone như một webcam

- Kế tiếp, trong mục "Local broadcasting", bạn có thể thiết lập tên và mật khẩu đăng nhập, cũng như thay đổi cổng truy xuất nếu muốn.

- Cuối cùng, tín hiệu bắt đầu truyền khi bạn nhấn "Start Server". Bây giờ, điện thoại sẽ hiển thị địa chỉ IP mà bạn có thể dùng để theo dõi căn nhà từ xa, qua trình duyệt và điều khiển camera.

7. Nâng cấp Airplay miễn phí
Công sức: trung bình; chi phí: 0

Công nghệ Airplay truyền tín hiệu âm thanh và hình ảnh không dây thông qua mạng gia đình, được tích hợp trên một vài thiết bị chạy iOS.

Điện thoại Android có thể dùng để làm bộ nhận tín hiệu Airplay
Điện thoại Android có thể dùng để làm bộ nhận tín hiệu Airplay

Thậm chí một điện thoại Android bỏ đi cũng có thể dùng để làm bộ nhận tín hiệu Airplay chỉ trong chớp mắt, để bạn có thể truyền nhạc từ các thiết bị tương thích khác. Từ đó, bạn có thể biến bất kỳ dàn âm thanh nào có thể phát nhạc qua Airplay, bằng cách kết nối điện thoại thông minh thông qua ngõ cắm 3,5mm hay ngõ AUX của dàn âm thanh. Bạn sẽ cần một ứng dụng tên là AirBubble để cài vào điện thoại nền Android. Ứng dụng này có sẵn bản demo miễn phí. Nếu thích, bạn có thể mua với giá 43.000 đồng. Nếu bạn muốn truyền nhạc thông qua iTunes hay một thiết bị iOS lên hệ thống loa, chỉ việc lấy điện thoại Android bỏ đi để làm điều này.

Điện thoại làm hotspot

Một điện thoại di động có thể sử dụng kết nối 3G hay LTE để phát Wi-Fi cho máy tính bảng hay máy tính xách tay. Nếu bạn thường phải đi đây đó và muốn có kết nối Internet cho các thiết bị của bạn thì chỉ cần chiếc điện thoại 3G là đủ. Đơn giản, bạn chỉ việc bật tính năng "Tethering", "Hotspot" hay "Internet permission" tuỳ từng điện thoại.

8. Điện thoại trong trường hợp khẩn cấp
Công sức: ít; chi phí:0

Nếu bạn muốn an toàn, hãy chuẩn bị một chiếc điện thoại không dây chỉ để dùng trong trường hợp khẩn, phòng khi điện thoại bạn thường dùng hết pin hay bị hư trong lúc đêm hôm. Điều lo ngại duy nhất đối với chiếc điện thoại khẩn này là đảm bảo pin dành cho nó. Bởi vì pin cũ không những càng dùng càng bị "chai" mà cũng bị rò điện nếu không dùng. Có một mẹo là bạn sạc pin khoảng 80%, lấy pin ra khỏi điện thoại, bỏ pin vào tủ lạnh. Ở nhiệt độ từ 4-10o C thì pin bị rò điện rất ít. Bạn cũng có thể dùng cách này để trữ các loại pin mà bạn ít khi dùng đến, như pin cho máy ảnh, thậm chí các loại pin AA hay AAA cũng được.

Âm thanh, hình ảnh, video
9. Biến tai nghe thành nút chụp hình
Công sức: ít; chi phí: 0

Phần lớn tai nghe dạng in-ear (nhét vào lỗ tai) bán kèm với điện thoại thông minh, chỉ có điều chất lượng âm thanh của nó chưa thật sự xuất sắc đối với những ai quan tâm đến chất lượng. Do vậy, người dùng thường thích có một chiếc tai nghe "xịn" để nghe nhạc, thay cho tai nghe bán kèm đó. Nhưng vứt bỏ nó qua một bên không phải là ý hay, vì bạn có thể tận dụng để làm nút bấm chụp hình. Đây là tính năng thú vị dành cho những ai thích chụp selfie (tự sướng) vì nó giúp cho bạn giữ yên được máy khi chụp. Apple đã chỉnh sửa lại hệ điều hành từ iOS 5 trở lên như là nhấn nút "+" trên tai nghe để làm nút chụp cho iPad và iPhone. Điện thoại chạy Windows Mobile của Nokia và Microsoft cũng có tính năng này. Với thiết bị Android, tính năng này cũng có thể có tuỳ từng nhà sản xuất.

10. Hi-Fi qua Bluetooth
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 550.000 đồng

Một hệ thống âm thanh Hi-Fi với cặp loa "khủng" và ampli mạnh thường cho âm thanh rất ấn tượng, cho dù đã qua nhiều năm sử dụng. Tuy vậy, linh kiện trong những sản phẩm mới nhất bao giờ cũng tốt hơn, nhất là xét trong lĩnh vực điện tử. Nhưng ít ra, bạn cũng có thể có được tính năng truyền âm nhạc qua Bluetooth nhanh chóng mà không tốn nhiều tiền với mớ thiết bị cũ. Một adaptor Bluetooth có giá từ 500.000 đồng sẽ giúp bạn làm được điều này. Những thiết bị này thường có adaptor nguồn điện riêng, cho bạn gắn vào với ngõ vào âm thanh 3,5mm phổ biến của dàn âm thanh. Bạn chỉ việc "pair" nó với thiết bị phát nhạc có khả năng hỗ trợ Bluetooth, như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay PC, và thế là xong! Ví dụ, Philips AEA2700/12 có thể kết nối thông qua một jack cắm 3,5mm hoặc một kết nối số (ngõ quang hoặc đồng trục), có hỗ trợ cả giao tiếp NFC và nhiều giao tiếp khác.

Kết nối âm thanh qua Bluetooth
Kết nối âm thanh qua Bluetooth

11. Tái dùng chức năng Smart TV
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 1,1 triệu đồng

Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục dùng chiếc TV Full HD cũ chỉ vì những tính năng TV thông minh của nó, thì có lẽ điều này sẽ thôi thúc bạn hơn: bạn có thể bổ sung tính năng khác vào TV rất dễ dàng, bằng cách dùng một thiết bị media khác có kết nối Wi-Fi. Ví dụ như Chromecast của Google (thiết bị truyền video không dây lên màn hình), kết nối với TV qua ngõ HDMI và cần thêm một nguồn điện, giao diện trên smart TV nhà bạn có thêm cả thư viện media mới, các dịch vụ xem streaming..., mọi thứ đều có thể điều khiển qua bộ điều khiển từ xa đi kèm. Thiết bị này cũng đóng vai trò như một cây cầu nối giữa TV và thiết bị di động, vì nó có thể chuyển bất kỳ nội dung nào từ máy tính bảng hay điện thoại thông minh lên màn hình lớn.

Sử dụng dụng chức năng Smart TV
Sử dụng dụng chức năng Smart TV

12. Dùng lại máy nghe nhạc cổ
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 750.000 đồng 

Bạn vẫn còn một đầu ghi/đọc băng từ và mấy đĩa than LP cùng đầu phono nhưng lại không có bản số hóa để nghe lại chúng, và  hệ thống âm thanh hiện đại của bạn không có đầu vào phono. Vậy thì bạn chỉ cần một ampli phono gắn ngoài để chuyển đổi tín hiệu phono thành tín hiệu khác để có thể kết nối với bất kỳ hệ thống Hi-Fi nào trong nhà. Bạn có thể tìm mua loại thiết bị chuyển đổi này tại các cửa hàng âm thanh, chẳng hạn một tuỳ chọn "ngon, bổ, rẻ" là Hama PA 506, có vỏ bằng kim loại rất tuyệt.

Những linh kiện PC mà bạn nên giữ lại

• Ổ cứng: bạn lúc nào cũng cần lưu trữ thứ gì đó. Nên ổ cứng gắn trong có thể tái sử dụng thành ổ cứng gắn ngoài.
• Bộ nhớ: RAM có thể dễ dàng lấy ra, chí ít bạn có thể dùng về sau.
• Card đồ hoạ: không bao giờ vất đi một card đồ hoạ rời, mà hãy xem nó như một thiết bị quan trọng.

13. Chụp ảnh macro tiết kiệm
Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 250.000 đồng

Giới nhiếp ảnh dùng ống kính macro để chụp vật thể nhỏ đẹp hơn, có hiệu ứng tốt hơn. Nhưng bạn cũng có thể chụp bằng cách phóng to vật thể mà không cần một thiết bị quang học chuyên dụng như len macro. Mọi thứ bạn cần là một adaptor retro hay một ngàm chuyển đầu cho ống kính trên máy ảnh ống kính rời SLR, với giá tầm 250.000 đồng. Bạn chỉ cần gắn adaptor vào ngàm gắn ống kính của máy ảnh, sau đó lắp ngược ống kính vào. Tiêu cự càng ngắn, tỉ lệ vị trí đảo càng lớn. Tuy vậy, khi chụp ở chế độ này, bạn sẽ không có được tính năng tự động lấy nét của ống kính. Để có được tính năng này, bạn phải thêm một bộ ngàm điện tử khác.

14 Tạo máy ảnh, máy quay 3D tại nhà
Công sức: nhiều; chi phí: khoảng 1,3 triệu đồng

Nhiếp ảnh gia có thể dùng công nghệ dựng ảnh nổi 3D bằng cách bỏ chút công sức. Nếu bạn đã có một máy ảnh cũ nhưng vẫn dùng được, bạn sẽ cần thêm một máy ảnh tương tự như vậy mới có thể thực hiện được. Vài cửa hàng bán máy ảnh cũ hay eBay cũng có thể là nơi tham khảo tốt. Bạn gắn cả hai máy ảnh/máy quay lên một đế chung, để hai ống kính cách nhau khoảng 6cm. Để đảm bảo cho thời gian chụp diễn ra đồng thời, bạn cần dùng một thiết bị chụp từ xa bằng hồng ngoại, để khi chụp, cả hai máy đều chụp cùng lúc. Nếu muốn chỉnh hình ảnh, bạn có thể dùng StereoPhoto Maker để tạo ảnh nổi.

Ổ cứng và bút nhớ
15. Ổ cứng gắn ngoài giá rẻ

Công sức: trung bình; chi phí: khoảng 200.000 đồng

Chúng ta đều thích dùng ổ cứng SSD và nếu bạn đã nâng cấp PC của mình lên ổ SSD thì ổ cứng HDD lại trở thành đồ cổ. Tại sao bạn không biến HDD cũ thành một ổ cứng gắn ngoài để lưu trữ? Để làm vậy, đơn giản bạn chỉ cần mua thêm một hộp dành cho ổ cứng gắn trong, có mạch điều khiển SATA. Trên thị trường hiện có nhiều loại hộp ổ cứng như vậy, tuỳ theo kích thước ổ cứng là 2,5" hay 3,5" của bạn. Loại hộp 3,5" cần có thêm adaptor cho nguồn điện, còn hộp ổ cứng cho ổ HDD nhỏ có thể lấy nguồn qua USB.

Chức năng mới trên ô tô cho điện thoại

Với một chiếc điện thoại phụ, bạn có thể mang nhiều tính năng hữu ích của điện thoại lên ô tô và biến nó thành thiết bị trợ giúp như GPS hay camera hành trình. Thị trường có bán những đế đa dụng, cho bạn gắn điện thoại chắc chắn trên kính chắn gió, có thể đặt đứng hoặc ngang.
• Định vị: các ứng dụng định vị như Google Maps chỉ hữu ích khi bạn phải liên tục kết nối 3G cho điện thoại. Còn điện thoại của Microsoft và Nokia có một ứng dụng mở rộng tên là Here, và có những ứng dụng định vị offline khác cho Android và iOS.
• Camera hành trình: luật sư hay công ty bảo hiểm vẫn còn tranh cãi liệu camera hành trình có thực sự mang tính pháp lý hay không. Nhưng nếu bạn đơn giản chỉ muốn ghi hình cho mục đích cá nhân thì có vô số ứng dụng thay thế camera hành trình, như DailyRoads Voyager (Android).

16. Lưu trữ USB nhớ thay cho mật khẩu
Công sức: ít; chi phí: 0

Có một cách sử dụng lưu trữ USB có dung lượng nhỏ rất thực tế, đó là biến nó thành chiếc chìa khoá cho máy tính, để bạn không cần phải gõ mật khẩu khi đăng nhập Windows. Để làm vậy, bạn cần một công cụ, như Rohos Logon Key. Một khi cài đặt phần mềm xong, bạn chọn lưu trữ USB cần làm khoá và cấu hình các chọn lựa bảo mật theo ý thích. Vậy là xong!

Theo PCWorldVN