Terry F. Buss
Terry F. Buss

Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ

Cuộc quyết đấu giữa Trump và ứng viên Dân chủ đã rõ ràng hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Vòng tranh luận thứ tư giữa các ứng cử viên chủ chốt của đảng Dân chủ ganh đua cho vị trí tổng thống cuối cùng cũng đã hé lộ rõ ràng hơn về diện mạo cuộc đấu giữa Tổng thống Donald Trump và những ứng viên này trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới. Tiến sĩ Terry F. Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ) viết riêng cho VietTimes.

Trong cuộc đua tam mã giành quyền đề cử của đảng Dân chủ để đối đầu với ông Trump vào năm tới, ông Joe Biden, nguyên Phó tổng thống thời Barack Obama bắt đầu trở nên lu mờ còn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người trung thành cả đời với quan điểm xã hội chủ nghĩa đang dần lép vế qua các vòng tranh luận. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã nổi lên như ứng cử viên hàng đầu.

Hai ứng viên hạng hai, ông Pete Buttigieg, Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, đang vươn lên thách thức bà Warren. Bảy ứng viên còn lại trong vòng tranh luận cho thấy họ thiếu nhiều tố chất để có thể đi xa hơn trong cuộc đua. Còn có bảy ứng viên khác không vượt qua được thử thách để tham gia vòng tranh biện.

Tầm nhìn của các ứng viên về nước Mỹ có thể chia ra thành ba xu hướng: ông Sanders và bà Warren đều theo đuổi chương trình nghị sự nhằm tái cấu trúc quốc gia thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa; ông Biden khước từ tầm nhìn toàn cầu, thay vào đó, ông cho rằng mình có thể đánh bại ông Trump. Các ứng viên còn lại thì cổ xúy cho những chính sách ôn hòa hoặc thiên tả kiểu truyền thống của Đảng Dân chủ.

Các ứng viên của Đảng Dân chủ trong vòng tranh luận thứ tư. Nguồn: ABC News.
 Các ứng viên của Đảng Dân chủ trong vòng tranh luận thứ tư. Nguồn: ABC News.

Tất cả các ứng viên đều thống nhất về mục tiêu luận tội ông Trump nhằm hất cẳng Tổng thống trước cuộc bầu cử tháng Mười một năm 2020 hoặc ít nhất là phá hỏng nhiệm kỳ thứ hai nếu ông này trúng cử. Mặc dù vậy, mỗi ứng viên đều có quan điểm khác nhau về việc ông Trump nên được đối xử công bằng hay cần bị loại bỏ bằng mọi giá.

Vấn đề chính sách quan trọng nhất là y tế, chủ đề mà các ứng viên hoặc đề xuất một hệ thống chăm sóc sức khỏe được nhà nước trợ cấp hoàn toàn, “Medicare for All” (tạm dịch là chăm sóc y tế cho tất cả), hoặc một hệ thống chăm sóc y tế kết hợp cả các lựa chọn bảo hiểm tư nhân và bảo hiểm do chính phủ trợ cấp.

Trong khi đó, Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia, vốn là địa hạt truyền thống của Đảng Dân chủ, lần này hầu như lại không được đề cập. Trong suốt ba giờ tranh luận, không một ai đề cập đến Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Châu Á - Thái Bình Dương, hay bất kỳ khu vực nào trên thế giới, trừ cuộc xâm lược Syria gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. An ninh Quốc gia thì hoàn toàn không được đề cập.

Cuộc đua tam mã: Warren, Biden và Sanders

Nhận thấy rằng bà Warren đang bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận, tất cả 11 ứng viên còn lại đều tấn công dữ dội vào các chính sách của bà, cáo buộc chúng đi ngược với những gì mà người dân Mỹ mong muốn cũng như vô cùng mơ hồ về cách thức chúng được trợ cấp vốn.

Bà Warren đã phải hứng chịu một số tổn thất từ những cuộc tấn công này. Theo một cách không thể giải thích được, bà đã không sẵn sàng nói rõ liệu kế hoạch chăm sóc y tế của bà có dẫn đến việc tăng thuế đánh lên tầng lớp lao động Mỹ không, trong khi thực tế sẽ là như vậy.

Ngược lại, ông Sanders, người có nghị trình chính sách khá tương đồng với bà Warren đã đứng lên chỉ rõ rằng chính sách của ông sẽ dẫn tới việc tăng thuế. Trong khi đó thì một vài ứng viên khác lại tỏ ra thận trọng khi nói về một vấn đề vốn không hấp dẫn cử tri như vậy.

Cựu phó tổng thống Joe Biden tranh luận với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Cựu phó tổng thống Joe Biden tranh luận với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Ông Biden tiếp tục nhấn mạnh vào bề dày kinh nghiệm và những đóng góp của ông dưới thời Obama. Ông hiện đang tranh cử dựa vào điều mà ông tự nhận rằng mình có “khả năng trúng cử” cao hơn Trump. Điểm mấu chốt để ông Biden kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho mình là họ nên tin ông vì bề dày thành tích đã được minh chứng. Một số ứng viên chỉ ra rằng ngay cả các chính sách của ông Biden dưới thời Obama cũng là những thất bại.

Tầm nhìn

Chiến dịch tranh cử của ông Sanders không giống như một cuộc chạy đua cho ghế Tổng thống. Thay vào đó, ông ta nhìn nhận bản thân như một nhà lãnh đạo của một “phong trào cách mạng” nhằm hạ bệ hệ thống hiện tại và thay thế bằng hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Ông Sanders cố gắng làm mềm những luận điểm của mình bằng cách lập luận rằng ông muốn học hỏi mô hình xã hội chủ nghĩa của Thụy Điển. Vấn đề của ông ta nằm ở chỗ Thụy Điển là một nhà nước tư bản phúc lợi, chứ không phải là một hệ thống xã hội chủ nghĩa; trong khi các chính sách của ông Sanders vượt xa bất kỳ một nhà nước phúc lợi châu Âu nào.

Bernie Sanders đã cố gắng phân tích nghị trình chính sách của mình khác hẳn chương trình nghị sự của bà Warren bằng cách tuyên bố rằng bà thượng nghị sĩ là một “nhà tư bản từ trong cốt tủy”, nhưng thực chất cả hai đều có cùng một quan điểm.

Luận điểm chung của cả ông Sanders và bà Warren là người giàu là những vật ký sinh làm giàu dựa trên sự bóc lột công nhân và những hành xử tham lam. Họ hình dung viễn cảnh đánh thuế để xóa sổ người giàu, bao gồm các công ty, và tạo ra một thiên đường của những người lao động, nơi cung cấp cho mọi người “mọi thứ miễn phí”. Cả hai, và cả những ứng viên khác nữa, còn kêu gọi bỏ tù những nhà quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, dầu khí, dược phẩm, nông sản và ngân hàng.

Trong cuộc tranh luận, ông Sanders tuyên bố rằng ông ta đã giành được sự ủng hộ từ Alexander Ocasio-Cortez, Ilhan Omar và Rashida Tlaib, ba thành viên “to còi” mới được bầu vào Quốc hội, những người kiên định đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là một thỏa thuận có tác động quan trọng vì cả ba nhân vật này đều có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.  

Ứng viên Sanders.
Ứng viên Sanders.

Trái ngược với quan điểm xã hội chủ nghĩa là quan điểm tìm kiếm trong chính hệ thống hiện tại các cách thức cải thiện từng bước thay vì phá hủy và xây dựng lại. Buttigieg và Klobuchar là những người theo chủ nghĩa hiện thực, những người đề cao tính hiệu quả thay vì theo đuổi những mục tiêu nghe to tát nhưng bất khả thi. Rõ ràng họ có sức hấp dẫn lớn hơn trong nhìn nhận của những cử tri Dân chủ ôn hòa.

Các ứng viên còn lại dường như không có một tầm nhìn nào đủ sức hấp dẫn cử tri hơn nhóm ứng viên tốp đầu. Chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Kamala Harris dùng thời gian phát biểu của mình để cổ xúy cho ý tưởng chính sách “xuất thần” của bà, rằng Twitter nên đình chỉ account Twitter của ông Trump vì Tổng thống cư xử quá tồi với các đối thủ chính trị của ông ta. Ông Trump hiện có 65 triệu người theo dõi.

Một Thượng nghị sĩ khác, Cory Booker, khi được hỏi về những chính sách của mình lại không ngừng yêu cầu các ứng viên hành xử tử tế với nhau. Ông này là một ứng viên dễ thương nên thường bị chỉ trích vì quá yếu đuối, không đủ sức đối đầu với một ông Trump đầy chất chua ngoa, đanh đá.

Và một ứng viên khác, Beto O’Rourke, ra tranh cử với hình ảnh một “người biện hộ” vì là một gã đàn ông da trắng giàu có. Chiến dịch của ông ta dựa trên cách thỏa mãn các “nhóm bản sắc” khác nhau rằng sự tồn tại của ông ta là một sự xúc phạm. Tên của ông ta là Robert nhưng ông lại dùng nick-name Beto, vì ông ta muốn có vẻ giống như một người La-tinh. Điều này có thể thật sao?

Cách duy nhất mà bà Warren, hay có lẽ ông Sanders có thể thắng, là nếu ông Trump mang tai tiếng lớn trong quá trình luận tội đến nỗi mà đại cử tri bỏ phiếu chống lại ông Trump, hơn là bỏ phiếu “cho” Warren hay Sanders. Viễn cảnh này thậm chí còn chia rẽ người Mỹ sâu sắc hơn nữa, những người bị buộc phải chọn chủ nghĩa xã hội chỉ bởi vì họ không thích Trump.

Một điều khá rõ ràng là không có một ứng viên Cộng hòa đáng giá nào đủ sức thách thức ông Trump.

Vấn đề luận tội Tổng thống

Mọi ứng viên khi được hỏi đều kêu gọi luận tội ông Trump, và hầu hết ứng viên tiếp tục nêu lên vấn đề luận tội tổng thống khi được hỏi về các chính sách của bản thân. Đây là một địa hạt đầy nguy hiểm cho những người Dân chủ.

Nhiều người Mỹ, thậm chí những người ủng hộ luận tội, đều tin rằng việc “truy sát” ông Trump hoàn toàn vì động cơ chính trị, chứ chẳng liên quan gì đến chuyện tham nhũng hay công lý cả. Những người Dân chủ hào hứng với sân khấu chính trị. Một số người Dân chủ khác thì chỉ muốn tập trung vào các vấn đề chính yếu.

Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump.

Kể từ tháng Mười một năm 2016 khi ông Trump trúng cử, những người Dân chủ đã liên tục kêu gọi luận tội Tổng thống. Nói cách khác, ngay trước khi ông Trump có cơ hội làm bất kỳ việc gì. Một ứng viên, Tom Steyer, vốn là một tỷ phú, đã tiêu tốn hàng triệu đô la trong suốt ba năm qua để dựng các bảng bill-board và tài trợ cho các nhóm biểu tình kêu gọi luận tội ông Trump. Luận tội Donald Trump và môi trường là hai khẩu hiệu được ông này giương cao trong cương lĩnh tranh cử.

Nếu những người Dân chủ dấn sâu vào con đường luận tội Tổng thống và thua cuộc, nhiều người sẽ cảm thấy Đảng Dân chủ đang tự hủy hoại mình. Những người khác tin rằng họ sẽ phá hủy nước Mỹ bởi vì họ đã tạo ra một tiền lệ cho bất kỳ tổng thống tương lai nào.

Chăm sóc y tế

Vấn đề chăm sóc sức khỏe nhiều khả năng sẽ là chủ đề cốt tử cho cuộc đua 2020 của cả hai đảng. Chăm sóc y tế là chủ đề chính trong cuộc tranh cử 2008 và 2012 mà Obama giành phần thắng cũng như trong chiến dịch 2016 mà Trump đã thắng.

Những người Cộng hòa đã dành 8 năm dưới thời Obama và 3 năm dưới thời Trump để nỗ lực thu hồi chương trình chăm sóc y tế của Obama. Họ đã gần như thành công, nhưng nhiều người Mỹ không vui vẻ gì về kết quả này. Đảng Cộng hòa vẫn chưa có được một chương trình chăm sóc y tế khả dĩ để thay thế cho Obamacare.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể xoay quanh vấn đề y tế nhưng có vẻ như cả hai đảng đều chưa có được một đề xuất chính sách được lòng cử tri.

Chính sách Đối ngoại

Theo truyền thống, những người Dân chủ thường tập trung hơn vào chính sách đối nội trong khi xem nhẹ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi đã đắc cử, họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng công việc của một tổng thống thường phải xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia nhiều hơn.

Trong cuộc tranh luận vừa rồi, tất cả các ứng viên đều chỉ trích Trump đã đột ngột rút quân đội Mỹ ra khỏi miền bắc Syria và đẩy đồng minh của Mỹ, người Kurd, vào tình thế phải chống chọi với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là những kẻ khủng bố. Người Kurd đang bị tàn sát và những chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị giam giữ nay được phóng thích để khủng bố khu vực một lần nữa. Mọi ứng viên đều than phiền rằng quyết định rút quân của Trump đã không được cân nhắc thấu đáo.

Một điều thú vị, là chính ông Obama cũng đã đưa ra quyết định rút quân khỏi Iraq, từ đó dẫn đến sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo, cái chết của nửa triệu dân thường ở Syria và hàng triệu người bị đẩy vào tình cảnh lưu vong sang châu Âu. Không một ứng viên nào và cả những người điều phối cuộc tranh luận sẵn sàng đề cập đến nghịch lý này.

Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard từ Hawaii đã bỏ lỡ một chiến thắng vang dội trong cuộc tranh luận. Gabbard chất vấn Warren tại sao bà này xứng đáng lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ trong khi bà chưa từng phục vụ trong quân đội.

Gabbard là ứng cử viên duy nhất tranh cử dựa trên cương lĩnh về đối ngoại và an ninh quốc gia. Thật không may là Gabbard không còn đủ thời gian và Warren đã không phải trả lời câu hỏi này. Về sau, Warren nói rằng bà ta xứng đáng vì bà có ba người anh em đã từng phục vụ trong quân đội.

Cá tính của các ứng viên

Các ứng viên Dân chủ năm nay khá đa dạng, có cả phụ nữ và đàn ông, người Mỹ gốc Phi, gốc châu Á và Latinh; cựu chiến binh; người giàu và người nghèo; người già và trẻ.

Ông già Sanders là tâm điểm của sự chú ý: chỉ vài ngày trước cuộc tranh luận, ông này phải nhập viện vì lên cơn đau tim. Tuy nhiên, ông vẫn xuất hiện trong cuộc tranh luận, rõ ràng là ở tình trạng sức khỏe đủ tốt để tham gia.

Nhiều người từng băn khoăn liệu ông có đủ sức chịu đựng qua ba giờ tranh cãi khốc liệt này không, và ông đã làm được hơn thế. Sanders đã trả lời mọi câu hỏi trong cuộc tranh luận bằng cách la hét, chỉ tay và mặt đỏ gay. Không nghi ngờ gì nữa rằng ông ấy đã lên cơn đau tim.

Biden, một ứng viên cao tuổi khác, cũng gây chú ý vì ông này dễ dàng rơi vào mệt mỏi dọc đường tranh cử và có tần suất tham gia các sự kiện thấp hơn nhiều so với đối thủ. Ông gần như không còn năng lượng. Biden thường có xu hướng lạc khỏi mạch suy nghĩ và thỉnh thoảng xáo trộn bài phát biểu của mình. Ông này thậm chí còn bị chất vấn rằng với tuổi của mình, ông không đủ tiêu chuẩn để tham gia cuộc tranh luận.

Ứng viên Buttigieg.
Ứng viên Buttigieg.

Warren cũng đã cao tuổi nhưng ít nhất bà vẫn còn nhiệt huyết không thua kém bất kỳ ứng viên nào khác. Tuy nhiên, Warren cũng có một số điểm yếu. Cứ mỗi khi được hỏi, bà luôn đáp lại rằng “bà có một kế hoạch” cho điều đó. Vấn đề là trong nhiều trường hợp, các kế hoạch của bà khá mơ hồ và khó khả thi, trong khi bà thường từ chối làm rõ hơn.

Giống như Sanders, Warren là người thích “lên lớp”, dạy bảo người khác như thể họ không biết gì cả. Bà này hành xử cứ như thể chỉ có các chính sách của mình mới là đúng đắn. Trong cuộc tranh luận, Klobuchar đã thực sự chỉ ra rằng có nhiều cách để giải quyết một vấn đề chính sách.

Ngoài ra, Warren không có vẻ ngoài của một tổng thống: bà thường mặc áo đen, quần lửng, đi giày tennis mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Bà còn đổi màu áo khoác, trong khi tất cả những người khác đều mặc complet.

Buttigieg, và ở chừng mực nào đó là Klobuchar, đã có những tiến bộ lớn qua các cuộc tranh luận. Họ phát biểu lưu loát và gây hứng thú cho người xem. Họ hoàn toàn có thể vượt lên trước những ứng viên top đầu hiện nay.

Andrew Yang, một doanh nhân công nghệ, dường như coi việc tranh cử tổng thống như một thú vui giải trí của bản thân. Ông ấy luôn mỉm cười và tỏ ra thực sự vui thích. Ông là ứng viên duy nhất có vẻ hiểu rõ về nền kinh tế, công nghệ và sáng tạo cũng như sự cần thiết phải xây dựng những chính sách giúp cho Hoa Kỳ có lợi thế nắm bắt các cơ hội đang hiển hiện.

Ông cũng là ứng viên duy nhất đưa ra các chính sách dựa trên bằng chứng và kết quả nghiên cứu. Ông này từ chối đeo cà-vạt khi mặc vét.

Kết luận

Rõ ràng là cuộc tranh luận cho thấy: cử tri không thể phàn nàn là có quá ít lựa chọn giữa các ứng viên. Đảng Dân chủ có nhiều người đại diện cho bạn.

Một điều cũng rõ ràng không kém là cho dù ai sẽ đại diện cho Đảng Dân chủ đi chăng nữa, chắc chắn chúng ta sẽ có cả mấy tháng trời được “xem trò vui” khi Trump và ứng viên Dân chủ quyết đấu để giành từng lá phiếu. 

Và chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng hệ thống Mỹ phải có gì đó sai sai khi sản sinh ra một loạt ứng viên với những điều mà chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây!.

Minh Châu (chuyển ngữ)