Cuộc cờ buồn ở Eximbank của ông Lê Hùng Dũng

Những ngày này, ông Lê Hùng Dũng ít xuất hiện. Dù không còn ở Eximbank nhưng những diễn biến mới ở đây đang cho thấy một cuộc cờ buồn của Eximbank và của chính đại gia này.
Rút vốn có lẽ là một kết quả buồn và thất bại của Eximbank và cá nhân ông Lê Hùng Dũng.
Rút vốn có lẽ là một kết quả buồn và thất bại của Eximbank và cá nhân ông Lê Hùng Dũng.

Những bước rút cuối cùng

Trước đây, ông Lê Hùng Dũng từng cho biết, hai phương án khi rót vốn vào Sacombank là: đầu tư tài chính thuần túy và khả năng hợp nhất.

Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa có thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), kể từ ngày 21/10, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) không còn người đại diện phần góp vốn tại Sacombank.

Rút vốn có lẽ là một kết quả buồn và thất bại của Eximbank và cá nhân ông Lê Hùng Dũng.

Ông Nguyễn Vạn Lý và ông Hà Tôn Trung Hạnh, hai đại diện còn lại của Eximbank tại Sacombank sẽ không đảm nhiệm vị trí này nữa, Eximbank thôi không cử và không còn người đại diện phần vốn góp tại Sacombank.

Cuộc tấn công vào Sacombank của Eximbank bắt đầu từ năm 2012 dường như đã chấm dứt, đánh dấu bởi những bước đi cuối cùng này.

Trước đó, hồi đầu năm 2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, đã đứng ra công bố Eximbank là đại diện cho một nhóm cổ đông nắm giữ 51% cổ phần tại Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát. HĐQT Sacombank sau đó đã được bầu lại với sự xuất hiện 8 thành viên mới, với một nửa là từ một NH khá nhỏ bé - SouthernBank.

Trên thực tế, riêng Eximbank đã mua lại 9,73% cổ phần của Sacombank từ ANZ năm 2012. Sau đó, Eximbank cử ba người gồm ông Phạm Hữu Phú, ông Nguyễn Vạn Lý và ông Hà Tôn Trung Hạnh làm người đại diện phần vốn góp tại Sacombank với tỷ lệ đại diện lần lượt là: 8%, 0,73% và 1%.

Còn nhóm cổ đông mà Eximbank đại diện bắt đầu “vào” Sacombank sớm hơn. Từ năm 2010, giới đầu tư đã giật mình khi nhiều nhóm NĐT ồ ạt mua cổ phiếu Sacombank khi giá xuống thấp. Tới cuối năm 2011, các cổ đông lớn gắn bó lâu năm với Sacombank như Dragon Capital (6,6%), REE (3,92%) lần lượt thoái vốn. REE bán cho các đối tác thâu tóm STB, trong khi Dragon Capital bán lại cho các cổ đông sáng lập của Sacombank trong một nỗ lực cứu STB của ông Đặng Văn Thành.

Tuy nhiên, giới đầu tư đã nhận thấy có những thay đổi bắt đầu từ đầu năm 2014 khi ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT Sacombank và quay trở lại nắm giữ vị trí tổng giám đốc Eximbank.

Quyết định rút nốt hai đại diện còn lại khỏi Sacombank hôm 21/10/2015 và trước đó là thông tin 2 NH này có thể sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào tháng 11 tới để quyết định các vấn đề quan trọng như xem xét Sacombank sau sáp nhập (với SouthernBank) và bầu nhân sự nhiệm kỳ mới, gồm thay vị trí chủ tịch HĐQT mà ông Lê Hùng Dũng không ứng cử nhiệm kỳ mới… cho thấy cuộc cờ đã khép lại với Sacombank-Eximbank.

Một cuộc cờ buồn

Với diễn biến mới nói trên và thông tin nhiều khả năng NHNN sẽ tham gia vào HĐQT của hai NH, rất có thể Eximbank sẽ sớm chuyển nhượng phần vốn tại Sacombank (hiện còn khoảng 6,4% do Sacombank sáp nhập với SouthernBank) cho NĐT khác hoặc sẽ có một kịch bản giống như trường hợp ông Trầm Bê ủy quyền vô thời hạn cho NHNN.

Dù không còn ở Eximbank nhưng những diễn biến mới ở đây đang cho thấy một cuộc cờ buồn của Eximbank và của chính ông Lê Hùng Dũng.

Dù không còn ở Eximbank nhưng những diễn biến mới ở đây đang cho thấy một cuộc cờ buồn của Eximbank và của chính ông Lê Hùng Dũng.

Kết quả thanh tra Eximbank đã có từ 22/10 nhưng nội dung không công khai. Trước đó, chia sẻ với báo giới, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ thanh tra nguồn gốc tiền đầu tư cổ phần trong trường hợp STB-EIB từ đâu, có tiền ảo hay không và NHNN sẽ làm rõ trắng đen.

Bất kể kịch bản là như thế nào, việc rút khỏi Sacombank đã là một kết quả buồn và thất bại của Eximbank. Trước đó, ông Lê Hùng Dũng từng cho biết, hai phương án khi rót vốn vào Sacombank là: đầu tư tài chính thuần túy và khả năng hợp nhất. Eximbank khi đó đã nổi lên như là một hiện tượng, tài sản và uy tín tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng với việc rút dần ra khỏi Sacombank, Eximbank liên tục tụt dốc, đối mặt với hiện tượng cổ phiếu bị bán ồ ạt, quy mô tài sản tụt giảm, lợi nhuận co hẹp và rơi vào khó khăn.

Eximbank sẽ thoái vốn. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng không phải là điều mà ông Lê Hùng Dũng mong muốn. Hiện tại, giá trị cổ phần của Eximbank tại Sacombank có trị giá sổ sách khoảng hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Trong thời điểm giá cổ phiếu NH không được hấp dẫn như hiện tại, việc bán vốn có thể không dễ dàng.

Hơn thế, ba năm đầu tư có thể không mang lại cho Eximbank đồng lãi nào, thậm chí còn thua lỗ.

Đã có lúc, Eximbank nhìn thấy lãi lớn khi mua cổ phiếu STB từ ANZ với 16.000 đồng/cổ phiếu và giá sau đó giữa năm 2013 đã lên tới gần 22.000 đồng/cp. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu STB là 14.300 đồng/cp. Giá điều chỉnh có lẽ cũng tương đương với giá mua vào. Tuy nhiên, cái giá Eximbank phải trả có lẽ lớn hơn nhiều.

Hai năm sau khi Eximbank đầu tư vào Sacombank, Sacombank tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt nhất trong khối NH tư nhân. Nhưng giờ đây, cả ông Trầm Bê cũng như ông Lê Hùng Dũng đều đang nằm ngoài cuộc chơi.

Kỳ vọng về việc tạo nên một định chế tài chính có tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh với các định chế khác trong khu vực đã hoàn toàn đổ vỡ. Sacombank đã có nhiều thay đổi về sở hữu nhưng vẫn phát triển mạnh. Trong khi đó, Eximbank đang quay trở lại với vị thế trước đó, giống như điều mà ông Lê Hùng Dũng từng chia sẻ: nếu phát triển bình thường, Eximbank mất 40 năm mới có thể có được mạng lưới như Sacombank.

Gần đây, NamABank cũng đã thay đổi vào phút chót cho biết sẽ không tham gia vào Eximbank. NamABank lên tiếng phủ nhận việc sở hữu cổ phần của Eximbank.

Theo VNN