Sóng ngầm Eximbank thời hậu đại gia Lê Hùng Dũng

Các diễn biến ngầm thay đổi chủ sở hữu cùng với nhiều xáo trộn xảy ra tại Eximbank khiến giới đầu tư quan tâm theo dõi. Sau một thời kỳ ổn định và thăng hoa gắn với vị Chủ tịch tên tuổi Lê Hùng Dũng, Eximbank dường như bước vào một giai đoạn rất trầm.
Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ngân hàng Eximbank không cầm được nước mắt trước những biến cố ở Eximbank
Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ngân hàng Eximbank không cầm được nước mắt trước những biến cố ở Eximbank

Liên tục giao dịch ngàn tỷ

Ngày 23/9, 1,2 triệu cổ phiếu EIB của (Eximbank) trị giá 13,8 tỷ đồng được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, cao gấp gần 12 lần so với khối lượng giao dịch khớp lệnh cùng ngày trên TTCK.

Trong 2 tuần qua, có khoảng 8 phiên có giao dịch thỏa thuận với khối lượng từ 500 ngàn cho tới 1,55 triệu cổ phiếu EIB đã được thực hiện.

Giao dịch thay tên đổi chủ các cổ đông tại Eximbank vẫn âm thầm diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diễn biến này cùng với những thông tin ít ỏi về thanh tra, hoãn ĐHCĐ nhiều lần càng khiến cho giới đầu tư quan tâm theo dõi.

Từ đầu năm tới nay, từ khi NHNN tuyên bố sẽ áp dụng Thông tư 36 (có hiệu lực 1/2/2015) nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống, lượng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank đã tăng vọt. Ngay trong tháng 1/2015 đã có gần 100 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch theo phương thức này với trị giá lên tới gần 1,4 ngàn tỷ đồng.

Sóng ngầm Eximbank thời hậu đại gia Lê Hùng Dũng ảnh 1

Các diễn biến ngầm thay đổi chủ sở hữu cùng với nhiều xáo trộn xảy ra tại Eximbank khiến giới đầu tư quan tâm theo dõi.

Hoạt động giao dịch thỏa thuận đổi chủ EIB tiếp tục diễn ra mạnh trong tháng 4 và đặc biệt vào tháng 7, thời điểm trước khi ĐHCĐ diễn ra. Đây là một đại hội khá quan trọng, đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ HĐQT Eximbank và bầu lại toàn bộ thành viên cho nhiệm kỳ mới 2015-2020. Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng cũng đã không ứng cử nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, quy mô thỏa thuận của cổ phiếu EIB trong các phiên giảm dần.

Sự tụt giảm về tài sản và lợi nhuận cũng như hoạt động bán ra ồ ạt cổ phiếu khiến nhiều NĐT đặt ra câu hỏi: ai đang bán và tại sao lại bán ra trong lúc mà cổ phiếu Eximbank đang ở mức thấp nhất trong 1 năm qua?. Và những diễn biến đó liên quan gì quá trình tái cơ cấu đang diễn ra ở NH này.

Trên thực tế, hoạt động mua bán thỏa thuận với khối lượng cao đột biến cổ phiếu EIB không phải mới xảy ra trong năm 2015, mà xuất hiện từ cách đây 3 năm. Hồi cuối 2012, giới đầu tư liên tục giật mình vì những thỏa thuận mua bán EIB khủng lặp đi lặp lại. Hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã được trao tay trong một vài tháng cuối năm đó.

Đâu là cái kết?

Tại ĐHCĐ 2015 của Eximbank hồi cuối tháng 7, chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng đã tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ mới.

Sóng ngầm Eximbank thời hậu đại gia Lê Hùng Dũng ảnh 2

Sau một thời kỳ ổn định và thăng hoa gắn với vị Chủ tịch tên tuổi Lê Hùng Dũng, Eximbank dường như bước vào một giai đoạn rất trầm.

Cùng với hàng loạt các giao dịch mua bán thỏa thuận bất thường trong một thời gian dài, trong quý II và đầu quý III, có nhiều tin đồn về việc một NH có quy mô nhỏ hơn là NamABank của đại gia đình doanh nhân Tư Hường sẽ sáp nhập với Eximbank.

Thông tin về cuộc hôn nhân giữa Eximbank và NamABank nóng lên sau khi tài liệu công bố trước ĐHCĐ Eximbank đưa ra 6 thành viên dự kiến gồm: 2 người đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên thành viên HĐQT kiêm TGĐ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc Nam A Bank, đại diện tổng cộng tới hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank.

Theo kế hoạch, lẽ ra ĐHCĐ của Eximbank đã tổ chức từ ngày 22/4/2015, sau đại hội của NamABank 5 ngày. Tuy nhiên đại hội đã phải lùi lại tới ngày 21/7 do khi đó chưa được NHNN đồng ý. Câu chuyện thanh tra về sở hữu chéo từ tháng 3 chưa có thông báo cuối cùng cũng đang được chờ đợi.

Tại ĐHCĐ Eximbank hồi tháng 7, một vấn đề cũng khiến nhiều người băn khoăn là sau khi ông Lê Hùng Dũng tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ mới nhưng việc bầu lại nhân sự cấp cao đã không được đề cập.

Nhiều sự trì hoãn cùng với tuyên bố của lãnh đạo NamABank gần đây về một lộ trình tự tái cơ cấu, không sáp nhập với Eximbank và NamABank không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Eximbank khiến mọi thông tin đều ở dạng chờ.

Còn chuyện về ông Tân và ông Tâm xin nghỉ NamABank và có tên trong danh sách ứng cử viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như việc sở hữu cổ phiếu Eximbank được giải thích là trên phương diện cá nhân.

Theo kế hoạch, tháng 10, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường về việc chốt lãnh đạo cao cấp. Kết luận thanh tra chắc cũng sớm được công bố. Câu chuyện Eximbank sẽ được tái cơ cấu theo hướng nào; ai sẽ được bầu làm chủ tịch, sự thay đổi các nhóm cổ đông tại Eximbank… sẽ được bật mí.

Còn giờ đây, các giao dịch mua bán thỏa thuận đổi chủ tại Eximbank vẫn đang tiếp tục diễn ra. NamABank đã tuyên bố bỏ cuộc chơi. Vietcombank dường như vẫn “ở lại” với Eximbank với sự hiện diện của đại diện trong danh sách HĐQT mới.

Và có một điều chắc chắn là, các cổ đông thoái vốn vào thời điểm này sẽ chịu thua lỗ rất lớn. Giá EIB hiện chỉ khoảng 11.800 đồng, thấp hơn nhiều so với 14.000-18.000 đồng/cp trong năm 2012 khi mà hàng loạt thương vụ được cho là liên quan tới thâu tóm diễn ra.

Hiện trên danh sách Eximbank có 3 cổ đông lớn chính thức đứng danh là Vietcombank nắm 8,2%, NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản nắm giữ 15% cổ phần và VOF Investment Limited. Còn lại đều được nắm giữ phân tán và hợp lại theo nhóm.

Theo VNN