Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện nói về 3 vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Băng tần hết hạn doanh nghiệp quản lý; can nhiễu từ các thiết bị vô tuyến điện được miễn cấp phép; tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác từ thiết bị BTS giả là 3 vấn nóng nhất trong năm 2023 của lĩnh vực Tần số vô tuyến điện.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn.
Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn.

Người đứng đầu Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, thông tin vô tuyến ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin di động đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với đời sống của đại đa số người dân hiện nay. Bên cạnh đó, các thiết bị vô tuyến hoặc thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến có công suất nhỏ, cự ly hoạt động ngắn, được miễn giấy phép sử dụng tần số, ngày càng tăng trưởng mạnh về số lượng, chủng loại, sử dụng ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội, từ Wi-Fi tới các thiết bị đo, điều khiển từ xa, các thiết bị y tế...

Sự phát triển này dẫn đến một số vấn đề trong công tác quản lý tần số trong thời gian qua, được dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm, trong đó cơ quan quản lý cần có giải pháp về cơ chế, chính sách và cả trong thực thi. Cụ thể, có 3 vấn đề nổi cộm:

Doanh nghiệp có được giữ lại băng tần đã hết hạn cấp phép?

Các doanh nghiệp di động hiện đang sử dụng các băng tần được cấp để cung cấp dịch vụ cho hơn 100 triệu thuê bao, nhưng đến tháng 9/2024 các giấy phép sẽ hết hạn, các doanh nghiệp liệu có được giữ lại các băng tần đã cấp hay các băng tần sẽ bị thu hồi lại để tổ chức đấu giá?

tan-so-4g-904-4060-6976.jpg

Trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, vấn đề này chưa được quy định rõ thì Luật sửa đổi năm 2022 đã mở ra khả năng cấp lại băng tần di động nếu như việc phân chia các khối băng tần cho các doanh nghiệp không thay đổi. Căn cứ vào quy định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thảo luận kỹ lưỡng và nhận thấy các băng tần 1800MHz và 2100MHz đã được quy hoạch theo các khối có băng thông phù hợp và có thể tiếp tục sử dụng ổn định trong thời gian dài cho công nghệ 4G nên sau khi cân nhắc, đánh giá đã thống nhất việc cấp lại băng tần 1800, 2100MHz cho các doanh nghiệp mà không thu hồi để đấu giá để đảm bảo ổn định cho thị trường di động. Các doanh nghiệp khi được cấp lại nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số theo quy định.

Riêng băng tần 900MHz, quy hoạch trước đây cho 2G chưa phù hợp với băng thông 4G và đang dùng chủ yếu cho 2G nên cần quy hoạch lại để tối ưu hiệu quả sử dụng phổ tần. Ngoài ra, cũng cần quy hoạch lại để thu hồi một phần băng tần này chuyển sang sử dụng cho mục đích chuyên dùng. Việc quy hoạch lại, thu hồi một phần băng tần sẽ ảnh hưởng đến cả người dân và doanh nghiệp, do đó chính sách này cần có lộ trình triển khai. Trước mắt, trong năm 2024 xem xét cấp lại 2 năm, đến tháng 9/2026 sẽ áp dụng quy hoạch mới.

Liên quan tới việc tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác định chủ trương từ tháng 9/2024, sóng 2G chỉ còn được duy trì trên băng tần 900MHz và cũng chỉ để duy trì dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao 3G, 4G chưa có VoLTE Sau tháng 9/2026, băng tần 900MHz chỉ để sử dụng cho 4G trở lên.

Công nghệ 3G tiếp tục được sử dụng trên băng tần 2100MHz tới tháng 9/2028. Sau thời điểm này, băng tần 2100MHz được chuyển sang sử dụng cho công nghệ 4G.

Can nhiễu từ các thiết bị vô tuyến điện được miễn cấp phép

Theo Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, sự phát triển của công nghệ làm cho thiết bị vô tuyến điện công suất thấp được ứng dụng ngày càng nhiễu và phổ biến. Mật độ thiết bị gia tăng làm tăng nguy cơ can nhiễu.

Trong những năm qua, đã xảy ra nhiều vụ việc điện thoại kéo dài, thiết bị WLAN, micro không dây và gần đây là camera không dây, thiết bị báo cháy không dây, điều khiển cửa cuốn, thiết bị lấy số tự động gây can nhiễu cho mạng thông tin di động và các mạng miễn cấp phép.

Riêng năm 2023 đã xảy ra 19 vụ can nhiễu chìa khóa thông minh (smart-key) tại nhiều tỉnh thành, gây nhiều bất tiện cho sinh hoạt của người dân tại khu vực xảy ra nhiễu sóng nên được dư luận và người dân quan tâm. Cục Tần số vô tuyến điện đã vào cuộc kịp thời, xác mình được nguyên nhân, xử lý dứt điểm các trường hợp can nhiễu. Các thiết bị gây can nhiễu đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy. Cục Tần số vô tuyến điện cũng đồng thời lập đường dây nóng để người dân có thể kịp thời phản ánh khi nghi ngờ có hiện tượng can nhiễu tới Cục.

Tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác từ thiết bị BTS giả

Hiện tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động (BTS giả) để gửi tin nhắn trái quy định đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới (nhất Trung Quốc, Mỹ, Anh, Ấn Độ). Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, xuất hiện đối tượng sử dụng BTS giả gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung đen như mại dâm, cờ bạc...

Năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ động tham gia phối hợp có bài bản hơn cũng với cơ quan công an, các nhà mạng để kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 19 vụ sử dụng BTS giả (với 20 thiết bị), tăng gấp nhiều lần so với năm 2022 (Cục Tần số vô tuyến điện tham gia bắt 5 vụ).

tram-bts-1679920403607227341863-8954.jpg
Máy tính cùng các thiết bị lập trạm BTS giả để phát tin nhắn rác.

Đối tượng sử dụng BTS giả là những người được thuê mà chủ đứng đằng sau phần lớn là người nước ngoài. Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng chủng loại thiết bị mới, lắp đặt trên xe ô tô, xe máy thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường, qua nhiều tỉnh/thành phố, hoặc thường xuyên bật - tắt ngắt quãng thời gian phát làm cho việc phát hiện, bắt giữ thêm khó khăn, phức tạp.

Từ thực tiễn giải quyết các vấn đề nêu trên, Cục Tần số vô tuyến điện đã chia sẻ một số bài học. Trước tiên là bài học về xây dựng cơ chế, chính sách: Cần xây dựng chính sách theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa 3 bên: nhà nước - người dân - doanh nghiệp, trong đó có tham khảo kinh nghiệm hay của thế giới để áp dụng. Đây là một yếu tố quan trọng để xây dựng và thực thi một chính sách hiệu lực, hiệu quả.

Về bài học về thực thi, ông Tuấn cho rằng cần phải phối hợp tốt với các bên liên quan để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp. Ví dụ như trong việc phát hiện, bắt giữ BTS giả, là sự phối hợp nhịp nhàng 3 bên giữa Nhà mạng - Cục Tần số vô tuyến điện - lực lượng công an. Nhà mạng phát hiện, khoanh vùng ban đầu sự xuất hiện và hoạt động của BTS giả. Cục Tần số vô tuyến điện truy vết, xác định chính xác đối tượng. Lực lượng công an xuất hiện kịp thời tại hiện trường theo thông báo của Cục Tần số vô tuyến điện để thực hiện bắt giữ.

Trong quản lý thiết bị vô tuyến cự ly ngắn, miễn cấp phép, là sự phối hợp của Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số và các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Nếu thiếu một mắt xích thì sẽ không hiệu quả.

Cùng với đó là cần tăng cường truyền thông chính sách theo hướng đơn giản, gần gũi nhất với đời sống để người dân, doanh nghiệp dễ nắm bắt, thực hiện. Ngay như năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện đã biên soạn tập san dạng truyện tranh để tuyên truyền về công tác quản lý tần số hoặc mời các nhà báo tham gia cùng các đoàn để hiểu và đăng tải, lan tỏa thông điệp, lời cảnh báo tới người dân và các doanh nghiệp có liên quan./.