Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ về thời điểm tắt sóng 2G và thương mại hóa 5G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 6/9, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã chia sẻ thông tin về thời điểm chính thức dừng sóng 2G cũng như kế hoạch thương mại hóa 5G.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết Việt Nam sẽ dừng sóng 2G vào tháng 9 năm 2024
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết Việt Nam sẽ dừng sóng 2G vào tháng 9 năm 2024

Trước câu hỏi của phóng viên về thời điểm dừng sóng 2G cũng như chính sách hỗ trợ cho những người nghèo, người yếu thế đang dùng điện thoại 2G, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết giấy phép về 2G cấp cho các nhà mạng sẽ hết hạn vào tháng 9 năm 2024. Đây cũng chính là thời điểm Việt Nam sẽ ngắt sóng 2G để tập trung phục vụ cho 4G và 5G.

Từ năm 2020, Bộ TT&TT đã cấp nhập khẩu máy đầu cuối 2G, trừ những máy nhập lậu, nên số lượng máy 2G trên thị trường không còn nhiều. Đến năm 2024 thì nhiều máy cũng ở cuối vòng đời nên người sử dụng có thể thay thế sang các máy tiên tiến hơn.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nói thêm rằng các nhà mạng hiện nay đang xây dựng chính sách cước cũng như chuẩn bị thiết bị đầu cuối để hỗ trợ người yếu thế chuyển đổi dịch vụ. "Về nguyên tắc, nhà mạng sẽ không để người nào mất liên lạc", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về thời điểm thương mại hóa 5G, Thứ trưởng Long nói rằng muốn triển khai 5G thì liên quan đến cấp tần số. Bộ TT&TT đã muốn đấu giá, cấp tần số cho các nhà mạng từ năm 2019 nhưng chưa làm được, do phải đợi sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện (được Quốc hội thông qua tháng 11/2022 và có hiệu lực từ 1/7/2023). Bộ cũng đã ban hành Nghị định 63 ngày 1/8/2023 về tính toán mức giá cho các tần số 5G. Theo lộ trình, việc đấu giá sẽ được tiến hành vào tháng 11 tới. Phấn đấu trong năm 2023 sẽ cấp tần số 5G để các nhà mạng có thể triển khai thương mại hóa 5G vào đầu năm 2024.

Hiện nay Bộ TT&TT cũng đã dự tính trước về công nghệ 6G và đã thành lập một ban chỉ đạo chuyên trách. Bộ mong muốn Việt Nam sẽ song hành cùng thế giới trong việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị 6G, dự kiến triển khai vào năm 2030.

Phát biểu tại tọa đàm "Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G", tổ chức ngày 25/8, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) nhận định, việc thương mại hóa 5G không chỉ cần các thiết bị đầu cuối, độ phổ cập của điện thoại 5G, các thiết bị IoT, mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng IoT để sử dụng một cách hiệu quả.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho rằng, để triển khai một mạng viễn thông di động thế hệ mới có hiệu quả, cần có thời gian để các yếu tố trở nên chín muồi.

"So với 97 nước đã thương mại 5G thì Việt Nam có thể nói là hơi chậm, nhưng so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp", ông Đoàn Quang Hoan nói, đồng thời cho biết cơ quan quản lý đang gấp rút để có thể đấu giá cấp phép tần số 5G vào cuối năm nay.