Bộ TT&TT: Sẽ đình chỉ nhà mạng phát triển thuê bao mới từ 3-12 tháng nếu dung túng SIM rác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT đã xử lý 19,6 triệu thuê bao vi phạm, trong đó có 8,6 triệu thuê bao sở hữu trên 10 SIM, khóa 1 và 2 chiều với 12,5 triệu thuê bao. Bộ sẽ xử lý nghiêm vấn đề SIM rác.

Xử lý 8,5 triệu thuê bao đứng tên trên 10 SIM

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) diễn ra chiều 6/9, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, các nhà mạng đã xử lý hơn 11 triệu thuê bao không trùng khớp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Trong số 11 triệu thuê bao này có 3,5 triệu thuê bao đã chuẩn hóa lại thông tin; 7,5 triệu thuê bao bị khóa, thu hồi. (trong số này có 4 triệu thuê bao bị khóa liên quan đến giấy tờ hết hạn hoặc giấy tờ có nghi vấn giả mạo).

"Tính đến hết ngày 31/8, các doanh nghiệp đã hoàn tất xử lý khóa 1 chiều hoặc 2 chiều với các thuê bao vi phạm, xử lý 8,6 triệu thuê bao đứng tên trên 10 SIM", ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

vt_nguyen phong nha.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã trả lời câu hỏi phóng viên về xử lý SIM vi phạm chuẩn hóa thông tin thuê bao

Đối với việc phát triển thuê bao mới, các doanh nghiệp yêu cầu thuê bao phải đăng ký qua phương pháp nhận diện eKYC hoặc video call. Đối với 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã đồng bộ hóa việc đăng ký thuê bao với CSDLQG về dân cư, cho phép kiểm tra danh tính người đăng ký trực tuyến, xác thực thông tin và cấp SIM. Đối với các nhà mạng nhỏ chưa kết nối với CSDLQG về dân cư, việc đăng ký mới tiến hành thủ công như trước đây nhưng sau mỗi tháng nhà mạng phải gửi thông tin về cho Bộ TT&TT và tiến hành đối soát (chậm hơn 1 tháng so với các nhà mạng lớn).

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT phụ trách mảng viễn thông cho biết, vừa qua Bộ TT&TT đã xử lý quyết liệt tình trạng thuê bao không chính chủ hoặc cung cấp thông tin không chính xác. Trong số 19,6 triệu thuê bao phải xử lý thì đã có 7,15 triệu thuê bao được khách hàng cập nhật lại thông tin chính xác, còn lại 12,5 triệu thuê bao đã bị khóa 1 chiều hoặc 2 chiều.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nói rằng hàng tháng có khoảng 1,5 triệu thuê bao được đăng ký mới, trong đó 3 nhà mạng lớn chiếm 85% số lượng thuê bao mới này. Do đã kết nối với CSDLQG về dân cư nên thuê bao được đối soát trực tiếp, đúng chính chủ mới cho phép hòa mạng. 15% thuê bao còn lại thuộc các nhà mạng nhỏ sẽ đối soát thủ công chậm hơn 1 tháng so với 3 nhà mạng nói trên. "Phấn đấu trong tháng 9 hệ thống của các nhà mạng nhỏ cũng sẽ được kết nối với CSDLQG về dân cư", Thứ trưởng chia sẻ.

Dừng bán SIM tại các đại lý

Đối với vấn đề đấu tranh chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói rằng SIM rác có thể xuất hiện từ thuê bao kê khai đúng thông tin nhưng không chính chủ; hoặc chính từ thuê bao chính chủ nhưng thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi làm phiền. Cả thế giới đều bị vấn nạn này chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng không nên xử lý cùng lúc SIM rác và cuộc gọi rác mà xử lý thành 2 lĩnh vực tách biệt, vì hết SIM rác thì vẫn còn cuộc gọi rác.

Về SIM rác, 80% trong số 1,5 triệu SIM mới được bán ra hàng tháng là từ các đại lý SIM thẻ, 20% tại các kênh chuỗi như Thế giới Di động, FPT... Vừa qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và nhà mạng đã cam kết dừng việc bán SIM tại các đại lý. Từ 10/9 sẽ tiến hành rà soát và đến tháng 10 sẽ chỉ phát hành SIM qua kênh chuỗi và qua kênh của chính nhà mạng, đảm bảo giám sát, kiểm soát được.

"Bộ sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 14, đình chỉ nhà mạng phát triển thuê bao mới từ 3 tháng đến 12 tháng tùy theo mức độ vi phạm về SIM rác", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

vt_pham duc long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ về vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo

Về tin nhắn rác và tin nhắn lừa đảo, để giải quyết vấn nạn này, các nhà mạng đã chuẩn bị xong hạ tầng cho công nghệ Voice Brandname - tức là các cuộc gọi hiển thị tên doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn quảng cáo qua điện thoại sẽ phải đăng ký tên để hiển thị trên cuộc gọi đến. Các cơ quan nhà nước và tổ chức cũng có thể đăng ký tên hiển thị để người nhận biết đó là thật (giống như dấu tick xanh trên mạng xã hội).

Các tin nhắn lừa đảo thường giả danh cơ quan công quyền như công an, giao thông, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng. Bộ TT&TT đang làm việc với các cơ quan này và với các địa phương để cấp Voice Brandname. Việc thử nghiệm đã tiến hành xong và phấn đấu đến tháng 10 có thể chính thức cung cấp dịch vụ này cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nêu ra một khó khăn, là đối với tin nhắn rác, các nhà mạng có thể dùng thuật toán để đọc đặc điểm của tin và ngăn chặn được, nhưng cuộc gọi rác thì không thể nghe và chặn được. Chính vì thế các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo phải đăng ký Voice Brandname để giúp người dân nhận diện, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính./.