Cục Báo chí sẽ triển khai thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Giang Phạm
Về ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, Cục Báo chí - Bộ TT&TT đang nghiên cứu và đề xuất Trung tâm Thông tin – đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ TT&TT, hỗ trợ triển khai thêm một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện tại, Cục đang có 26 thủ tục hành chính.
Sáng ngày 27/6/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã đi kiểm tra công tác ứng dụng CNTT tại Cục Báo chí.
Tại buổi kiểm tra, đại diện Cục Báo chí đã báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về tình hình ứng dụng CNTT của Cục; những khó khăn, vướng mắc và kế hoạch trong thời gian tới. Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, 100% cán bộ công chức của Cục đã triển khai áp dụng việc gửi nhận văn bản trên ứng dụng văn phòng điện tử eOffice, góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, truy cập và giải quyết công văn mọi lúc mọi nơi khi kết nối mạng Internet, nâng cao hiệu quả công tác điều hành của Cục.
Đồng thời, Cục đã đưa vào sử dụng một số phần mềm phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước như: Phần mềm quản lý hồ sơ phóng viên và cấp đổi thẻ nhà báo (dùng chung với Cục PTTH-TTĐT), phần mềm kế toán Misa….
Phần mềm quản lý hồ sơ phóng viên và cấp đổi thẻ nhà báo được xây dựng dựa trên các yêu cầu thực tiễn công việc, đã được áp dụng trong một số hoạt động quản lý, có tính khả thi, ổn định và tin cậy. Phần mềm này hỗ trợ việc lưu trữ dữ liệu của các nhà báo, có thể kiểm tra dữ liệu từ điện thoại di động.
Đại diện Cục Báo chí cũng cho biết, một trong những khó khăn trong công tác ứng dụng CNTT của Cục là nhân lực. Cục hiện chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT, mới chỉ có cán bộ thành thạo về máy tính kiêm nhiệm phụ trách, là đầu mối liên lạc với các đơn vị xử lý tình huống khi có việc liên quan đến CNTT.
Đánh giá về tình hình ứng dụng CNTT của Cục Báo chí, ông Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin cho rằng, mặc dù Cục Báo chí có mức độ đầu tư cho CNTT không nhiều, hạ tầng CNTT còn đơn giản, nhân lực về CNTT còn thiếu nhưng Cục đã tích cực sử dụng các phần mềm dùng chung trong công việc hàng ngày.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong Cục, theo ông Hồ Sỹ Lợi, Cục cần nâng cao chất lượng hạ tầng CNTT, kiện toàn hệ thống mạng, trang bị các thiết bị bảo mật để bảo đảm ATTT, đặc biệt cần có cơ chế phối hợp trong quản trị mạng, giảm dần việc tự đầu tư các sản phẩm CNTT vì không có nguồn lực quản lý, vận hành. Cục cần tăng cường cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, kết nối chia sẻ thông tin và dịch vụ công với Cổng TTĐT Bộ; tiếp tục đẩy mạnh sử dụng các phần mềm dùng chung của Bộ như hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thông tin nội bộ trong hoạt động chỉ đạo điều hành.
Đại diện Trung tâm Thông tin cũng cho rằng, liên quan đến việc xây dựng và triển khai Cổng TTĐT của Cục, Cục Báo chí nên cân nhắc việc chuyển Cổng TTĐT của Cục hiện đang trong quá trình chạy thử nghiệm thành Cổng thành phần của Cổng TTĐT của Bộ.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, tình hình ứng dụng CNTT của Cục Báo chí vẫn đang ở trong giai đoạn ban đầu, tuy nhiên trong chừng mực nào đó thì đây cũng là thuận lợi vì chưa bị phụ thuộc quá sâu vào một hệ thống đầu tư nào.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Báo chí phối hợp với Trung tâm Thông tin nghiên cứu xây dựng Cổng TTĐT của Cục thành một Cổng thành phần trên Cổng TTĐT của Bộ vì đây là xu thế đang được Cục Tin học hóa triển khai để tránh đầu tư riêng rẽ rồi lại phải kết nối liên thông. Đồng thời Thứ trưởng cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin nghiên cứu phương án kết nối mạng LAN của Cục với hệ thống hạ tầng chung của Bộ sau khi Cục Báo chí chuyển về trụ sở mới.
Thứ trưởng lưu ý Cục Báo chí và Cục PTTH-TTĐT nên xem xét xây dựng Đề án chung về lưu chiểu điện tử, Công cụ đo lường định lượng khán giả xem TV và nội dung báo điện tử vì chỉ khác nhau về tiêu chí, nội dung quản lý còn kỹ thuật, công nghệ là một.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng khẳng định cần chọn những dịch vụ có nhiều hồ sơ trực tuyến phát sinh để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tuy nhiên, cũng cần phải ứng dụng CNTT vào tất cả các dịch vụ công Cục đang cung cấp để tiện cho việc lưu trữ, tra cứu.
Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Thông tin và Văn phòng Bộ phối hợp để triển khai kế hoạch tập huấn, triển khai 3 quy chế của Bộ TT&TT ban hành trong năm 2017 về ứng dụng CNTT và bảo đảm an toàn thông tin cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Trên cơ sở những quy chế này, các đơn vị sẽ xây dựng quy chế nội bộ, xây dựng quy trình và từ đó lên kế hoạch triển khai thường xuyên.
Dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước (hoặc tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền) có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng