Cú sốc Galaxy Note 7 của Samsung ảnh hưởng ra sao đến kinh tế Việt Nam

VietTimes -- Sau khi Samsung dừng bán, đổi Galaxy Note 7 trên toàn cầu, tiến hành chiến dịch thu hồi sản phẩm này, có ý kiến cho rằng sự cố của Samsung có thể khiến kinh tế Việt Nam chao đảo, khi kim ngạch xuất khẩu của hãng hiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, trong gần 3 tuần, 19/8 - 7/9/2016, số lượng điện thoại Galaxy Note 7 đã bán ra lên tới 12.633 chiếc.
Theo Bộ Công Thương, trong gần 3 tuần, 19/8 - 7/9/2016, số lượng điện thoại Galaxy Note 7 đã bán ra lên tới 12.633 chiếc.

Cơn ác mộng mang tên “Galaxy Note 7”

Sáng 11/10, hãng Samsung Electronics Co. đã có văn bản đề nghị các đối tác trên toàn cầu ngừng bán, đổi điện thoại thông minh thế hệ mới Galaxy Note 7 và khuyến cáo khách hàng ngừng ngay việc sử dụng dòng máy này do những lo ngại về độ an toàn.

Galaxy Note 7 chính thức lên kệ vào ngày 19/8 với giá 18,99 triệu đồng. Đây là chiếc di động dòng Note đầu tiên của Samsung sở hữu màn hình cong 2 cạnh, tính năng chống nước chuẩn IP-68 (ngâm nước ở độ sâu 1,5m trong 30 phút) và cổng USB-C.

Thời điểm phát đi đề nghị này là chỉ hơn 1 tháng sau khi nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới công bố quyết định thu hồi 2,5 triệu chiếc Note 7 tại 10 thị trường trọng điểm trên toàn cầu sau các sự cố cháy nổ pin lithium-ion của điện thoại trong lúc sạc.

Việc thu hồi sản phẩm với quy mô chưa từng có và cũng chưa từng có tiền lệ này được đánh giá là một tổn thất nặng nề với Samsung - Tập đoàn điện tử vốn luôn tự hào về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Thông báo ngày 11/10 là văn bản thừa nhận chính thức đầu tiên của Samsung về những nguy cơ mất an toàn vẫn đang tiềm ẩn trong dòng sản phẩm Note 7. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Samsung thừa nhận dừng sản xuất dòng điện thoại này.

Thông báo của Samsung nêu rõ: "Vì sự an toàn của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, Samsung sẽ yêu cầu mọi nhà cung cấp và các đối tác bán lẻ trên toàn cầu dừng việc bán và đổi điện thoại Galaxy Note 7 trong khi việc điều tra được tiến hành".

“Đại bản doanh” lo kim ngạch xuất khẩu sụt giảm

Samsung hiện có 9 nhà máy sản xuất và đầu tư vào nhiều nước, song Việt Nam là đại bản doanh sản xuất smartphone của Samsung trên toàn cầu. Vì vậy, giới chuyên gia kinh tế luôn giữ nhận định, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều từ mỗi biến động của Samsung. Do đó, việc Note 7 dừng sản xuất chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế nói chung và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.

Trong năm 2015, Samsung đã nộp khoảng 2.000 tỷ đồng tiền thuế và doanh nghiệp FDI này sẽ hết thời hạn ưu đãi thuế vào năm 2018.
Trong năm 2015, Samsung đã nộp khoảng 2.000 tỷ đồng tiền thuế và doanh nghiệp FDI này sẽ hết thời hạn ưu đãi thuế vào năm 2018.

Tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, động lực quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi trong quý III và quý IV nằm ở mặt hàng điện thoại di động của Samsung bởi nhóm hàng điện thoại, linh kiện điện tử của Samsung chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 20% trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông cũng đánh giá, hiện Samsung đang gặp khó khăn với sự cố dòng điện thoại Galaxy Note 7, việc thu hồi dòng sản phẩm này trên phạm vi toàn cầu chắc chắn sẽ khiến xuất khẩu điện thoại của Samsung sẽ chững lại và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Không đồng tình với nhận định này, đại diện Samsung Việt Nam cho biết, sản phẩm Galaxy Note 7 chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu sản xuất tại 2 nhà máy Samsung Việt Nam. Ngoài Galaxy Note 7, hãng còn sản xuất nhiều sản phẩm điện thoại khác như S7, S7 Edge, Galaxy A, Galaxy J… và Table. 

Đồng thời, với khoảng 100.000 nhân viên ở Việt Nam, hiện Samsung không có kế hoạch cắt giảm nhân viên trong năm 2016. Samsung Việt Nam khẳng định họ vẫn duy trì mục tiêu xuất khẩu của năm nay dù công ty mẹ ngừng sản xuất dòng điện thoại chủ chốt của hãng là Galaxy Note 7 sau những sự cố về pin.

“Sự cố Galaxy Note 7 sẽ không tác động nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của năm 2016 và tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 này dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2015” - Samsung Việt Nam cho biết. 

Đồng tình với tuyên bố này, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, tác động của việc dừng sản xuất Note 7 có thể không quá lớn. Ông dẫn ra nhiều lý do, nhưng chủ yếu là thời điểm xảy ra sự việc thu hồi  do Galaxy Note 7 vào cuối năm, dòng sản phẩm này lại thuộc phân khúc cao cấp và chỉ là một trong số rất nhiều dòng sản phẩm của Samsung Việt Nam đang sản xuất và xuất khẩu.

Được biết, giá trị gia tăng mà Samsung mang lại cho kinh tế Việt Nam thông qua việc sản xuất và xuất khẩu tăng đều qua các năm: Năm 2014 là 9,35 tỷ USD, năm 2015 là 15,46 tỷ USD, dự kiến năm 2016 là 17,47 tỷ USD.

Đến nay, Samsung đã đầu tư khoảng gần 15 tỷ USD vào Việt Nam với 2 dự án lớn nhất  là Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) rộng 170ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên và Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110ha ở Yên Phong, Bắc Ninh. Hai nhà máy này đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại để xuất khẩu cho hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Riêng sản phẩm từ 2 nhà máy này đã cung cấp tới 35% lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu.

Gần đây, Samsung còn đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Samsung Display (Bắc Ninh); 300 triệu USD vào Trung tâm R&D chuyên nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới của tập đoàn. Trong năm 2016 này, nhà máy ở TPHCM và Samsung Display sẽ tiếp tục đi vào hoạt động, sản lượng cung cấp ra toàn cầu dự kiến rất lớn.