Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, dự án xây dựng nhà ở để bán của Công ty xây dựng Hồng Hà ở xã Cổ Bi đã chậm tiến độ đến 14 năm.
Chủ đầu tư dự án trong giai đoạn này đã xin chuyển mục đích từ nhà ở để bán, sang nhà ở xã hội để giảm tiền thuê đất, nhưng hiện vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân chậm triển khai của dự án này là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính.
Theo UBND huyện Gia Lâm, trên địa bàn huyện có nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách bị chậm tiến độ là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính.
Chẳng hạn như dự án bến xe tải và dịch vụ công cộng của Công ty CP Vinafco được giao gần 2,5ha tại thị trấn Trâu Quỳ từ năm 2010, nhưng chậm triển khai, do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Đáng chú ý, vào tháng 2/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành thanh tra dự án này, nhưng đến nay chưa có kết luận.
Ngoài ra là các Dự án nhà xưởng sửa chữa phương tiện của Công ty CP xây dựng công trình giao thông 842, tại xã Kiêu Kỵ được giao đất từ năm 2012, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa triển khai; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm Việt Anh do Công ty TNHH dược phẩm Việt Anh làm chủ đầu tư, cũng chậm gần 10 năm nay; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội Cổ Bi do Công ty CP xây lắp I-Petrolimex làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2013, nhưng đến nay chưa thể triển khai.
Dự án xây dựng nhà ở để bán do Công ty xây dựng Hồng Hà làm chủ đầu tư, năm 2014, dự án này đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng tính đến nay đã 14 năm vẫn chưa thể triển khai; Dự án xây dựng trại lợn giống ông bà của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cũng đã chậm đến 8 năm trời do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính; Dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Giang do Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị làm chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2014 đến nay chưa thể triển khai.
Trong số 07 dự án nêu trên, UBND huyện Gia Lâm đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội báo cáo Thành phố cho thanh tra việc sử dụng đất tại Công ty CP xây dựng công trình giao thông 842, Công ty CP xây lắp I - Petrolimex và Công ty CP giống gia súc Hà Nội để xử lý dứt điểm theo quy định.
Ngoài ra, tháng 12/2017 Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thanh tra việc sử dụng các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách tại dự án Bến xe tải và dịch vụ công cộng của Công ty CP Vinafco; Xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm Việt Anh của Công ty TNHH dược phẩm Việt Anh; Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Giang; Xây dựng Nhà ở để bán của Công ty xây dựng Hồng Hà. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa ban hành Kết luận thanh tra.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, việc chậm triển khai dự án dẫn đến để đất hoang hóa, lãng phí. “Tất cả các dự án này đều thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP nên UBND huyện đã đề nghị TP xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Nếu theo đúng tinh thần của TP tại phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP ngày 13/8 thì các dự này sẽ phải thu hồi, giao cho các nhà đầu tư khác thực hiện”.
Theo thống kê của UBND huyện Gia Lâm hiện nay trên địa bàn huyện còn 69,63ha đất chưa sử dụng, chiếm 0,6% diện tích đất tự nhiên. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, huyện có 24 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách được UBND thành phố cho phép triển khai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Phổ biến là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất; chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng; chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chậm nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra còn có các vi phạm về sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại không đúng quy định.
|