Chỉ 06 quận, huyện đã "ngót nghét" 200 dự án chậm
Mới đây HĐND thành phố Hà Nội đã lập các đoàn giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn 06 quận huyện.
Theo đó, huyện Mê Linh có 62 dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai. Các dự án này là chủ đầu tư chưa thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, nên chưa có cơ sở xác định chính xác vị trí khu đất thương phẩm phải thu hồi, chưa có cơ sở lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi và giao đất, lập phương án sử dụng đất.
Quận Bắc Từ Liêm có 25 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai như chậm giải phóng mặt bằng; không đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng; chậm tiến độ thực hiện dự án sau 24 tháng so với dự án đầu tư được phê duyệt; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó bao gồm 5 dự án chưa giao đất, 20 dự án đã giao đất. Có nhiều dự án trên 10 năm chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai, nhiều dự án có nguyên nhân từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Toàn quận Nam Từ Liêm có 48 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, có 17 dự án chưa giao đất do chậm GPMB, hoặc chủ đầu tư thiếu năng lực và người dân không đồng thuận thực hiện dự án; 18 dự án đã giao đất, nhưng vướng do điều chỉnh quy hoạch, hoặc chủ đầu tư không triển khai theo tiến độ.
Đáng lưu ý, trong đó có 34 dự án được Thường trực, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố giám sát năm 2012 - 2015 đã có kiến nghị thanh kiểm tra làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chậm.
Tính từ năm 2010 đến hết năm 2017, trên địa bàn quận Hoàng Mai có tổng số 142 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Trong đó, có 27 dự án đã triển khai đưa vào sử dụng, 39 dự án đang triển khai thi công, 51 dự án đang hoàn thiện thủ tục pháp lý và thực hiện GPMB, 25 dự án chậm triển khai.
Quận Thanh Xuân, có 19 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 2 dự án chưa hoàn thành công tác GPMB, 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án, 6 dự án có vướng mắc do nguyên nhân khác.
Quận Hà Đông có 7 dự án đã giao đất nhưng chậm triển khai, 4 dự án tồn đọng chưa giải quyết theo kiến nghị của HĐND thành phố khóa XIV tại Báo cáo giám sát số 53/BC-HĐND năm 2012.
Nguyên nhân bị chậm triển khai là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để GPMB; thay đổi người đại diện; chuyển nhượng dự án; đầu tư không đúng tiến độ được giao và nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Ngoài ra, do chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB có thay đổi, một số người dân không chấp hành quyết định thu hồi đất, hoặc thỏa thuận nhiều lần không thành.
Tại huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện vẫn còn các đơn vị sử dụng đất kém hiệu quả, cho thuê lại đất sai quy định, không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Một số chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc thiếu năng lực tài chính, có dự án thay đổi nhiều lần chủ đầu tư, chưa xác định rõ cơ chế tài chính để thực hiện dự án; dự án phải thay đổi quy mô, điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, chậm đưa đất vào sử dụng…
Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện có 52 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 19 dự án đã có quyết định thu hồi đất, còn 33 dự án chưa có quyết định thu hồi đất.
Huyện Ba Vì, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ đưa vào thực hiện. Trong đó, có 5 dự án chậm hoàn thành GPMB, điều chỉnh quy hoạch dự án dẫn đến chậm triển khai.
Nhiều khu vực của siêu dự án Khu đô thị Nam đường 32 (Westpoint Nam đường 32) của Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch. |
Nợ thuế
Đến tháng 5/2018, quận Hoàng Mai vẫn còn 7 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất đang nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp là 805,871 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu 01 dự án, nợ chờ xử lý 01 dự án, nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó thu 05 dự án.
Cụ thể, dự án tòa nhà chung cư – VPHH tại số 12, ngõ 115 Định Công chủ đầu tư Công ty TNHH Định Công thuộc nhóm nợ khó thu, số tiền nợ sử dụng đất và tiền chậm nộp của doanh nghiệp này là 132,969 tỷ đồng.
Dự án xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên của Công ty cổ phần thiết kế - kiểm định và địa kỹ thuật tại 13 đường Nguyễn An Ninh thuộc nhóm nợ chờ xử lý với số tiền 11 tỷ đồng.
Và 05 dự án có khả năng thu nhưng thực tế khó thu bao gồm: Dự án VP, TTTM và nhà ở 52 Lĩnh Nam của Công ty CP Lilama, số tiền nợ 65 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở bán cho cán bộ chiến sỹ Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà 14 tỷ đồng; Dự án nhà ở Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà 140 tỷ đồng; Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào của Công ty CP ĐT và Phát triển Lũng Lô 5, số tiền nợ 323 tỷ đồng; Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục III – Bộ Công an chủ đầu tư chủ là Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam, số tiền nợ 117 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Hà Nội, toàn quận Hà Đông cũng có 6 dự án chậm triển khai đang nợ 101,4 tỷ đồng.
Tại quận Thanh Xuân trong số 15 dự án nợ tiền sử dụng đất thuộc danh mục báo cáo giám sát tháng 5/2015 của HĐND TP đến nay, 8 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và 7 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ này.
Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.