Quyết dựa vào dự án BT, Hà Nội chỉ đạo ưu tiên đủ đất đối ứng cho nhà đầu tư

VietTimes -- Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã điều chỉnh tăng danh mục dự án đầu tư theo hợp đồng BT lên trên 20 dự án, tổng mức đầu tư lên 281.155 tỷ đồng. Hôm qua (4/7), UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, xác định quỹ đất đủ điều kiện để thanh toán cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên bố trí đủ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.
Một khu đất đối ứng cho dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên.
Một khu đất đối ứng cho dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên.

Nhiều công trình trọng điểm chậm

Tháng 12/2016 HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục 52 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 503.374 tỷ đồng.

Tháng 12/2017, Hà Nội chấp thuận bổ sung danh mục này, điều chỉnh thành 55 dự án với tổng mức đầu tư 486.991 tỷ đồng.

Trong đó, có 27 dự án dùng vốn Ngân sách và ODA, 26 dự án PPP và 02 dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Theo đánh giá của Thành phố, thời gian qua quá trình triển khai một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của 02 tuyến đường sắt; dự án mở rộng đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II,… còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.

Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh như Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Phụ sản,… cũng dẫn đến chậm.

Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai thực hiện; chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, nghành tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch giao vốn.

Đối với các dự án PPP và xã hội hóa UBND Thành phố yêu cầu đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các công trình trọng điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì tiếp tục thực hiện việc rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó yêu cầu ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán các dự án BT trọng điểm.

Nở rộ dự án BT

Trong Danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 trước đây của Hà Nội đã liệt kê 18 dự án BT tổng mức đầu tư 125.676 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ họp thứ 5 cuối năm 2017 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã điều chỉnh, bổ sung Danh mục này, nâng tổng mức đầu tư cho các dự án BT lên 281.155 tỷ đồng.

Trong đó, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần TASCO HĐND TP. Hà Nội bổ sung thêm dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức BT vào Danh mục các dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.

Đồng thời, Hà Nội cũng thống nhất điều chỉnh nguồn vốn từ “ngân sách thành phố, ODA” thành “ngân sách thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị. Bao gồm: Tuyến số 4 giai đoạn I, đoạn Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt dài 13km đi ngầm, dự kiến đầu tư 40.000 tỷ đồng; Tuyến số 5 giai đoạn I, đoạn từ Văn Cao đến đường Vành đai 4, dài 15km dự kiến 35.000 tỷ đồng; Tuyến số 8, đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá dự kiến 50.000 tỷ dài 37,38km; Và tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài dài 17,9km dự kiến 25.000 tỷ đồng.

HĐND TP. Hà Nội đã quyết định chuyển đổi từ hình thức “BOT” thành “BOT hoặc BT” đối với 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, danh sách các dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 cũng có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT lớn. Cụ thể như: Xây cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tổng mức đầu tư dự  kiến 17.000 tỷ đồng; Cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng, dài 3,1km, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh), tổng mức đầu tư 6.068 tỷ đồng.

Danh sách các dự án BT tiếp tục được kéo dài với hàng loạt các dự án khác như: Xây đường Vành đai 3,5, đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng; Trục Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến Quốc lộ 32, tổng mức đầu tư 3.604 tỷ đồng; Trục phía Nam, đoạn từ Km19+900 đến QL1A cũ, tổng mức đầu tư 3.580 tỷ đồng; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư 2.624 tỷ đồng; Trục Hà Nội - Xuân Mai đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3, tổng mức đầu tư 1.636 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông, tổng mức đầu tư 3.179 tỷ đồng;...

Với số lượng dự án BT trọng điểm như vậy, có thể thấy Hà Nội đã xác định biện pháp xử lý nhu cầu bức thiết về hạ tầng là dựa vào nguồn vốn xã hội hóa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng về quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư là rất lớn, trong khi nguồn tài nguyên đất đai của thành phố ngày càng cạn kiệt.