Tiếng ầm ầm của công trình thường xuyên vang lên ở thành phố Đào Viên ở phía bắc Đài Loan. Âm thanh này thời gian qua đã trở nên phổ biến hơn trên hòn đảo này. Đây cũng là âm thanh báo hiệu sự thay đổi ở Trung Quốc đại lục.
Hàng chục công nhân đeo khẩu trang di chuyển khắp công trường trong khi hai cần cẩu được dựng lên sừng sững. Quanta Computer, nhà sản xuất thiết bị điện tử đứng thứ ba thế giới, đang xây dựng một nhà máy mới. Công ty này đang đầu tư khoảng 15 tỷ Tân Đài tệ (500 triệu USD) ở đây để tăng cường sản xuất các thiết bị như thiết bị viễn thông được sử dụng trong các máy chủ.
"Chúng tôi chưa bị ảnh hưởng bởi virus corona, vì vậy việc xây dựng vẫn đúng tiến độ", một công nhân nói với Nikkei Asian Review.
Quanta không phải là công ty duy nhất thực hiện điều này. Từ tháng 1/2019 đến ngày 21/5/2020, 189 công ty đã nộp đơn xin ưu đãi của chính quyền để đầu tư hơn 761,4 tỷ Tân Đài tệ (25,4 tỷ USD) vào Đài Loan. Phần lớn tiền được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi "công xưởng của thế giới"
Các nhà sản xuất công nghệ của Đài Loan đã đi đầu trong xu hướng đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi "công xưởng của thế giới" khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh dẫn đến việc các công ty không muốn sản xuất máy chủ và chip ở Trung Quốc nữa.
Quanta cung cấp máy chủ của trung tâm dữ liệu cho các “ông lớn” công nghệ của Mỹ như Facebook và Google. Hiện tại, công ty này lắp ráp các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thành sản phẩm tại nhà máy ở Mỹ hoặc Mexico. Nhà máy mới tại Đào Viên sẽ thay thế nhà máy Trung Quốc sản xuất một số sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào Đài Loan dựa trên nhu cầu từ khách hàng của chúng tôi", Chủ tịch công ty Quanta, ông Barry Lam nói.
Ông Lam cũng nói rằng ngày càng nhiều khách hàng trong lĩnh vực viễn thông không muốn thiết bị có bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc do áp lực của Mỹ lên Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc khác.
Các nhà sản xuất sản xuất điện tử hàng đầu khác của Đài Loan cũng đang đầu tư thêm ở đây.
Innolux, nhà sản xuất màn hình hiển thị thuộc sở hữu của Hon Hai Precision Industry, hay Foxconn, đang đầu tư thêm 70,1 tỷ Tân Đài tệ vào Đài Loan.
Foxconn là nhà cung cấp cho Apple. Hiện họ sản xuất các bộ phận quan trọng ở Đài Loan và lắp ráp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty này đang dự định bắt đầu sản xuất hoàn toàn một số sản phẩm ở Đài Loan.
Foxconn đang xây dựng một nhà máy mới ở thành phố Đài Nam và nhà máy này sẽ vận hành gần như hoàn toàn tự động.
Nhà cung cấp bảng mạch in Unimicron Technology sẽ chi 26,5 tỷ Tân Đài tệ để mở rộng nhà máy ở Đài Loan. Mặc dù công ty này có cơ sở sản xuất cả ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, họ đã phân bổ 80% chi phí vốn cho Đài Loan trong năm nay.
Nỗ lực bớt phụ thuộc vào Trung Quốc
Chính quyền Đài Loan đóng vai trò lớn trong việc đưa các công ty Đài Loan trở lại hòn đảo này. Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, đã đưa ra các ưu đãi đầu tư mới vào tháng 1/2019 với mong muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục.
Ưu đãi này bao gồm nới lỏng các hạn chế đối với lao động nước ngoài và giúp trả lãi cho các khoản vay của tư nhân. Các công ty chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định như đã đầu tư vào Trung Quốc đại lục từ hai năm trở lên hoặc gặp khó khăn do thương chiến Mỹ - Trung.
Mặc dù đơn đăng ký thườn tăng vọt vào năm đầu tiên áp dụng ưu đãi, khoảng 700 tỷ Tân Đài tệ đã được phê duyệt vào năm 2019, gấp năm lần số tiền được phê duyệt đầu tư vào Trung Quốc đại lục trong năm đó.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục giảm một nửa vào năm 2019. Mỹ đã áp thuế 10% lên máy chủ, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử khác sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 9/2018. Mức thuế này sau đó tăng lên 25% vào tháng 5/2019. Các sản phẩm được sản xuất tại Đài Loan không bị ảnh hưởng bởi mức thuế trên.
Các nhà sản xuất Đài Loan bắt đầu dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc đại lục vào những năm 1990 để tận dụng lao động giá rẻ hơn của Trung Quốc. Họ thậm chí còn đi trước các đối thủ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Các nhà sản xuất theo hợp đồng như Foxconn và Quanta là thế lực đứng sau xu hướng này. Họ đóng vai trò chính trong việc biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất.
Khoảng 70% quy trình sản xuất của các công ty này là ở Trung Quốc đại lục. Ước tính 700.000 đến 1 triệu doanh nhân Đài Loan đã tìm kiếm vận may của mình tại Trung Quốc.
Nhưng lợi thế về chi phí của việc sản xuất ở Trung Quốc đại lục đã giảm. Mức lương tối thiểu tại thành phố Đông Quan, nơi nhiều công ty Đài Loan đặt nhà máy, đã tăng hơn bốn lần trong 20 năm qua và đạt đến mức 1.720 nhân dân tệ (240 USD) mỗi tháng.
Con số này chỉ bằng một phần ba mức lương ở Đài Loan. Nhưng ngày càng ít người chịu làm việc trong nhà máy. "Đôi khi chúng tôi phải đưa ra mức lương gấp hai hoặc ba lần mức tối thiểu để tuyển dụng đủ nhân công", một giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất theo hợp đồng Đài Loan cho biết.
Đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ đẩy nhanh việc chuyển nhà máy trở lại Đài Loan. "Sự mất lòng tin ở Trung Quốc đang gia tăng ở Mỹ và Châu Âu. Điều này sẽ thúc đẩy nhiều công ty đánh giá lại chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào Trung Quốc của họ", ông Darson Chiu thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan nói.
Công ty Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã quyết định xây dựng một nhà máy mới ở Mỹ. Những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip của Mỹ đã gây trở ngại cho việc TSMC làm đối tác sản xuất chip cho Huawei.
Các công ty Đài Loan cũng không thể tránh khỏi tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những nỗ lực của Đài Loan có thể trở thành trường hợp kiểm thử trong bối cảnh thế giới đang xem xét lại về chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra các hệ thống an ninh mạng và một chuỗi công nghiệp có thể bảo vệ đất nước của chúng tôi và đạt được sự tin tưởng của thế giới", bà Thái Văn Anh tuyên thệ trong bài phát biểu nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/5.