Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về bài báo - công trình nghiên cứu "Simultaneous microscopic description of nuclear level density and radiative strength function" (Mô tả vi mô đồng thời mật độ mức và hàm lực phóng xạ của hạt nhân nguyên tử) được đăng tải trên Physical Review Letters ngày 9/1 của 3 tác giả ThS Lê Thị Quỳnh Hương, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng và TSKH Nguyễn Đình Đăng.
Trong thư, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đây là lần đầu tiên công trình nghiên cứu trong lĩnh vực hạt nhân thực hiện tại Việt Nam do tác giả là người Việt Nam được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín của lĩnh vực vật lý. "Bài báo có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu vật lý hạt nhân ở Việt Nam, là niềm tự hào cho khoa học cơ bản nước nhà", ông Ngọc Anh viết.
Bộ trưởng chia sẻ vật lý hạt nhân luôn là một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước. Tuy nhiên, nghiên cứu vật lý hạt nhân ở Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Do đó các nhà khoa học Việt Nam vẫn phải thường xuyên hợp tác với đối tác nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và ra nước ngoài làm việc trên những máy gia tốc mà Việt Nam chưa có.
Ông Chu Ngọc Anh gửi lời cảm ơn nhóm tác giả đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khó như vật lý hạt nhân khi điều kiện khoa học nước nhà còn khó khăn. "Thành công của các bạn đã đóng góp chung cho thành công của lĩnh vực vật lý Việt Nam và của nền khoa học Việt Nam", Ông khẳng định.
Ba tác giả có bài bằng đăng trên Physical Review Letters gồm ThS Lê Thị Quỳnh Hương, giảng viên khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, Đại học Khánh Hòa (Nha Trang); PGS Nguyễn Quang Hưng, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng); và TSKH Nguyễn Đình Đăng, Viện Nghiên cứu vật lý và hóa học Nhật Bản (RIKEN).
Trong công trình nghiên cứu, nhóm nhà khoa học Việt đã lần đầu tiên xây dựng được mô hình lý thuyết cho phép mô tả đồng thời cả hai đại lượng là mật độ mức và hàm lực phóng xạ.
Bài báo được gửi đến tạp chí Physical Review Letters ngày 13/9/2016 và trải qua 3 vòng phản biện với 3 phản biện kín là các chuyên gia hàng đầu thế giới trong cùng lĩnh vực nghiên cứu. Nhóm phản biện công nhận bài báo thỏa mãn tiêu chí thứ hai của tạp chí là "nghiên cứu giải quyết, hoặc làm những bước căn bản để giải quyết những vấn đề cấp thiết đang tồn tại".