Bên cạnh đó, Chính quyền Thành phố cũng sẽ có những biện pháp nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp như rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp; khích lệ và tạo động lực cho tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp về quản lý, công nghệ, kỹ năng phần mềm…; kết nối phát triển doanh nghiệp của Thành phố qua Ngân hàng - Doanh nghiệp, Doanh nghiệp - Doanh nghiệp, Khoa học công nghệ - Doanh nghiệp, Thị trường - Doanh nghiệp…
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Tứ tại Hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” do UBND TP Hà Nội tổ chức hôm qua (21/9).
Có thể nhận thấy, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là một trong những động lực chính quyết định tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tỷ trọng sản phẩm của khu vực doanh nghiệp tạo ra chiếm 38% trên toàn địa bàn; tổng số việc làm tạo ra của khu vực doanh nghiệp chiếm 67%; đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp chiếm 40%.
Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, cải cách hành thủ tục hành chính, hợp tác với các tổ chức quốc tế tạo ra vuờn ươm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp,...
Tuy nhiên, ông Tứ cho biết, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô hiện nay vẫn gặp một số khó khăn như nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Hà Nội được đánh giá cao hơn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Hà Nội nói chung vẫn ở trình độ thấp so với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.
Giám đốc Công ty PeaceSoft Nguyễn Hòa Bình thì nhận định, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với thời gian trước. Chúng ta đang có một làn sóng các bạn trẻ năng động, đam mê khởi nghiệp và có nhiều điều kiện về vốn, tiếp cận thông tin... Nhưng cộng đồng khởi nghiệp vẫn đang gặp khó khăn khi chính sách của Nhà nước chưa ổn định, môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm không dám vào Việt Nam hoặc vào rồi lại muốn ra đi.
“Quan trọng hơn, các dự án khởi nghiệp bây giờ cần đặt vấn đề “toàn cầu hóa” ngay từ khi bắt đầu để vươn ra thế giới, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư hơn. Nhiều vườn ươm doanh nghiệp trong nước hiện ở trong tình trạng có “vườn” mà không có “ươm”, ông Bình nói.
Thực tế cho thấy có 80% doanh nghiệp ở Hà Nội khó tiếp cận được nguồn vốn do doanh nghiệp không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng do quy mô nhỏ và hạn chế. Cùng với đó là chưa tạo ra được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng và có chi phí thấp dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao trong khi chất lượng chưa cao nên đã giảm tính cạnh tranh của sản phẩm; kỹ thuật, công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp còn lạc hậu; kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp Hà Nội hiện nay.