CEO tại một số công ty công nghệ và viễn thông trên toàn cầu đã chia sẻ với CNBC rằng thế hệ Internet di động 6G có thể sẽ được giới thiệu vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo rằng không nên quá phóng đại về khả năng của công nghệ này để tránh làm cho người tiêu dùng hiểu lầm. Hơn nữa, hiện tại các nhà đầu tư vẫn đang cố gắng tìm cách kiếm lời sau khi đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào mạng 5G trong những năm gần đây.
Tại triển lãm thương mại di động lớn nhất thế giới Mobile World Congress diễn ra ở Barcelona tuần trước, 6G là chủ đề được đặc biệt quan tâm.
Công nghệ 5G vẫn chưa hoàn thiện
Các nhà mạng viễn thông tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đã triển khai dự án mạng 5G vào năm 2019. Ban đầu, 5G được giới thiệu là thế hệ internet di động với tốc độ kết nối cực kỳ nhanh. Tuy nhiên, đến nay, số lượng người dùng sử dụng mạng 5G vẫn còn rất thấp. Theo Strategy Analytics, chỉ có một phần bảy người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới sử dụng mạng 5G.
Theo các chuyên gia trong ngành viễn thông, 5G không phải là một "sản phẩm tiêu dùng" mà công nghệ này được xem như là một nền tảng cộng đồng cho các công nghệ kỹ thuật mới như ô tô tự lái hoặc taxi bay. 5G có độ trễ cực thấp, từ 5-20ms và nhiều nhà mạng đang cố gắng để cải tiến độ trễ xuống chỉ còn 1ms. Điều này có nghĩa là thời gian để các thiết bị kết nối với nhau sẽ được giảm đáng kể. Đây là tính năng quan trọng được thiết kế để đáp ứng các tình huống cần truyền dữ liệu khẩn cấp.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho biết họ vẫn chưa thể thu được lợi nhuận từ mạng 5G sau khi đầu tư hàng trăm tỉ USD vào công nghệ này. Các chuyên gia cho rằng tiềm năng phát triển của 5G hiện vẫn chưa được khai thác đầy đủ và trong tương lai, tiềm năng của nó mới được phát huy một cách toàn diện.
Vậy tại sao cần nâng cấp 6G?
Ngành công nghiệp viễn thông có những quy tắc tiêu chuẩn đặc biệt và yêu cầu kỹ thuật cao vì mạng công nghệ thường phải hoạt động và tương tác trên toàn cầu. Khả năng tương tác này đòi hỏi nhiều thời gian để xây dựng và hoàn thiện. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp chủ chốt, công ty, học giả và cơ quan quản lý trong ngành cũng phải tham gia để đưa ra ý kiến và thử nghiệm. Đây cũng là lý do tại sao mạng công nghệ mới luôn là đề tài được bàn luận sôi nổi và được quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia trong ngành.
Các nhà khoa học hiện đang tiến hành quá trình nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn 6G, và kết quả sẽ được cơ quan thiết lập tiêu chuẩn Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3 (3GPP) kiểm định và thông qua. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, mọi công việc vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Theo các chuyên gia đầu ngành viễn thông, việc khai thác tiềm năng của công nghệ 5G và nghiên cứu công nghệ 6G sẽ được thực hiện cùng lúc. Nhiều mạng 5G hiện tại được xây dựng từ các thiết bị và công nghệ 4G. Tuy nhiên, các nhà cung cấp mạng muốn triển khai dự án công nghệ 5G độc lập để thực hiện tiềm năng của nó. Ngoài ra, nhiều phần mềm hỗ trợ mạng 5G như quản lý lưu lượng dữ liệu sẽ được cải tiến.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã khởi động giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu nhưng các tiêu chuẩn 6G vẫn chưa được thiết lập rõ ràng. Điều này khiến nhiều người không thể tưởng tượng một cách thực tế về công nghệ mới.
Các chuyên gia cho biết công nghệ 6G sẽ đem lại mức độ an ninh mạng cao hơn và hỗ trợ nhiều tính năng trí tuệ nhân tạo hơn. Giám đốc điều hành của Nokia, Lundmark, nói rằng mạng 6G sẽ hoạt động như một cảm biến khổng lồ, có khả năng phát hiện kích thước, tốc độ và hướng đi của vật thể chuyển động. Tính năng này có thể hỗ trợ phát triển ứng dụng cho các nhà máy tự động và công nghệ xe tự lái.
Các chuyên gia dự đoán rằng công nghệ 6G sẽ được phát hành vào năm 2030. Công việc tiêu chuẩn hóa công nghệ đang được tiến hành một cách tích cực.
Cuộc đua công nghệ 6G đang diễn ra sôi nổi trong lĩnh vực viễn thông. Theo một số dự đoán, công nghệ 6G sẽ được giới thiệu chính thức tại Thế vận hội 2032 ở Brisbane, Australia, và chiếc điện thoại thông minh đầu tiên hỗ trợ công nghệ mới này sẽ được ra mắt vào năm 2029.
Theo CNBC