Trình độ Anh ngữ của người Việt ở mức trung bình thế giới
Theo Bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu do EF Education First vừa công bố, năm 2018 Việt Nam đứng thứ 41 trên tổng số 88 quốc gia được khảo sát. Vị trí của Việt Nam năm 2017 là 34 trên 80 quốc gia và năm 2016 là 31 trên 72 quốc gia. Trong khi đó, Singapore lần đầu tiên có mặt trong top 3 nước nói tiếng Anh thành thạo nhất thế giới. Đứng đầu bảng xếp hạng là Thụy Điển. Đây là lần thứ 4 trong vòng 8 năm, Thụy Điển giữ vị trí cao nhất.
Bảng xếp hạng này của EF Education First được đưa ra trên cơ sở khảo sát 1,3 triệu người sử dụng tiếng Anh, từ 16 tuổi trở lên, tại 88 quốc gia. Chưa có một nghiên cứu nào từ trước đến nay được thực hiện với số lượng người lấy mẫu lớn như vậy.
Bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu - Việt Nam đứng thứ 41 (nguồn: EF Education First)
|
Thực tế thì trình độ Anh ngữ của người Việt đã có sự tiến bộ nhất định trong 8 năm qua. Theo đánh giá của EF Education First, nếu như năm 2011 Việt Nam chỉ đạt được số điểm 44,32 - xếp ở mức “Rất thấp”, năm 2012 đạt 52,14 điểm – xếp ở mức “Thấp”, thì đến năm 2016 Việt Nam đã đạt điểm số 54,06, đứng ở vị trí “Trung bình” cho đến nay.
Tại châu Á, trình độ Anh ngữ của người dân Việt Nam đứng sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông, Hàn Quốc. Vị trí của Việt Nam là thứ 7 trên 21 quốc gia châu Á được khảo sát.
Tiến sỹ Minh Tran – Đại học Yale – Giám đốc Nghiên cứu và Hợp tác học thuật EF Education First, nói rằng Bảng xếp hạng này cho thấy các quốc gia và các cá nhân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tiếp tục đầu tư vào tiếng Anh do nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chỉ số EF EPI đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho Chính phủ, Doanh nghiệp và người học khi thảo luận về việc nâng cao trình độ Anh ngữ.
Một số điểm đáng chú ý trong Bảng xếp hạng của EF Education First
Bảng xếp hạng thông thạo Anh ngữ - châu Á (nguồn: EF Education First)
|
Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về mức độ thông thạo Anh ngữ, với 8/10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng.
Singapore trở thành quốc gia châu Á đầu tiên lọt vào top 3 bảng xếp hạng. Các quốc gia trong châu Á có sự phân hóa lớn về trình độ.
Châu Phi thể hiện sự tiến bộ về thành thạo Anh ngữ hơn các châu lục khác, với Algeria, Ai Cập và Nam Phi tăng từ 2 điểm trở lên.
Mỹ La tinh là châu lục duy nhất có chỉ số thông thạo Anh ngữ giảm nhẹ. Điểm số giữa các quốc gia trong châu lục này khá đồng đều.
Vì sao người dân Singapore thông thạo Anh ngữ và Việt Nam có đuổi kịp Singapore không?
Hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ chính tại Singapore chứ không phải ngôn ngữ bản địa (Malay, Hindu hay Hán ngữ). Ngay từ năm 1959, sau khi tách khỏi Malaysia, Thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu đã nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong phát triển kinh tế, nên ông đã quy định tất cả các trường học ở Singapore sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh. Kết quả là Singapore đã tạo ra một thế hệ dân số nói tiếng Anh thành thạo. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra mặt trái khi chỉ 10% học sinh Singapore nói được tiếng bản địa.
Thành công của Singapore cũng đến từ việc nước này rất chú trọng đào tạo giáo viên dạy Anh ngữ. Những người có tiếng Anh tốt sẽ được sàng lọc từ khi là học sinh trung học. 30% số người được chọn sẽ “đấu” theo tỷ lệ 1 chọi 8 để chọn người xuất sắc vào trường sư phạm. Khi đã trúng tuyển sư phạm thì Chính phủ Singapore sẽ chi trả toàn bộ học phí cho những người đó.
ông Minh Tran - Đại học Yale nói về những thành công của Singapore trong việc phổ cập tiếng Anh đến người dân
|
Không bằng lòng với những kết quả hiện tại, Singapore vẫn tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy cũng như áp dụng những thành tựu công nghệ vào giảng dạy Anh ngữ. Năm 2011, mặc dù dân số Singapore đều thông thạo tiếng Anh, nhưng chính phủ nước này vẫn thành lập Viện nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiếng Anh để cải tiến hơn nữa việc dạy học trong tương lai.
Vậy Việt Nam có thể áp dụng những chính sách như Singapore không?
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng khối chuyên Anh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy thì Việt Nam chưa thể so sánh Singapore do điều kiện về xã hội, đời sống cũng như thu nhập của nước bạn là rất cao. Giáo viên của Singapore có mức lương tốt, trong khi giáo viên Anh ngữ tại Việt Nam mức lương rất thấp. Chúng ta chưa thể áp dụng những chính sách giống như Singapore vào Việt Nam.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm cho biết trường nào cũng mong muốn cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh, tuy nhiên do là một trường công lập nên THPT Trần Phú có một số rào cản: Thứ nhất là việc tuyển giáo viên vẫn là chế độ thi tuyển xét tuyển liên quan đến nhiều ngành, không phải là trường muốn nhận giáo viên nào là được nhận; Thứ hai là ưu đãi của ngành đối với người giáo viên: Thứ ba là chương trình giảng dạy Anh ngữ tại Việt Nam chưa khoa học và thực tiễn - thời lượng dành cho môn tiếng Anh còn khiêm tốn, cách khảo thí vẫn theo khuôn mẫu cũ.
Trường THPT Trần Phú đã có những cố gắng khắc phục những hạn chế nói trên bằng cách cho học sinh tiếp xúc với giáo viên nước ngoài, liên kết với những trung tâm ngoại ngữ có bề dày, tổ chức những khóa học hè tại nước ngoài cho học sinh. Tất nhiên để làm được việc này cũng không đơn giản, bởi cần có sự hợp tác của phụ huynh và học sinh, của giáo viên cũng như cần nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng dạy ngoại ngữ.
Bà Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội
|
Bà Trần Thị Hải Yến cho biết trong những năm gần đây, Bộ và Sở Giáo dục Đào tạo đã có những cơ chế mở hơn cho mỗi trường trong việc tuyển chọn giáo viên cũng như xây dựng giáo án giảng dạy Anh ngữ. Trường THPT Trần Phú hiện nay đã phần nào được tự quyết trong việc tuyển giáo viên Anh ngữ. Từ năm 2014 trường đã được thí điểm xây dựng chương trình giảng dạy riêng, biên soạn lại căn cứ trên chương trình phổ thông hiện hành, đặc biệt là môn tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thị Cúc, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết do đặc điểm của trường là Tư thục nên việc tuyển lựa giáo viên được chủ động. Các giáo viên dạy Anh ngữ của trường đều là những người có trình độ tốt. Hàng tuần học sinh của trường đều được học với giáo viên nước ngoài.
Công nghệ và Internet sẽ là chìa khóa cho việc nâng cao ngoại ngữ của người Việt
Công nghệ là một trong những động lực mạnh mẽ nhất trong hoạt động học tập tiếng Anh. Các thiết bị và nền tảng kỹ thuật số cho phép người học tiếp xúc với hàng loạt nguồn tiếng Anh đáng tin cậy và giải phóng họ khỏi phương pháp giảng dạy một chiều từ trên xuống dưới.
Bà Cao Phương Hà, Giám đốc điều hành EF Education First Việt Nam nhận xét hệ thống giáo dục ở nước ta đã có những đổi mới về chính sách và phương thức triển khai. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa trình độ Anh ngữ, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới trong những năm tiếp theo. “Thời đại 4.0 với những bước nhảy vọt về công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học tập. Anh ngữ là điều kiện tiên quyết để tiếp cận với văn minh nhân loại. Vì vậy, giáo dục không nên coi tiếng Anh như một môn học nữa mà là ngôn ngữ bắt buộc cần thiết cho phát triển và hội nhập” – bà Cao Phương Hà cho biết.
Bà Cao Phương Hà, Giám đốc điều hành EF Education First Việt Nam
|
Bà Hồng Anh, Tổ trưởng chuyên môn Anh ngữ trường tiểu học Newton cho biết ngày nay các phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh rất sớm, không phải đến lúc học tiểu học các em mới được tiếp xúc với tiếng Anh. Từ 2-3 tuổi, cá biệt có trường hợp 1-2 tuổi, đã được học tiếng Anh thông qua các ứng dụng các phần mềm trên iPad, smartphone. Vì vậy, nhiều em khi vào học lớp 1 tại trường Newton đã có những nền tảng Anh ngữ nhất định.
Hiện nay việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Anh đã được triển khai rộng rãi không chỉ ở những nước phát triển như Singapore mà cả những quốc gia đang phát triển như Philippines, Việt Nam.
bà Hồng Anh, Tổ trưởng chuyên môn Anh ngữ trường tiểu học Newton
|
Ở Việt Nam hiện nay có một thuận lợi là tỷ lệ người sử dụng Internet khá cao. Theo thống kê của Statista, nếu như năm 2007 Việt Nam mới chỉ có 18 triệu người sử dụng Internet, thì đến năm 2017 con số này đã tăng lên 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số. Số lượng người sử dụng smartphone là 28,77 triệu người. Tất nhiên không phải tất cả những người này đều sử dụng Internet hay smartphone để học tiếng Anh, nhưng đây là một tiền đề thuận lợi để người dân nâng cao trình độ Anh ngữ.
Ở trường THCS Trần Phú, được sự tài trợ của tập đoàn Samsung, nhà trường có một chiếc bảng thông minh kết nối với 50 máy tính bảng. Cô và trò cùng tương tác trong một môi trường học mở với sự hỗ trợ của công nghệ. Bà Trần Thị Hải Yến hy vọng rằng những thiết bị này có thể xuất hiện ở nhiều trường học hơn để hỗ trợ tích cực cho việc học ngoại ngữ của học sinh Việt Nam.
EF Education First là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới, tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa. Được thành lập từ năm 1965, cho đến nay EF Education First đã có 580 điểm trường và văn phòng tại hơn 50 quốc gia. Trong vòng 8 năm qua, EF Education First đều đưa ra các bảng xếp hạng kỹ năng toàn cầu. Người học tiếng Anh có thể thử trình độ của mình thông qua bài test miễn phí của EF Education First tại địa chỉ http://www.efset.org/ |