Trong số những điểm còn yếu kém của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 khiến năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu, một trong những vẫn đề khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lo lắng nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều vướng mắc.
“Giấy tờ, văn bản, quy định… cái gì không cần thiết ta bỏ đi. Đi liền với nó là tư cách, trách nhiệm, đạo đức cán bộ. Nhân đây tôi cũng nói với các đồng chí luôn thế này, phản ảnh ở địa phương là: Đến gặp Bộ trưởng thì tốt, trao đổi tận tình, ngoài giờ cũng gặp, hướng dẫn chu đáo nhưng từ thứ trưởng là có chuyện. Có những đồng chí thứ trưởng cứ gặp là sợ, đưa việc là tránh. Trách nhiệm các đồng chí phải làm chứ. Các đồng chí lãnh đạo các địa phương ngồi chờ đây, các đồng chí phải sốt ruột chứ. Thế nên tôi nói, cải cách hành chính phải đi liền với việc nâng cao đạo đức cán bộ. Khi có quy định rồi mà không muốn làm đặt ra đủ thứ, bắt làm thế này, bắt làm thế kia, thêm vốn, bỏ vốn... là không được”.
Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự không hài lòng khi có nhiều Bộ, ngành, địa phương không có chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ – CP do Chính phủ ban hành tháng 3/2015. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tính đến ngày 19/6/2015, Bộ KH&ĐT mới nhận được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của 12 Bộ và cơ quan và 12 UBND các tỉnh, thành phố. Như vậy, vẫn còn 13 Bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Kế hoạch hành động. Đáng lưu ý, có địa phương dù được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho nước ta, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
“Công việc quan trọng như thế chỉ có một số bộ triển khai kế hoạch còn những bộ khác chưa có kế hoạch, chưa tập trung. Vướng mắc, khó khăn chậm trễ như thế thì chúng ta phải làm thế nào?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu phải làm rõ quá trình triển khai Nghị quyết 19 có thuận lợi khó khăn gì để tập trung chỉ đạo, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Những “điểm nghẽn” khác của nền kinh tế được Thủ tướng chỉ ra tại phiên họp gồm:
Thứ nhất, nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ.
Thứ hai, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại khiến nhập siêu trong 6 tháng lên đến 3,7 tỷ USD, gây sức ép lên khả năng ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta không có cách nào khác là phải đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, những mặt hàng trong nước chúng ta sản xuất được theo đúng cam kết quốc tế.
Thứ ba, thu hút khách du lịch còn nhiều hạn chế. “ Tôi xin hỏi, có lý do gì mà năm nay Myanmar thu hút 5 triệu khách du lịch quốc tế mà Việt Nam cũng chỉ có 7 triệu. Chúng ta nói nào là ổn định chính trị, cảnh quan đẹp, đủ thứ hết mà như vậy thì không thể được. Đây là tiềm năng, lợi thế, là chỗ giải quyết việc làm, là đời sống nhân dân. Lần trước đã thảo luận rồi, tới tháng này cũng chưa có chuyển biến gì”, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi.
Thứ 4 là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn rất chậm, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Thứ 5 là việc đưa công nghệ thông tin vào, cải cách chính phủ điện tử, cải cách dịch vụ công. “Như ví dụ mới đây Bộ Tài chính làm 1 cái thông tư giảm được 30 – 40 giờ. Tôi đề nghị, giấy tờ, văn bản, quy định, cái gì không cần thiết thì mạnh dạn bỏ đi. Chúng ta cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mà đầu tiên là phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung mà phải khắc phục cho được”, Thủ tướng nói.
Với tinh thần đó, trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng thực hiện đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bao gồm các các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Theo: Báo Đầu Tư