Có không chuyện URC hối lộ báo chí?

Vụ trà xanh C2 và tăng lực Rồng Đỏ nghi nhiễm chì lại dấy lên khi một tài khoản Facebook trưng tài liệu tố hàng loạt cơ quan báo chí nhận tiền khủng để “nương nhẹ” cho URC...
Những nội dung thông tin nói về URC trên trang Facebook của Ngoc Nga Tran
Những nội dung thông tin nói về URC trên trang Facebook của Ngoc Nga Tran

Ngày 24-5, tài khoản Facebook Ngoc Nga Tran tiếp tục tung thông tin lên tố cáo Công ty Golden Communication Group (Truyền thông Vàng) có “mối quan hệ cộng sinh quái đản” với Công ty TNHH URC VN (sản xuất các thương hiệu nước giải khát C2, tăng lực Rồng Đỏ...).

Facebooker này cho rằng URC VN rất tự tin là dùng tiền sẽ có thể vượt qua mọi “sự cố”, đồng thời cho rằng Golden Communication Group “chuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông quảng bá sản phẩm kém chất lượng và thực hiện các chiến dịch che đậy, dẫn dắt dư luận và bóp méo sự thật cho URC VN”.

Bị “tấn công” trên Facebook

Facebooker Ngoc Nga Tran công bố luôn chứng cứ là tài liệu nội bộ, email cá nhân của lãnh đạo Golden Communication Group, trong đó nêu danh sách chi tiền cho các báo để các báo quay sang bênh vực URC.

Danh sách trên được liệt kê gồm nhiều tờ báo lớn, đa số là báo điện tử, ám chỉ cả tờ báo in “xxx rất lớn”. Ngoc Nga Tran còn nói URC chi tiền để “tấn công” Bộ Y tế...

Tại cuộc làm việc với báo Tuổi Trẻ chiều 24-5, đại diện URC đưa bằng chứng cho rằng thông tin trên mạng là bịa đặt.

Theo ông Nguyễn Phước Quý Trường, quản lý nhãn hàng của URC, bản chụp email mà Ngoc Nga Tran tung lên mạng (phần liên quan đến 2 cán bộ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) đã được chỉnh sửa.

Theo email mà ông Trường cho là nguyên gốc, nhân viên URC khi chuẩn bị gặp đại diện Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia đã đề xuất công ty chi 1 triệu đồng (viết tắt tiếng Anh là 1M) và quà là một số chai C2, coi như đây là việc trả tiền đi lại cho phía cán bộ viện.

“Tuy nhiên, thư được trưng ra trên Facebook thì ghi nhân viên đề xuất khoản tiền 1B, tức 1 tỉ” - ông Trường nói.

Việc tung tin URC hối lộ các cơ quan báo chí, theo ông Trường, cũng là bịa đặt.

Bà Nguyễn Minh Hương - tổng giám đốc Golden Communication Group - nói đã chính thức gửi đơn lên Bộ Công an đề nghị các cơ quan điều tra vào cuộc để đưa ra ánh sáng những hành động bôi nhọ báo chí và bôi nhọ doanh nghiệp.

Cơ quan báo chí lên tiếng

Ngay trong ngày 24-5, khi thấy có tên mình trong danh sách cơ quan báo chí mà Ngoc Nga Tran nêu là “bán rẻ lương tâm” để nhận 1,1 tỉ đồng, báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã đăng bài chính thức khẳng định bài viết của Ngoc Nga Tran “có nội dung quy kết mang tính bịa đặt, vu khống gây ảnh hưởng đến uy tín của vov.vn”.

Theo tờ báo này, không có phóng viên nào của vov.vn có tên giống như trang Facebook này ghi. Vov.vn không có bất kỳ hợp đồng quảng cáo, tài trợ nào với Công ty URC.

Theo đại diện vov.vn, cơ quan này “đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ động cơ, mục đích cũng như thông tin mà người đang sử dụng Facebook Ngoc Nga Tran đưa ra, giúp minh bạch dư luận”.

Báo Đời Sống và Pháp Luật cũng đăng bài khẳng định Ngoc Nga Tran cố tình lấy riêng rẽ một số link bài viết (không đầy đủ và không mang tính cập nhật theo sát sự việc) trên website doisongphapluat.com để đưa ra những nội dung quy kết mang tính vu khống, bịa đặt. 

Tờ báo này cũng đề nghị điều tra, làm rõ việc vu khống, bịa đặt.

Theo đại diện báo Giao Thông, sáng 25-5, chi hội nhà báo báo Giao Thôngcó văn bản gửi lãnh đạo Hội Nhà báo VN, cho biết ngay sau khi có thông tin trên Facebook, lãnh đạo báo Giao Thông đã làm việc với nhà báo Xuân Thu - người có tên trong danh sách trên mạng và bị tố nhận 200 triệu đồng để “bảo vệ URC”.

“Nhà báo Xuân Thu khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật, kẻ xấu cố tình bôi nhọ, vu khống nhà báo. Trong vụ việc của URC, báo Giao Thôngluôn nhất quán và khách quan khi thông tin” - đại diện báo Giao Thông nhấn mạnh.

Một tờ báo điện tử khác có tên trong danh sách của Facebook Ngoc Nga Tran cũng cho biết họ đã làm việc với người bị cho là nhận tiền, qua đó có thể kết luận hoàn toàn không có việc phóng viên nhận tiền khủng để làm sai lệch hoặc bênh vực URC.

Tuy nhiên, theo vị đại diện này, có người gọi đến nói sẵn sàng ký hợp đồng truyền thông nhưng hai bên chưa bàn và chưa ký bất kỳ hợp đồng nào.

Toàn bộ hệ thống email bị lấy cắp?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngày 25-5 các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tiếp nhận thông tin từ phía URC và một số cơ quan thông tấn báo chí đề nghị điều tra làm rõ việc trên mạng xã hội đăng tải thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như một số tờ báo.

Trong đơn gửi đến Bộ Công an, phía URC cho biết toàn bộ hệ thống email của họ bị lấy cắp, rồi bị giả mạo để làm sai lệch thông tin và đăng tải lên Facebook với ý đồ vu khống, bôi nhọ doanh nghiệp.

Trong đơn kiến nghị, URC khẳng định hoàn toàn không có chuyện doanh nghiệp này dùng tiền để hối lộ các đơn vị của Bộ Y tế cũng như một số cơ quan thông tấn báo chí.

Tất cả thông tin được đăng tải và phát tán về vụ việc đều là giả mạo. URC đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Công an sớm vào cuộc điều tra.

Cùng ngày báo Giao Thông cũng có công văn gửi đến Thanh tra Bộ TT&TT, Bộ Công an, Cục An ninh thông tin truyền thông đề nghị điều tra làm rõ việc trên mạng xã hội đăng tải thông tin cáo buộc một trưởng ban của báo nhận hối lộ từ phía URC.

Báo Giao Thông đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng của Bộ Công an sớm vào cuộc điều tra làm rõ người thông tin sai sự thật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Về câu hỏi URC có được bán các lô C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt mức công bố, sau khi công ty tự gửi mẫu kiểm nghiệm, phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên không trả lời thẳng câu hỏi này, nhưng đề nghị áp dụng nguyên tắc số 1 phải là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện có nhiều kết quả kiểm nghiệm liên quan đến các lô C2 và Rồng Đỏ đang bị ngưng sử dụng, trong đó kết quả thực hiện tại labo của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phát hiện nhiều lô C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt mức công bố.

Trao đổi vớiTuổi Trẻ, đại diện URC nói do các mẫu kiểm tra ở các nơi khác có kết quả an toàn nên công ty cho lưu thông hàng hóa trở lại.

Trong thời gian từ tháng 1-2016 đến tháng 4-2016, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã kiểm nghiệm nhiều lô trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu của URC, kết quả là phát hiện các lô sản xuất ngày 11-1-2016, 4-2-2016 (trà xanh hương chanh C2), 14-1, 19-2-2016 và 10-11-2015 (tăng lực Rồng Đỏ hương dâu) cùng 1 lô nguyên liệu có hàm lượng chì vượt mức công bố.

Hiện Bộ Y tế chưa trả lời việc bán hàng ra khi có lô hàng bị coi sản phẩm không an toàn, nhưng khi mới bắt đầu vụ việc, tức khoảng ngày 10-5 vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc bán như vậy là không hợp pháp và sẽ bị xử phạt nghiêm.

Theo Tuổi trẻ