Cô gái từng muốn tự tử chỉ vì da mặt bị tàn phá do dùng mỹ phẩm chào bán trên mạng xã hội

VietTimes – Các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân  bị tổn thương da mặt nặng nề do dùng mỹ phẩm trôi nổi được chào bán, quảng cáo trên mạng xã hội.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Chịu đau để làm đẹp

Do da mặt xuất hiện nhiều vết nám cùng trứng cá nên chị N.B.N., 26 tuổi, sống ở Nghệ An đã tự tìm hiểu về dưỡng chất trị nám, trứng cá và sản phẩm thay da sinh học trên mạng xã hội.

Với những lời quảng cáo hấp dẫn như sản phẩm sẽ bóc hết lớp da nám, mụn và thay thế bằng một làn da mới đẹp và trắng sáng hơn, chị N. đã bỏ ra hơn 100.000 đồng mua sản phẩm thay da sinh học trên mạng xã hội để sử dụng.

Chỉ sau vài tiếng sử dụng sản phẩm thay da sinh học, hiệu quả chưa thấy đâu mà đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên làn da của cô gái trẻ. Sau khi bôi sản phẩm, da mặt của chị N. có cảm giác bị châm chích, rát, thậm chí da bị đổi màu rõ rệt, thâm sạm.

Bệnh nhân N. từng chịu đau để làm đẹp (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân N. từng chịu đau để làm đẹp (Ảnh: BVCC) 

Khi thấy da có biểu hiện bất thường kèm theo những triệu chứng đau tăng dần, chị đã liên hệ hỏi người bán hàng thì nhận được lời giải thích là do thời gian sử dụng sản phẩm chưa đủ, cần bôi thêm vài lần nữa. Vì mong muốn có một làn da đẹp, trắng sáng không tỳ vết như quảng cáo, cô gái tiếp tục bôi thêm thuốc, chịu đau đớn làm theo hướng dẫn của người bán hàng trên mạng xã hội.

Chị N. chia sẻ: “Tôi xem quảng cáo trên mạng xã hội thấy sau khi bôi sản phẩm người sử dụng sẽ lột da mặt một bên đen, một bên trắng. Nhìn hình ảnh quảng cáo quá hấp dẫn, nên tôi đã tin tưởng để sử dụng và không tìm hiểu gì. Đến khi bôi lên da mặt bị thâm đen tôi mới thấy sợ, cả đêm không ngủ được. Thậm chí, tôi còn có ý định nhảy lầu tự tử bởi vì mặt tôi bị đen sì, trông rất khủng khiếp”.

Do da mặt bị đau đớn kéo dài, thâm đen, bệnh nhân đã tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do hóa chất.

Sản phẩm thay da sinh học mà bệnh nhân sử dụng để làm đẹp da (Ảnh: BVCC)
Sản phẩm thay da sinh học mà bệnh nhân sử dụng để làm đẹp da (Ảnh: BVCC) 

BS. Nguyễn Tiến Thành – Phó Trưởng Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương – cho biết: Sau khi tiếp nhận và chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã sử dụng sản phẩm thích hợp cùng công nghệ laser ánh sáng để làm dịu da cho bệnh nhân. Chỉ 1 ngày sau khi được điều trị, bệnh nhân đã cảm thấy dễ chịu, da mặt không còn đau đớn như trước. Kết quả sau 7 ngày, toàn bộ vùng da mà bệnh nhân bôi loại thuốc đặt mua trên mạng xã hội đã bong tróc hết, để lại làn da hơi hồng. Các bác sĩ sẽ tiếp tục phục hồi làn da này cho bệnh .

Theo các chuyên gia y tế, việc người dân tự ý mua và sử dụng các sản phẩm dưỡng da, chăm sóc da trôi nổi trên mạng xã hội vô cùng nguy hiểm. Bởi để có tác dụng nhanh, đánh lừa người tiêu dùng, các loại thuốc được quảng cáo thường chứa những thành phần độc hại bị cấm như corticoit, parabens, chì, thủy, kẽm, xyanua,…

BS. Đỗ Thiện Trung – Phó Trưởng Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương – cho hay: một trong những vấn đề lớn mà người bệnh có thể gặp khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng đó là da mặt xuất hiện tình trạng sẹo. Khi dã mặt xuất hiện sẹo thì làn da của bệnh nhân gần như không bao giờ có thể phục hồi.

“Ma trận” quảng cáo mỹ phẩm trên mạng

Sự phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp không rõ nguồn gốc, chứa nhiều chất độc hại đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có thông báo xử lý hàng loạt các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quy định, có chứa thành phần độc hại và quảng cáo tràn lan trên các trang mạng, internet. Điển hình là sản phẩm Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn, kem ba tác dụng Trúc Mai, kem thảo dược đông y Như Xuân và lô sản phẩm mỹ phẩm của các nhãn Bạch Hoa Hồng, Bạch Thiên Tằm và Bạch Cúc Hoa.

Sản phẩm Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn được bày bán trên một trang thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình)

Sản phẩm Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn được bày bán trên một trang thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình)

2 lô sản phẩm mỹ phẩm gồm: Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn (số lô 8, NSX: 17/8/2018, HSD: 17/8/2021) và sản phẩm kem ba tác dụng Trúc Mai (số lô 1, NSX: 12/12/2017, HSD: 12/12/2020) đều do Công ty TNHH SX-XNK-TM mỹ phẩm Khôi Nguyên sản xuất. Các sản phẩm này bị đình chỉ do có chứa Dexamethason acctat là thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Còn sản phẩm kem thảo dược đông y Như Xuân (số lô V8400001, NSX: 2/1/2018, HSD: 2/1/2021) do cơ sở Ngân Anh (ấp Đông Thuận, xã Đông Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sản xuất, bị thu hồi do không đáp ứng quy định về chỉ tiêu và độ đồng đều khối lượng.

Cùng với đó, Cục Quản lý Dược cũng đã thu hồi 4 sản phẩm mỹ phẩm gồm: Kem body licorice, Men ủ trắng mặt, Kem ngăn ngừa mụn acne và Kem placenta do Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Mỹ Phẩm Ngô Thanh Phú (địa chỉ: Số 01, đường 19A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, P. An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Cả 4 sản phẩm này đều bị thu hồi do sản xuất không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn mỹ phẩm.

Trước tình trạng nhiều người dân sử dụng những sản phẩm dưỡng da, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc dẫn đến hậu quả tổn thương da nghiêm trọng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với làn da của mình, tuyệt đối không tin tưởng, đặt mua trên mạng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Khi bắt đầu sử dụng một sản phẩm mỹ phẩm nào đó, người dân nên thử trước bằng cách thoa một ít mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay hoặc sau tai, để trong thời gian từ 24 đến 48 . Nếu vùng da sau tai và mặt trong cánh tay không có bất cứ phản ứng bất thường gì thì có thể bôi lên mặt.

Ngoài ra, người dân cần nắm được các triệu chứng của dị ứng mỹ phẩm gồm: da bị mẩn đỏ, phát ban, nổi mụn, bong da, đau rát. Một số người có thể xuất hiện triệu chứng buồn nôn, khó thở. Nếu gặp bất kỳ một trong những dấu hiệu này, người dân cần dừng sử dụng sản phẩm, tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để thăm khám.