Đó là những con số được công bố tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899) diễn ra chiều 11/7 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Các Bộ chậm thống nhất
Hiện, Tổng cục Hải quan đang tích cực triển khai một số chương trình quan trọng như Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, Đề án quản lý giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Cơ quan này phấn đấu áp dụng đề án tại Hải Phòng và Hà Nội trong năm 2017.
Theo đánh giá của Ủy ban Chỉ đạo 1899, Việt Nam đã sẵn sàng kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN. Hiện, các nước tham gia đang đàm phán mở rộng trao đổi tờ khai hải quan và các chứng từ về kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong nội khối.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, hiện công tác phối hợp trong xây dựng quy phạm pháp luật giữa các bộ chưa tốt. Và do đó đã tác động lớn đến các doanh nghiệp và cơ quan đang thực hiện thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia tại 9 cảng biển quốc tế.
Ông Cẩn nêu dẫn chứng từ việc xây dựng Nghị định số 58/2017/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, bộ luật này đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Theo đó, nội dung dự thảo cần đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các quy định chuyên ngành, nhưng khi lấy ý kiến đóng góp thì lại không nhận được thông tin đầy đủ từ Bộ GTVT.
Cũng theo đánh giá của Ủy ban Chỉ đạo 1899, việc các cơ quan liên quan không nhiệt tình tham gia đã khiến tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm, thậm chí là kéo dài tình trạng chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, hiện vẫn còn tồn đến 63 văn bản đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, chậm hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ. Từ đầu năm tới nay, chỉ có 22 thủ tục hành chính đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia, đạt 17% kế hoạch. Đã thế, các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn thiếu, dẫn đến nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra.
Trong khi đó thì việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro, chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra.
Hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không giấu được sự sốt ruột trước thực tế các Bộ “ngại” thống nhất với nhau trong vấn đề kiểm tra chuyên ngành và từ đó kéo chậm tốc độ hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, đồng thời làm giảm hiệu quả quản lý hải quan.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề thực tế hiện này là thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm từ 30-35% tổng số thủ tục hải quan, nhưng tỷ lệ phát hiện sai sót lại thấp, chỉ chiếm 0,04%. Phó Thủ tướng dẫn khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, theo đó tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15% và kiểm tra trên cơ sở đánh giá rủi ro.
“Có trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ. Một bộ nhưng anh "đẻ" ra rất nhiều thứ” - Phó Thủ tướng nói, và nêu dẫn chứng như sản phẩm thịt và các sản phẩm từ thịt hiện phải qua 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành đều của cùng một Bộ NNPTNT. Đồng thời có trường hợp một mặt hàng nhập khẩu chịu cùng một hình thức quản lý kiểm tra của hai bộ.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng, hiện có đến 50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Theo Phó Thủ tướng, tình trạng này dẫn đến thực tế“người trực tiếp kiểm tra muốn kiểm tra gì, hành gì cũng được”. Và kiểu quản lý này “gây khó khăn cho doanh nghiệp, gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính, giảm năng lực cạnh tranh, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp mà không áp dụng chế độ quản lý rủi ro với hậu kiểm” – Phó thủ tướng gay gắt nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ như Bộ Công thương, NNPTNT, Y tế… phải nhanh chóng rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, bãi bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo lô hàng và theo nơi nhập. Áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Giao doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu, áp dụng thông lệ quốc tế trong kiểm tra…Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải giảm được tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%.
Đồng thời với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo vừa tạo thuận lợi thương mại phải và vừa nâng cao được khả năng chống gian lận thương mại, “không phải mở hết cổng, hết cửa ra để anh nào muốn vào thế nào thì vào” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ lớn không kém Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017, bổ sung thủ tục mới qua Cơ chế một cửa quốc gia, hoàn thành chương trình mục tiêu, hành động cụ thể thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, chậm nhất trong tháng 8/2017.