Hiểu được nhu cầu cấp thiết này, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông – IPS đã tổ chức hội thảo “Đánh thuế như thế nào cho hoạt động thương mại xuyên biên giới”. Trong khuôn khổ hội thảo, PGS. TS Vũ Sỹ Cường cho rằng thế giới đang chuyển mình để bắt kịp xu hướng đổi thay của nền kinh tế.
Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính - Học viện Tài Chính Vũ Sỹ Cường nói: “Trước kia, thuế chỉ áp dụng trên những hàng hóa hiện hữu. Nhưng ngày nay, giá trị của hàng hóa nằm trong những thứ vô hình như dữ liệu hay dịch vụ”.
Facebook là ví dụ điển hình của công ty kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới. CEO Apple Tim Cook từng nhận định: “Khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không là khách hàng mà là hàng hóa”. Điều này có nghĩa là mạng xã hội sử dụng thông tin nhân dạng, do người dùng tự khai báo trên nền tảng miễn phí để bán quảng cáo.
Thực tế, công ty công nghệ tạo ra doanh thu trên lãnh thổ một quốc gia nhưng lại không phải nộp thuế tại quốc gia đó. Ví dụ, Facebook đang kiếm khoản lợi nhuận khổng lồ trên toàn cầu. Nhưng cuối cùng, doanh thu được đưa về trụ sở tại Mỹ thông qua mạng lưới đại lý đa quốc gia.
Thách thức đối với các cơ quan quản lý
PGS. TS Vũ Sỹ Cường cho rằng các cơ quan quản lý thuế đang phải đối mặt hai thách thức lớn.
Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính - Học viện Tài Chính PGS. TS Vũ Sỹ Cường phát biểu tại hội thảo “Đánh thuế như thế nào cho hoạt động thương mại xuyên biên giới”, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông – IPS tổ chức.
|
Thứ nhất, các công ty công nghệ đang cung cấp một loại “hàng hóa vô hình” qua môi trường Internet. Hiện tại, chưa có quốc gia nào có thể kiểm soát được loại hình giao dịch đó. “Không có rào cản nào cho việc phân phối, không đơn vị hải quan nào kiểm soát được hoàn toàn. Cách duy nhất là cấm Internet, nhưng giải pháp này là bất khả thi”, ông Cường cho biết.
Không chỉ Facebook, tất cả các công ty công nghệ đa quốc gia như Grab, Spotify hay Netflix… đều hoạt động theo mô hình “xuất khẩu dịch vụ xuyên biên giới”. Điều này đặt ra bài toàn với các cơ quan quản lý nên đánh thuế loại hình này như thế nào?
Ông Cường giải thích: “Bản chất thuế truyền thống áp dụng theo đơn vị cư trú, hoặc hàng hóa hiện hữu. Ngày nay, dịch vụ là hàng hóa vô hình, đơn vị chủ quản không nằm tại một quốc gia cố định nên đánh thuế vô cùng phức tạp”.
Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính - Học viện Tài Chính cho rằng trong mô hình hoạt động của các công ty công nghệ, mỗi mắt xích nắm giữ một nhiệm vụ khác nhau. Bởi vậy, việc xác định giá trị dịch vụ cũng không hề đơn giản.
Ông Cường nói thêm: “Hàng hóa hữu hình dễ vì chi phí sản xuất công khai. Ngược lại, hàng hóa vô hình như dữ liệu rất khó ước tính giá trị, quá trình tính toán cũng gây tranh cãi rất nhiều”.
Thách thức thứ hai là việc xác định đối tượng chịu thuế. Trong trường hợp của Facebook, người dùng tạo ra dữ liệu giá trị, tuy nhiên đánh thuế người dùng là điều bất hợp lý.
Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và làm việc tại Pháp, PGS. TS Vũ Sỹ Cường chia sẻ rằng: “Pháp từng có ý tưởng đánh thuế người dùng, nhưng bị phản đối. Hiện nay Pháp vẫn theo đuổi ý tưởng này dưới hình thức khác, gọi là thuế dữ liệu”. Cụ thể, người dùng phải nộp thuế dựa trên lượng dữ liệu sử dụng. Loại thuế vô lý này vẫn đang bị phản đối tại Pháp, và cũng không nhận được sự đồng tình của các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu.
Nhiều ý kiến cho rằng nên đánh thuế các đại lý của công ty dịch vụ nằm ở các quốc gia. Cách này đang gây tranh cãi bởi thực chất các đại lý được hưởng khoản doanh thu đó, mà chỉ thu hộ công ty mẹ. “Bởi thông tin chúng ta cung cấp, thu dịch vụ từ quảng cáo trong nước nhưng doanh thu lại chuyển hết về công ty chủ quản. Đây là vấn đề phức tạp chưa thể giải quyết triệt để”, ông Cường lý giải.
Thương mại dịch vụ xuyên biên giới tồn tại nhiều vấn đề trong việc tính thuế. Mô hình của nó thay đổi cơ bản cách thức chúng ta xác định giá trị trong nền kinh tế, cách thức xem xét đối tượng chịu thuế.
Việt Nam cần cân nhắc kĩ càng khi thiết lập hàng rào thuế quan với loại hàng hóa “vô hình” này, đặc biệt đối với “ông lớn” như Google hay Facebook. Ông Cường cho rằng: “Nếu các công ty công nghệ lớn ngừng cung cấp dịch vụ thì chúng ta sẽ là bên chịu thiệt”.
Việc chia sẻ dữ liệu số hiện nay đang giúp rất nhiều doanh nghiệp Việt, vì thế chúng ta nên cân nhắc kĩ càng trước khi đưa ra chính sách thuế mới, tránh gây sức ép quá lớn đối với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Đây là thách thức lớn không chỉ đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới.